Tin nổi bật

Nối cung tơ xứ B’Lao

2:29 sáng | 31/01/2023

VHDN – Hơn 50 năm trước, vùng đất trên cao nguyên B’Lao xưa, nay là thành phố trẻ Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, được lựa chọn nhằm thực hiện khát vọng về một “kinh đô” tơ lụa của Việt Nam. Trải qua thăng trầm, giờ đây thương hiệu Tơ lụa Bảo Lộc đang “dệt” đường tơ óng ả trên những “miền mơ tưởng”, những vùng đất được ví là “kinh đô” thời trang thế giới.

Sắc màu Tơ lụa Bảo Lộc

Tôi rất ấn tượng với ví von của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, khi nhắc chuyện “con tằm cõng nắng đổ đầy nong tơ” và giấc mơ lụa Việt trên bản đồ thế giới. Chị nói: “Lụa tơ tằm Bảo Lộc như hình ảnh cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ. Ðây là điều đáng tiếc…”. Và, trong thời gian ngắn, “cô gái đẹp” ấy đã “dệt” nên những đường tơ quyến rũ trong làng thời trang vượt biên giới.

Tháng 10/2022, nhà thiết kế Minh Hạnh và Vietnam Silk House, mang đến San Marino những đường tơ óng ả của Bảo Lộc trong những tà áo dài và bộ thời trang, được thiết kế trên những dấu ấn của San Marino. Lụa xứ B’Lao được khoe vẻ đẹp thuần khiết của sợi tơ tằm tự nhiên tại sự kiện “Silk & San Marino”, nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – San Marino, do Đại sứ quán Việt Nam tại Italia kiêm nhiệm San Marino, cùng Bộ Ngoại giao San Marino tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại Italia kiêm nhiệm San Marino Dương Hải Hưng chia sẻ: “Tơ lụa là hình ảnh ẩn dụ sống động về giao thương trong lịch sử, cùng hình ảnh ẩn dụ của tuổi 15 trong quan hệ hai nước, lứa tuổi tràn đầy sức sống và niềm hy vọng tươi mới về tương lai hợp tác giữa hai nước”.

Nhà thiết kế Minh Hạnh (thứ hai, bên phải), cùng đại diện Vietnam Silk House và Đại sứ Việt Nam tại Italia gặp gỡ Chủ tịch vùng Como. (Ảnh: Vietnam Silk House cung cấp)

Nhà thiết kế Minh Hạnh mang đến San Marino gần 200 bộ trang phục sang trọng của thời trang lụa Việt, được làm từ chất liệu tơ tằm Bảo Lộc của Vietnam Silk House. Bộ sưu tập chắt lọc những hình ảnh tiêu biểu của San Marino, vừa tự hào giới thiệu với công chúng tại đất nước “đại bình yên” về tơ lụa và văn hóa Việt Nam. “Tôi muốn chia sẻ với thế giới vẻ đẹp của tơ lụa Việt là vĩnh cửu, nếu chúng ta thể hiện được bản sắc thời đại của chính mình”, nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ.

Giấc mơ tơ lụa Bảo Lộc tại San Marino. (Ảnh: Vietnam Silk House cung cấp)

Giới thời trang có câu “mọi thương hiệu thời trang xa xỉ đều dùng tơ lụa của Como”. Tháng 7/2022, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng Vietnam Silk House, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất tơ lụa, thương hiệu thời trang Việt, cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Italia tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc tại Como (Italia), nơi được mệnh danh “thành phố của lụa”, đã góp phần giúp thương hiệu tơ lụa xứ B’Lao tiếp tục lan xa đến những “miền mơ tưởng”. Hàng loạt sự kiện đã được hai bên thống nhất triển khai, nhằm kết nối hợp tác giữa Thành phố Bảo Lộc – trung tâm sản xuất tơ lụa lớn nhất Việt Nam với Como. Trong đó có sự kiện biểu diễn tơ lụa Bảo Lộc tại Como vào năm 2023. Chỉ cần một công ty của Việt Nam xuất được tơ sợi sang Ý, sẽ tạo ra cơ hội quảng bá và nâng tầm giá trị tơ lụa Việt Nam và kết quả bước đầu của sự kết nối này đặt nền móng để tơ lụa Bảo Lộc có thể đặt chân đến thủ phủ tơ lụa của Italia một cách chính danh. Về lâu dài, nhà thiết kế Minh Hạnh và những người sản xuất tơ lụa tại Bảo Lộc đã có “chiến lược” để lụa Việt Nam có tên trên bản đồ tơ lụa thế giới.

Nhà thiết kế Minh Hạnh và đại diện Vietnam Silk House cùng Giám đốc nhà máy dệt Tessitura (Como, Italia) trong phòng trưng bày mẫu. (Ảnh: Vietnam Silk House cung cấp)

Từ đỉnh Sapung, phố thị Bảo Lộc lấp loáng sắc màu. Nét u hoài, trầm mặc xứ Mạ B’Lao xưa đã thay bằng nhịp điệu phố, nhịp điệu những cung tơ dệt sắc màu. Giờ đây, bên ấm trà đặc sánh, những người già xứ Mạ dưới chân Sapung vẫn thường kể cho con cháu nghe huyền tích về vùng đất B’Lao. Xưa, người Mạ sinh sống ở khu vực rừng núi thượng nguồn sông Đạ Dờng. Và người Mạ quần tụ quanh núi Sapung đến suối Đạ M’ri tự gọi là Mạ B’Lao. Thung thăng miền trà xứ bazan, tôi chưa thể tỏ nghĩa “B’Lao”, bởi có người gọi B’Lao là đám mây thấp, rẫy lúa sau mùa gặt, là “rừng trống”… Chưa cần tỏ nghĩa, tự thân “B’Lao” đã là một nốt nhạc, một cung tơ.

Đêm “Lụa và San Marino” tại nhà hát lớn Titano. (Ảnh: Vietnam Silk House cung cấp)

Tôi vẫn quen gọi B’Lao hơn Bảo Lộc, bởi mê đắm hương rạ sau mùa gặt, hay “đám mây la đà” trên đỉnh Sapung. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, B’Lao đã đổi thay. Và Bảo Lộc hôm nay như cô gái miền sơn cước tuổi dậy thì. Mỗi sớm mai thức giấc, hơi ấm tách trà xanh ướp hương hoa sói, hoa lài thơm nồng, ngào ngạt giữa sáng tinh khôi, khiến lòng lữ khách bâng khuâng.

Sản phẩm lụa tơ tằm Bảo Lộc

Bên tách trà B’Lao nồng nàn ngọt hậu, nhà thiết kế Minh Hạnh, người từng “nhận trách nhiệm” thiếu sót với chất liệu truyền thống của dân tộc, khi chị bén duyên với xứ lụa Bảo Lộc, thổ lộ: “Cách đây mấy năm, tôi từng ví lụa tơ tằm Bảo Lộc như hình ảnh cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ. Nhưng giờ đây, sự kết hợp giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế, nhà phân phối và cả những nhà công nghệ dành cho tơ lụa, thì “cô gái đẹp” ấy trở nên gần gũi hơn. Người tiêu dùng đã “chạm” được cô gái đẹp ấy, chứ không phải là cô gái đẹp khá đỏng đảnh nằm trong ngôi nhà cổ, với một vẻ đẹp u hoài”.

Sự kiện văn hóa “Silk & San Marino” là sự kết nối thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và San Marino. (Ảnh: Vietnam Silk House cung cấp)

Khoảng thập niên 60 thế kỷ trước, vùng đất B’Lao được lựa chọn nhằm thực hiện khát vọng về một “kinh đô” tơ lụa của Việt Nam. Sau khoảng mười năm gầy dựng, giấc mơ tơ lụa Bảo Lộc có tên trên bản đồ tơ lụa thế giới bổng đứt quãng do nhiều lý do. Những năm gần đây, cùng với thị hiếu tiêu dùng, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, cung cách làm ăn bài bản và sự nhiệt huyết của những người mê đắm sợi tơ tằm, thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” đã hồi sinh mạnh mẽ. Sợi tơ tằm tự nhiên xứ B’Lao đang dệt sắc màu tươi mới, hòa quyện giữa hiện đại và truyền thống; với 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ lụa; hàng năm sản xuất hơn 1.100 tấn tơ, khoảng 5 triệu mét lụa.

Lụa tơ tằm Bảo Lộc và áo dài Việt Nam tại sự kiện văn hóa “Silk & San Marino”. (Ảnh: Vietnam Silk House cung cấp)

Tơ lụa Bảo Lộc từng xuất hiện tại Tuần lễ cấp cao APEC 2006 và 2017, trong trang phục của các nguyên thủ, những bộ sưu tập thời trang do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện và có mặt trên các sàn diễn thời trang danh giá Paris, Milan, Moscow… Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc từng bước chinh phục giới mộ điệu thời trang thế giới, với các dòng sản phẩm chính, như tơ xe, lụa tơ tằm, lụa satin, yozu, habutai và lụa CDC dùng may áo dài, quần áo cao cấp, trang trí nội thất. Thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” từng bước được định danh tại các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Châu Âu, Trung Đông… Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, sợi tơ tằm truyền thống, giới thiết kế thường gọi là gia tài của ông bà để lại. Khi đã có gia tài thì phải làm giàu thêm, để chất liệu truyền thống gắn liền với sự phát triển của thương hiệu Việt. Thông qua con đường thời trang, vẻ đẹp của tơ lụa được chuyển tải một cách trung thực và sinh động nhất, mang đến cho người tiêu dùng một ý niệm mới về sản phẩm truyền thống hừng hực tinh thần thời đại.

Mẫu thiết kế của Minh Hạnh tại sự kiện Silk & San Marino.

Chia tay “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam, cao nguyên B’Lao bồng bềnh mây trắng, phố núi mộng mơ, áo lụa em bay trong chiều…

MAI VĂN BẢO