Cà Mau

Nông nghiệp Cà Mau chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

2:29 sáng | 10/04/2020

Năm 2020, nông nghiệp Cà Mau được tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Tháo gỡ nút thắt đầu ra

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, đây là nút thắt lớn cần được tháo gỡ, trong đó nguyên nhân chủ yếu do thiếu liên kết thị trường. Để giải quyết vấn đề trên, ngành nông nghiệp đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp: Tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động phối hợp với các tỉnh thành phố để kết nối các đơn vị sản xuất của tỉnh với các địa phương khác trên cả nước nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, THT, nông hộ kết nối cung cầu, mở rộng thị trường; Xây dựng thương hiệu, tăng cường khả năng nhận diện các sản phẩm đặt thù của địa phương. Đồng thời tăng cường sản xuất theo quy mô hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm (các thủ tục đáp ứng được hệ thống chứng nhận quản lý chất lượng, chứng nhận đảm bảo VSATTP, chứng minh nguồn gốc sản phẩm…).

Theo ông Lê Thanh Triều – Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2015-2020 là đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống nhằm chuyển biến nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã giúp việc chọn tạo và phục tráng các giống lúa có năng suất chất lượng cao. Hàng năm có trên 100 giống lúa được khảo nghiệm và hàng chục giống lúa mới được bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như: Camau1, Camau2, ST20, ST24, CXT30, Sói lùn, Một bụi lùn, Ba bông mẳn… Cà Mau cũng đã thành công trong công nghệ nuôi cấy mô một số dòng keo lai và sản xuất được từ 1,5-2 triệu cây giống/năm bằng phương pháp giâm hom phục vụ cho công tác trồng rừng.

Làm chủ quy trình sản xuất thuỷ sản

Đối với lĩnh vực thủy sản, Cà Mau đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất tôm giống, cua giống và một số loài thủy sản nước ngọt, chủ động cung cấp được gần 50% nhu cầu tôm sú giống cho toàn tỉnh, cua giống sản xuất tại địa phương ước đạt 330 triệu con/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất giống của tỉnh.

Các loại hình nuôi tôm có nhiều thay đổi đáng kể, diện tích nuôi tôm thâm canh và QCCT đã không ngừng tăng, năm 2013 diện tích nuôi tôm thâm canh toàn tỉnh Cà Mau chỉ đạt 5.992 ha, đến nay đã lên đến 10.000 ha, diện tích nuôi tôm QCCT đã tăng gấp 3 lần so với năm 2013, đồng thời, diện tích nuôi tôm quảng canh cũng đã giảm tỷ lệ thuận với diện tích nuôi tôm thâm canh và QCCT, năm 2018 diện tích nuôi tôm QC đã giảm còn khoảng 130.000 ha.

Mặt khác, phát triển KH&CN trong khai thác và bảo quản hải sản cũng được ngành nông nghiệp Cà Mau triển khai thực hiện mạnh mẽ thông qua hoạt động hiện đại hóa công tác quản lý tàu cá hoạt động trên biển với việc lắp đặt hệ thống thông tin tàu cá. Đây là một phương thức quản lý từ xa, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT này cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản được khai thác.

              Nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Ngọc Hiển 

Tăng cường ứng dụng KH-CN

Ngành cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển ngành nông nghiệp và PTNT”, đây được xem là dự án IoT-Mạng lưới vạn vật kết nối Internet đầu tiên áp dụng tại Cà Mau, nhằm hỗ trợ công tác quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp Cà Mau. Đặc biệt, phần mềm này cũng là công cụ hỗ trợ người dân trong việc nắm bắt kịp thời thông tin về giá cả thị trường, tình hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thú y để chủ động sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Theo ông Triều, hoạt động KH&CN của ngành đã phát triển rất nhiều trong thời gian qua, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu ngành đạt hiệu quả cao, bền vững. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn theo hình thức nhỏ lẻ, sản xuất còn thiếu bền vững, không theo quy hoạch, thiếu sự gắn kết giữa nhà nông với doanh nghiệp. Việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn diễn ra chậm. Các HTX chưa đủ năng lực làm tốt các chức năng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân, dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá vỡ hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Mặc khác, tình trạng sản xuất tự phát và không được tổ chức chặt chẽ của người nông dân luôn là nguyên nhân sâu xa bao trùm đưa đến những hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu ngành này trong thời gian vừa qua.

Dự báo năm 2020 ngành nông nghiệp sẽ gặp một số khó khăn nhất định trước tình hình diễn biến kinh tế thế giới khó lường, môi trường suy giảm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, khả năng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng nhiều hơn sẽ tác động bất lợi đến sản xuất. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch năm 2020: duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức từ 4-4,5%/năm; tổng sản lượng thủy sản đạt 600.000 tấn, tăng 5,6%/năm so với năm 2019; diện tích rừng ngập mặn tập trung đạt 96.500 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 26%, tăng 1,6% so với năm 2019…

Thy Đỗ