Doanh nghiệp văn hóa

Ông Nguyễn Văn Phước, nhà sáng lập Doanh nghiệp Tư nhân thức ăn Chăn nuôi (DNTNTACN) Thành Lợi: Cần lao và tử tế  

8:03 sáng | 18/11/2022

VHDN – Vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, vợ chồng ông Nguyễn Văn Phước đã đặt những viên gạch đầu tiên với hoài bão xây dựng ngành thức ăn chăn nuôi phát triển chuyên nghiệp.

Ra đời trong bối cảnh nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của Mỹ, Thái Lan… đang chiếm lĩnh sang thị trường Việt Nam, nên áp lực cạnh tranh rất gay gắt.

Sự khởi đầu bao giờ cũng lắm gian nan, là thử thách tiên phong khắc nghiệt nhưng cuối cùng mang lại hoa thơm trái ngọt. 30 năm không ngừng đổi mới, Thành Lợi hôm nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng cả nước trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ðời doanh nhân cũng lắm thăng trầm, nhưng họ những con người có năng lực và sự nỗ lực vượt trội. Số báo này, Văn hóa Doanh nhân đã cuộc trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Văn Phước – Nhà sáng lập thương hiệu thức ăn chăn nuôi Thành Lợi nổi tiếng tại TX. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Doanh nhân Nguyễn Văn Phước, Nhà sáng lập Doanh nghiệp Tư nhân thức ăn Chăn nuôi (DNTNTACN) Thành Lợi

PV:  Thưa ông Nguyễn Văn Phước, nhắc đến hai từ “Tử tế” nghe rất quen, bởi ngày nay có rất nhiều đài truyền hình lấy “Tử tế” mở rất nhiều chuyên mục, nào là “Chuyện tử tế”, “Người tử tế”…. Nhưng có lẽ, “Tử tế” trở nên phổ biến từ bộ phim “Chuyện tử tế” sản xuất năm 1985 của Đạo diễn – NSND Trần Văn Thủy. Đây một tác phẩm lớn, đầy tính nhân văn, đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Còn ông, được biết trước giải phóng ông là một nhà giáo, ông nghĩ sao về hai từ “Tử tế”, thưa ông!

Ông Nguyễn Văn Phước:   Vâng! Nhắc đến phạm trù này thì tôi cũng nói luôn: Trung thực và tử tế là mục tiêu mà tôi phấn đấu cả đời để làm người.

Tôi sinh năm 1950, ở Thủ Dầu Một, tuổi Canh Dần. Khi sinh tôi ra, có lẽ do thấy tôi nhỏ con quá nên má tôi đặt luôn cho tôi cái tên là Bé Ti. Lớn lên vài tuổi, gặp lính Pháp mắt xanh mũi lõ, nó kêu Bpeti garcon (cậu bé nhỏ), hồi đó nghe chẳng hiểu gì…

Tôi học tiểu học ở trường Nam Châu Thành (gần Chùa Bà, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một bây giờ), rồi học hết trung học đệ nhất cấp ở trường Trịnh Hoài Đức (phường An Thạnh, TP. Thuận An ngày nay). Lứa tôi thuộc khóa 9, khoảng vào năm 1963. Đây là ngôi trường nổi tiếng thăng trầm cùng lịch sử và vang danh đến tận hôm nay. Tính tôi trung thực, ghét bạo lực và chiến tranh. Năm 1969 tôi đi dạy tiểu học ở Nhà đỏ Tân Bình, nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên. Nhưng rồi nghiệp dĩ nghề giáo vừa ánh lên đã vụt tắt. Vào một buổi sáng tôi thấy người xã trưởng chế độ cũ bắt một số người quỳ trước cột cờ sân trường. Thấy cảnh bất bình đó tôi phản ứng gay gắt và lập tức bỏ nghề dạy học. Tôi nghĩ rằng, “Tử tế” là bình đẳng, là người với người phải thân ái, yêu thương. Chính quyền mà bắt dân quỳ nên tôi bỏ, không phục vụ nữa, dù rất thương các em học trò nhỏ.

PV:…Rồi ông đi làm doanh nghiệp…?

Ông Nguyễn Văn Phước: Chưa, chưa đâu…! Đi làm thuê thì có! Đất nước thống nhất, ai cũng vui mừng vì từ nay được sống đời tự do. Nhưng phía sau nụ cười là bao nỗi lo toan về cuộc sống. Cả nước đang khó khăn, nhân dân thiếu thốn trăm bề, vợ chồng tôi phải đi làm mướn đủ nghề, riêng tôi đi cuốc ruộng… Thật là những ngày lam lũ không kể xiết…

Doanh nhân Nguyễn Văn Phước trong một lần nhận danh hiệu tôn vinh doanh nghiệp doanh nhân.

PV: Vậy từ khi nào ông bắt đầu bước vào nghề kinh doanh, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phước: Bao năm làm thuê, cuốc ruộng khổ cực nhưng vợ chồng tôi cũng tích lũy được ít vốn nhỏ, đủ nuôi heo. Sau này ngẫm vui, có thể nói sự nghiệp của vợ chồng tôi bắt đầu từ… heo. Bởi nhiều lần đạp xe đi mua cám về cho heo ăn, tôi bắt đầu nhen nhóm ý nghĩ, tại sao mình không sản xuất ra thức ăn như thế này nhỉ! Vợ tôi trước đây đã từng học ngành Nông Lâm Súc nên càng thuận lợi để khởi đầu. Thế là thuận vợ thuận chồng, năm 1993 Nhà máy thức ăn chăn nuôi Thành Lợi đầu tiên được xây dựng tại xã Tân Vĩnh Hiệp, nay là phường Tân Vĩnh Hiệp, TX. Tân Uyên, Bình Dương.

PV: Chặng đường phát triển 30 năm có lúc thăng lúc trầm, nhưng đến hôm nay có thể khẳng định thương hiệu Thành Lợi đã vang danh cả nước. Với quy trình sản xuất khép kín, hoàn toàn tự động, kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây có lẽ là những nền tảng tiếp tục mang lại thành công cho doanh nghiệp. Nhưng nếu nhìn cả chặng đường phấn đấu, hẳn ông có những bí quyết riêng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phước: Vâng! Từ khi bước vào đường kinh doanh, tôi tâm niệm và thực hiện theo hai điều. Một là, “Tận nhân lực, Tri thiên mệnh” nghĩa là, phải cố gắng làm hết sức mình, hết trách nhiệm, hết lương tâm bổn phận với mọi người, rồi thành bại thế nào mặc định mệnh. Hai là, tôi đặt tên công ty, nhà máy có hai chữ “Thành Lợi” là ước mơ và khát vọng cố gắng rồi sẽ “Thành” và khi “Thành” là phải có “Lợi” cho gia đình, từ đó cống hiến một phần cho cộng đồng và xã hội.

Có những lúc tận cùng khó khăn, thay vì tuyệt vọng, chùn bước, ngược lại tôi càng tiến lên phía trước. Nhớ hồi năm 1998, 1999 mới sản xuất được sản phẩm thì gặp cơn biến động kinh tế, dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan nên cám bán không ai mua, vì heo rẻ hơn cám. Bi đát lắm! Nhiều người khuyên, “Bỏ nghề đi mày ơi”! Song, tôi vẫn quyết tâm bám nghề và tin rằng sau cơn mưa trời sẽ sáng lên.

Hoạt động từ thiện công tác thường xuyên của Doanh nghiệp Thành Lợi. (trong ảnh  ông Nguyễn Văn Phước nhà tài trợ đang cắt băng khánh thành cầu Thành Lợi).

PV: Quay lại “Chuyện tử tế”. Trong cuộc sống ăn ở với nhau tử tế thì gắn bó, giữa người với người ứng xử tử tế thì được hội trọng vọng. Còn trong kinh doanh thì sao, ông suy nghĩ như thế nào về câu nói “Phải là trượng phu trên thương trường”, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phước: Tôi đến với thương trường là vì cuộc sống lúc đó quá cơ hàn, nhưng cũng còn một lý do nữa mà lúc nãy tôi chưa kể hết. Ngày đó, trong những lần đi mua cám về nuôi heo đã vất vả còn nhục lắm. Chủ họ khinh ra mặt, giá lại mắc. Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi coi những chuyện bị đối xử trước đây là bài học phải nhớ để mà tránh, mà ứng xử trong cuộc sống, trong kinh doanh cho đàng hoàng tử tế. Tôi coi bốn chữ “ Cần lao và Tử tế” là triết lý kinh doanh. Nói thì dong dài, nhưng có thể giải thích chỉ một câu: Không có gì hạnh phúc và vinh quang bằng sự hăng say, cần cù lao động và làm ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đàng hoàng nhất, tử tế nhất rồi mới cung cấp cho thị trường, đối tác. Phương châm của chúng tôi là: Đối với khách hàng: Tôn trọng và cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Đối với đối tác: Xây dựng mối quan hệ tin cậy, uy tín, hợp tác cùng phát triển bền vững. Đối với nhân viên: Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo để mọi người có thể phát huy hết khả năng của mình. Đối với xã hội: Luôn ý thức lợi ích của Thành Lợi gắn liền với lợi ích xã hội và những hoạt động đóng góp cho xã hội là một phần trách nhiệm của Thành Lợi đối với cộng đồng.

PV: Vâng, cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này! Chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc thương hiệu Thành Lợi ngày càng phát triển bay cao bay xa hơn nữa./.

Quang Hiệp 

Với phương châm hoạt động “Tất cả vì yêu cầu của khách hàng, sản phẩm chất lượng tốt – chăn nuôi kết quả cao”, Thành Lợi đã mạnh dạn đầu tư các dây chuyền sản xuất và thiết bị hiện đại nhập từ châu Âu với quy trình sản xuất khép kín và hoàn toàn tự động. Công thức được tổng hợp trên phần mềm vi tính và được kiểm soát chặt chẽ bởi Phòng Kiểm tra chất lượng. Phòng Thí nghiệm của doanh nghiệp thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế, gồm nhiều máy móc thiết bị kiểm nghiệm nhập từ châu Âu. Các phương pháp phân tích đều được phê chuẩn theo đúng yêu cầu phê chuẩn ISO IEC/17025.

    Các sản phẩm của thức ăn chăn nuôi Thành Lợi được các chuyên gia kỹ thuật nghiên cứu đưa ra công thức đảm bảo thành phần dinh dưỡng cho vật nuôi theo từng giai đoạn, đặc biệt không sử dụng các chất kháng sinh bị cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Qua đánh giá của các trại thực nghiệm của đơn vị và các trang trại có quy mô lớn hiện nay trên thị trường, sản phẩm của Thành Lợi đã được chứng minh đạt chất lượng vượt trội.

– Để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ổn định, DNTNTACN Thành Lợi sử dụng “premix” và các chất dinh dưỡng bổ sung cần thiết do các thương hiệu uy tín trên thế giới cung cấp; đồng thời, kiểm tra nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào và chất lượng thành phẩm trước khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, Thành Lợi xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật và nhân viên kinh doanh tiếp thị dày dạn kinh nghiệm, được bồi dưỡng định kỳ kiến thức nghiệp vụ và thường xuyên cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chính điều này đã giúp Doanh nghiệp sản xuất và cung cấp cho thị trường các sản phẩm thức ăn cho heo, gà, vịt, bò, tôm, cá với chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là niềm tự hào và cũng là tiền đề phát triển của DNTN Thức ăn chăn nuôi Thành Lợi theo định hướng phấn đấu trở thành một thương hiệu mạnh trong ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

– Ghi nhận những thành tích đạt được, thời gian qua DNTNTACN Thành Lợi được tặng rất nhiều danh hiệu: Huy chương Vì giai cấp Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thương mại do Bộ Công Thương tặng; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận do Ban Dân vận Trung ương tặng; bằng khen vì thành tích sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tặng… Bằng khen của UBND tỉnh về đổi mới công nghệ; Cúp Sen Vàng – Thương hiệu nổi tiếng VN & Quốc tế (2007); Giải thưởng “Bông Lúa Vàng Việt Nam” – thương hiệu vàng chất lượng 2007; đạt Danh hiệu top 500 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2008; Giải thưởng uy tín chất lượng TRUSTED GOLD AWARD mạng thương hiệu Việt bình chọn; Thương hiệu Việt – Uy tín chất lượng 2012… cùng nhiều giải thưởng khác trên nhiều lĩnh vực. Riêng doanh nhân Nguyễn Văn Phước, ngoài hoạt động kinh doanh còn tham gia Đại biểu HĐND TX. Tân Uyên 12 năm liền.