Tin nổi bật

Nông nghiệp Đắk Lắk: Tái cơ cấu sản phẩm chủ lực

10:41 sáng | 21/03/2019

Đất đai là tiềm năng và thế mạnh của Đắk Lắk, toàn tỉnh có trên 627.000 ha đất Bazan màu mỡ rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả. Tận dụng lợi thế này, Đắk Lắk sẽ tập trung tái cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao.

 Bai Nong nghiep Dak Lak (1)

Nâng cao giá trị, phát triển bền vững

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 627.515ha thuận lợi cho việc phát triển các loại cây cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, ca cao và một số loại cây ăn quả…Ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã đặt ra định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020 tập trung vào các sản phẩm chủ lực này.

Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên ứng dụng KH-CN, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương mại-dịch vụ nông sản theo hướng bền vững; coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 23 – 24%, ngành trồng trọt 70 – 72%, ngành dịch vụ 5 – 6% vào năm 2020; tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, sắn, cây ăn trái (bơ, sầu riêng, cây có muối) mật ong theo chuỗi giá trị toàn cầu

Bên cạnh đó, từ nay đến 2020, tỉnh sẽ tập trung phát triển rừng, chăn nuôi bò thịt, lợn và cá nước lạnh trở thành ngành hàng có tính cạnh tranh cấp vùng; thu hút đầu tư và phát triển chế biến sâu nông lâm sản và dịch vụ thương mại; giúp nâng cao thu nhập người dân địa phương.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu nâng cao diện tích và sản lượng sản phẩm chủ lực. Cụ thể, diện tích cà phê đạt 180 nghìn ha, sản lượng 478,9 nghìn tấn năm 2020 và 563,3 nghìn tấn năm 2030; hồ tiêu đạt 18,7 nghìn ha, 43,7 nghìn tấn năm 2020 và 48,2 nghìn tấn năm 2030; cây ăn quả đạt 20 nghìn ha và 261 nghìn tấn năm 2020, 397 nghìn tấn năm 2030; nâng sản lượng bò lên 70 nghìn con với sản lượng thịt lên 16,8 nghìn tấn năm 2020 và 120 nghìn con với sản lượng thịt 30 nghìn tấn năm 2030…

Tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý và môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư, nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm tạo bước đột phá trong cung ứng dịch vụ công và thu hút đầu tư.

Trong giai đoạn sắp tới, cùng với sự chuyển đổi phương thức phát triển “nông nghiệp bền vững”, Đắk Lắk tập trung kêu gọi đầu tư vào phát triển nông nghiệp với một số dự án tiêu biểu như:

-Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã EaK’Pam, huyện CưM’gar theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh trong và ngoài nước; 100% trong hoặc ngoài nước (diện tích 105,5 ha, vốn đầu tư dự kiến: 500 tỷ VNĐ.

-Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã EaTu, TP Buôn Ma Thuột, hình thức đầu tư: Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong và ngoài nước; 100% trong hoặc ngoài nước. Diện tích 25 ha. Vốn đầu tư dự kiến: 250 tỷ VNĐ.

-Vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn các huyện sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh. Hình thức đầu tư: Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong và ngoài nước; 100% trong hoặc ngoài nước. Diện tích 80 nghìn ha: Vốn đầu tư dự kiến 5.176 tỷ VNĐ.

-Vùng ca cao, mắc ca, cây dược liệu ứng dụng CNC: Vốn đầu tư dự kiến 436 tỷ VNĐ. Thời gian hoạt động dự án: 50 năm.

 -Vùng hồ tiêu, cây ăn quả, ngô, rau ứng dụng CNC: Vốn đầu tư dự kiến 8.522 tỷ VNĐ. Thời gian hoạt động dự án: 50 năm.

-Vùng chuối, hoa, khoai lang, lúa, mía, nấm ứng dụng CNC: Vốn đầu tư dự kiến 3.384 tỷ VNĐ. Thời gian hoạt động dự án: 50 năm.

-Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung CNC: Vốn đầu tư dự kiến 18 tỷ VNĐ. Thời gian hoạt động dự án: 50 năm.

-Vùng chăn nuôi tập trung CNC trên địa bàn các huyện: Mdrắk, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo..: Vốn đầu tư dự kiến 3.983 tỷ VNĐ. Thời gian hoạt động dự án: 50 năm.

-Các nhà máy chế biến sâu nông sản tại Khu công nghiệp Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột. Hình thức đầu tư: Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong và ngoài nước; 100% trong hoặc ngoài nước. Quy mô dự án: 02-05 ha/nhà máy. Mục tiêu dự án: Chế biến sâu cà phê, hồ tiêu, cao su, sầu riêng, bơ. Vốn đầu tư dự kiến: 50 tỷ VNĐ/nhà máy.

-Khu Công nghiệp Phú Xuân, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk có quy mô 325,6 ha, hiện đang chuẩn bị đầu tư hạ tầng để thu hút các Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu nông lâm sản.

-Khu du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin, huyện Krông Bông. Hình thức đầu tư: Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong và ngoài nước; 100% trong hoặc ngoài nước. Quy mô dự án: Diện tích 838 ha. Vốn đầu tư dự kiến: 500 tỷ VNĐ.

Đỗ Thy