Bình Định

Nông nghiêp công nghệ cao: Huớng đi tất yếu của Bình Định

7:27 sáng | 29/08/2018

Chủ động tiếp cận, lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật công nghệ tiên tiến, ứng dụng các mô hình tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả là hướng đi của ngành nông nghiệp Bình Định trong thời gian tới. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Bình Định Phan Trọng Hổ khẳng định như vậy trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân.

Ông vui lòng chia sẻ những thành tựu phát triển nông nghiệp cũng như lợi thế về nông nghiệp của Bình Định?

Vượt qua nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp Bình Định đạt tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 21.495,4 tỷ đồng (2016) và 23.186,9 tỷ đồng (2017). Về năng suất, các giống cây trồng chủ lực tại tỉnh như lúa, sắn, lạc, ngô…đều phát triển ổn định và bền vững. Chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung cũng đạt kết quả tốt. Tỉnh hiện có 12 trang trại đạt tiêu chí chăn nuôi trang trại của Bộ NNPTNT. Ngoài ra tỉnh đang xúc tiến chuỗi tiêu thụ thịt lợn sạch với Tp.Đà Nẵng, hoạt động sản xuất gà con giống chất lượng cao đạt gần 35 triệu con năm 2017.

Tiềm lực khai thác thủy sản của tỉnh tiếp tục được nâng cao và mở rộng, cuối năm 2017, toàn tỉnh có 6.325 tàu cá (hơn 3.685 tàu công suất 90 CV trở lên). Tỉnh đã xây dựng thành công mô hình liên kết khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật theo công nghệ Nhật. Tỉnh đã thu hút được một dự án nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao nhà kính (Tập đoàn thủy sản Việt-Úc). Công tác trồng rừng được kiểm soát tốt với năng suất và chất lượng được nâng cao. Nhiều mô hình liên kết sản xuất chuỗi đã được hình thành: chuỗi sản xuất lúa giống; vùng sản xuất tập trung; chuỗi đánh bắt cá ngừ đại dương; vùng rau an toàn VietGAP; chuỗi sản xuất chăn nuôi gia cầm giống; bò thịt chất lượng cao; trồng rừng gỗ lớn; phát triển trồng cây dược liệu. Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2017 có 49 xã/121 xã (đạt 40,5 %) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về lợi thế nông nghiệp, Bình Định có nhiều thế mạnh trong việc phát triển về thuỷ sản, đây là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh có đóng góp lớn cho phát triển nông nghiệp. Do là đầu mối giao thông đường biển, sắt và hàng không, Bình Định có điều kiện thuận lợi phát triển thủy sản.

Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là lợi thế của tỉnh, Bình Định đã thực hiện thành công mô hình phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, triển khai chương trình Phát triển giống bò và Chương trình bò thịt chất lượng cao…Về cây trồng, tỉnh có lợi thế về phát triển các giống cây trồng như lúa, mai vàng, dừa, nhiều loại rau sạch an toàn…Hiện New Zealdn đã xây dựng dự án rau an toàn tại Bình Định.

Đâu là tầm quan trọng của công tác tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, kết quả sau ba năm thực hiện tái cơ cấu là gì?

Tái cơ cấu có vị trí rất quan trọng nhằm duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh trạnh của sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nghèo. Tái cơ cấu cũng thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn diện góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông thôn của tỉnh.

Về kết quả sau 3 năm tái cơ cấu, tỉnh đã gặt hái nhiều thành tựu khích lệ trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp. Cụ thể, Bình Định đã triển khai hiệu quả lợi thế cạnh tranh của các giống cây trồng, thực hiện thành công môi trường chăn nuôi trang trại, xây dựng thành công đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Mỹ Thành, tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với diện tích 406 ha; kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng đáng kể, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Xin ông cho biết thêm về công tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh?

Nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi tất yếu của tỉnh. Đến cuối năm 2017, hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ áp dụng cơ giới khá cao so mặt bằng chung cả nước. Tỉnh cũng đã chủ động tiếp cận, lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và các mô hình tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả để đưa vào các khâu sản xuất như: tưới tiết kiệm, giao lạ lúa, máy cuộn rơm, đệm lót sinh học trong chăn nuôi, tạo giống lúa siêu nguyên chủng….Nỗ lực này đã tạo sự chuyển biến rõ nét trên phạm vi rộng trong ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đâu là giải pháp để Bình Định khắc phục những hạn chế tồn tại nhằm tạo được chuyển biến rõ nét trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp?

Một số giải pháp mà tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới bao gồm: tiếp tục thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020; thực hiện các quy hoạch phát triển sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh tiến tới thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi cây trồng cạn trên đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang cây trồng khác có hiệu quả tỉnh Bình Định đến năm 2020; ứng dụng mô hình sản xuất theo chuỗi; tăng cường công tác thông tin kế nối thị trường; sắp xếp lại hoạt động của các hợp tác xã theo hướng tinh gọn; thực hiện Đề án Đổi mới, phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020; thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Đề án Phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035.

Một giải pháp quan trọng khác là tập trung đầu tư và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi, nước sạch, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp.

Đặc biệt, Bình Định sẽ triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018; kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Trong từng lĩnh vực cụ thể, tỉnh sẽ tiến hành tái cơ cấu một cách hợp lý:

Về trồng trọt, tỉnh ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững, khuyến khích liên kết nông hộ, hình thành các hợp tác xã chuyên ngành…

Về chăn nuôi, phát triển vùng chăn nuôi tập trung với công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu “bò thịt chất lượng cao”, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các địa phương khác, triển khai chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

Về lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, phát triển rừng ngập mặn gắn với phát triển du lịch sinh thái; thực hiện Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035.

Về thuỷ sản, tăng cường phát triển mạnh lực lượng sản xuất trong các khâu như khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần; thực hiện các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp; khai thác thủy sản theo hướng vươn khơi, vươn xa, khai thác các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu; triển khai Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quốc gia và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy, hải sản.

Hai nhiệm vụ trọng tâm khác là xây dựng nông thôn mới và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm cũng sẽ được tỉnh ưu tiên thực hiện trong thời gian tới. Một mặt, đẩy mạnh phong trào thi đua “Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới”, mặt khác thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng cơ bản tại khu vực nông thôn; thực hiện chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản và Đề án tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030.

                                                                             Minh Kiệt – Bảo Châu