Dù là một quốc gia nhỏ bé chỉ với chỉ 41.850 km2, nhưng Hà Lan hiện là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 trên thể giới, chỉ sau Mỹ. Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Lan bao gồm hoa, phô mai, cà chua, rau và bia. Ngành nông nghiệp của Hà Lan xuất khẩu khoảng 65 tỷ Euro mỗi năm, ngành nông nghiệp và làm vườn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Hà Lan.
Tương tự, sản xuất nông nghiệp hiện cũng đóng vai trò xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất nông nghiệp quan trọng trên thế giới và cũng là quốc gia ưu tiên hợp tác kinh tế với Hà Lan.
Từ những năm 1990 khi Việt Nam tiến hành quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, Hà Lan đã hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, mà điển hình nhất là về nông nghiệp thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật (chăn nuôi bò sữa, khí sinh học, trồng trọt…).
Do có nhiều sự tương đồng, Việt Nam và Hà Lan đã hợp tác phát triển nông nghiệp trong nhiều năm. Đặc biệt từ năm 2014, hai nước đã ký kết thoả thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Thoả thuận này đã tạo ra một khuôn khổ thúc đẩy sự hợp tác song phương lâu dài trong lĩnh vực trồng trọt, làm vườn, nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi giữa hai nước.
Việt Nam và Hà Lan đã thống nhất rằng việc phát triển chuỗi giá trị bền vững đóng vai trò xương sống trong mối quan hệ đối tác giữa hai nước với trọng tâm là phục vụ nhu cầu khách hàng và hiệu quả sản xuất. Các công nghệ của Hà Lan có những đóng góp hiệu quả vào việc mở rộng các chuỗi giá trị bền vững thông qua việc giảm thất thoát sau thu hoạch. Việt Nam và Hà Lan đã ký bản ghi nhớ về quản lý an toàn thực phẩm (năm 2017 tại Hà Lan) và Bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (năm 2019 tại Việt Nam).
Hai nước cũng nhất trí triển khai các chương trình hợp tác trên cơ sở các ưu tiên và thế mạnh của nhau, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý an toàn thực phẩm, nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, chất lượng nước… trong đó có hợp tác phát triển các vùng nông nghiệp thông minh và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng nông nghiệp Việt Nam, chú trọng việc chuyển giao, hỗ trợ công nghệ từ các đối tác Hà Lan nhằm tăng cường cơ hội hợp tác kinh doanh.
Trong chuyến thăm Hà Lan vào tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh rằng Việt Nam cần học tập, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển nông nghiệp với Hà Lan. Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam về giống cây trồng, công nghệ chế biến, kinh nghiệm, thị trường, thông tin, phía Việt Nam sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu cho phía Hà Lan. Thủ tướng cũng nhấn mạnh hai nước cần thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, hợp tác theo hướng bổ sung cho nhau, tổ chức nhiều diễn đàn, hoạt động xúc tiến đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng.
Ví dụ điển hình gần nhất trong hợp tác nông nghiệp bền vững là chuyến thăm Hà Lan của đoàn công tác do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu vào tháng 2/2023. Trong chuyến công tác này, đoàn đã làm việc với Khu công nghệ cao Brainport Eindhoven, Trung tâm nhà vườn thế giới và Quỹ Invest International.
Chuyến công tác nhằm tìm hiểu mô hình rất thành công của Hà Lan liên quan đến sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu giảng dạy, giữa các đối tác, đối thủ cạnh tranh, chia sẽ hệ thống logistics và cùng tạo ra giá trị cho các sản phẩm công nghệ cao. Chuyến công tác cũng nhằm thúc đẩy triển vọng hợp tác giữa Brainport và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam (NIC).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị Trung tâm nhà vườn thế giới hỗ trợ và hợp tác xây dựng mô hình Trung tâm trồng trọ tại khu vực phía Bắc Việt Nam theo mô hình của Hà Lan. Ngoài ra, Cục phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Việt Nam-Hà Lan đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tăng cường hợp tác và thúc đẩy phá triển kinh tế trong lĩnh vực làm vườn.
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hà Lan còn được thể hiện qua Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam – sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, Tổ chức Chính phủ của hai nước – trong lĩnh vực trồng trọt. Hiệp hội được xem là tổng hòa của kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm của toàn bộ chuỗi giá trị trồng trọt tại Việt Nam và Hà Lan. Tại hiệp hội này, các thành viên cùng làm việc để xây dựng mối quan hệ dài hạn thông qua chia sẻ chuyên môn và nguồn lực để đóng góp vào thị trường đang phát triển của Việt Nam và bằng cách xúc tiến, chia sẻ và thương mại hóa các công nghệ trồng trọt Hà Lan.
Bên cạnh đó, thông qua dự án OKP (dự án tri thức màu cam) do Bộ Ngoại giao Hà Lan tài trợ, Hà Lan đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả ngành trồng trọt tại Việt Nam. Đây là dự án hợp tác trao đổi kiến thức giữa hai nước nhằm phát triển ngành ươm giống và các chuỗi giá trị thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án cũng giới thiệu các công nghệ sử dụng nước có thể nhân rộng trong ngành thuỷ sản và sản xuất cây trồng để phát triển các chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đức Quân
Với kỹ thuật tiên tiến, Hà Lan đang góp phần hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và ổn định. Trong khi đó, nông nghiệp cũng là thế mạnh của Việt Nam. Điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện tại là chưa khai thác lợi thế mang lại từ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Vì thế, tiềm hợp tác và liên kết giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ngày một tăng. Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Hà Lan chắc chắn mang lại lợi ích cho cả hai bên.