Tin nổi bật

Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất Nông nghiệp an toàn

4:48 chiều | 29/09/2023

VHDN – Sáng 29/9/2023, diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan đã được tổ chức thành công tại TP.Hồ Chí Minh.

 

Toàn cảnh Diễn đàn

Tham dự diễn đàn về phía đại biểu có ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế; ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.Thủ Đức; ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, Bộ NN&PTNT; bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA); ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; ông Nguyễn Lương Thiện, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dịch vụ khoa học công nghệ nông nghiệp; TS.Từ Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ Thái Bình Dương; ông Bùi Văn My, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV.

Đại biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI; ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh. Đại diện Ban Tổ chức có ông Phạm Hùng, Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng Cơ quan đại diện Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phía Nam, Trưởng ban Tổ chức chương trình. 

Diễn đàn lần này cũng có sự tham gia của các đại diện các đơn vị, cơ quan chuyên môn thuộc Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp; trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh; lãnh đạo các cơ quan sở ngành, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ; các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp hội viên VCCI và các cơ quan thông tấn báo chí tại TP.Hồ Chí Minh.

Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Trong những năm gần đây, Việt Nam với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, ngày càng phát huy vai trò của mình đối với câu chuyện tiên phong đổi mới trong nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP quốc gia, bảo đảm an ninh lương thực và định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật quan trọng về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, trong đó có phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu “Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản” và các chính sách đi cùng, đã thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất theo nhiều cấp độ, hình thành chuỗi cung ứng bền vững trong sản xuất nông lâm thủy sản.

Tiếp nối các sự kiện, chuỗi diễn đàn mang đến các cơ hội đầu tư và cái nhìn rộng mở cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp, thành viên là những “mắt xích” tham gia trong chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt.

Nỗ lực tham gia chuỗi gía trị nông sản toàn cầu

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông sản còn chưa cao, do 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.

Theo Hiệp định Nông nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng nông sản bao gồm tất cả các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như lúa gạo, bột mì, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi… Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), hàng nông sản là bất kỳ sản phẩm hoặc hàng hóa nào, thô hoặc chế biến, được bán trên thị trường cho con người. Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả… 

Theo thống kê, đến tháng 1/2023, nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm.

Ông Thành cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, hoa quả… Đây là những mặt hàng nông sản chủ lực có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những mặt hàng này luôn là thế mạnh của Việt Nam bởi các lợi thế cạnh tranh quốc gia mang lại.

Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.  Tuy vậy, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

“Chính vì vậy, để hình thành chuỗi cung ứng nhằm giữ chất lượng, nâng cao giá trị ở mỗi công đoạn đều phải có cách tiếp cận và tuân thủ theo những quy định cụ thể. Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Nhà báo Phạm Hùng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng ban Tổ chức diễn đàn cho biết: Nông sản của Việt Nam là một trong những mũi nhọn hàng hóa chủ lực trong nền kinh tế và nhiều mặt hàng có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng sẽ rút ngắn khoảng cách, gia tăng hiệu quả hoạt động từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, nhằm tạo ra giá trị hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Muốn xây dựng chuỗi cung ứng phát triển và bền vững, cốt lõi về bản chất và trước hết là: Tăng cường sự liên kết – Nâng cao và thực hiện đồng bộ mối liên kết giữa 6 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà phân phối, phát huy vai trò chủ thể của nông dân, trong đó doanh nghiệp là khâu nối quan trọng nhất để đảm bảo quan hệ nhà nông – người tiêu dùng; trong nước và thế giới. Còn mục tiêu tối cao của chuỗi là thị trường – có thị trường mới có chuỗi.

 

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế:

“Sự phát triển của nông nghiệp đang theo hướng nâng cao giá trị và điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Bởi, thực tế cho thấy, việc hợp tác liên kết một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển trong dài hạn.

Nhằm khuyến khích hoạt động hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… (gọi chung là nông sản); ngày 7/7/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, mục tiêu của chính sách là thúc đẩy việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung một hay một nhóm nông sản cùng loại, có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của mỗi địa phương, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

                                                                                         

Ông Lê Văn Đông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh: 

Chuỗi cung ứng sản xuất trong an toàn nông nghiệp là cầu nối lớn. Nói an toàn là nói đến câu chuyện phải liên kết của các nhà, gồm: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp…. Việc liên kết, hình thức liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào cho đến tổ chức sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Song để cụ thể hóa chính sách vào thực tế, HĐND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết 78/2018 về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Trà Vinh cũng ban hành Quyết định số 2510 về việc phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, cụ thể: Thị trường sản phẩm còn nhiều rủi ro nên rất ít doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến, tiêu thụ trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã dẫn đến mất mùa, làm giảm chất lượng, năng suất, sản lượng cây trông, vật nuôi. Do đó, hợp tác xã, nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu trong hợp đồng của doanh nghiệp đặt ra về chất lượng, tính đồng nhất, duy trì sản lượng ổn định phục vụ cho tiêu thụ, chế biến theo yêu cầu đối tác nhập khẩu.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 98 quy định về điều kiện để được hỗ trợ, như: Đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác từ 1 năm trở lên; thời gian liên kết tối thiểu 5 năm… Ở điều kiện này, các doanh nghiệp cho rằng khó thực hiện do thị trường đầu ra của hầu hết các nông sản không ổn định; giá cả thay đổi theo mùa vụ…

Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: 

Cần phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương…. Cùng với đó, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong nước và hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng rau, hoa, quả tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, thúc đẩy sản xuất bền vững và tạo ra giá trị sản xuất cao.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần chú ý đến phạm vi của bộ tiêu chuẩn, đánh giá rủi ro và quyết định các biện pháp kiểm soát; lập kế hoạch kiểm soát để đến khi sau mùa vụ ghi chép lại nhằm đánh giá về chu kỳ sản xuất được xây dựng trước đó. Hiện nay, trong quy định mã số vùng trồng còn nhiều bất cập quy định về diện tích sản xuất, quy định khác xa với thực tiễn. Do đó, cần xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, cần có quỹ hỗ trợ phúc lợi để bù lỗ nếu bị giảm giá, thị trường kém…

Về đào tạo, kiểm tra nội bộ lẫn nhau, kiểm tra, xây dựng bộ quy trình riêng, hiện hay có nhiều bất cập từ giống đến sau thu hoạch – thất thoát sau thu hoạch. Vấn đề sơ chế, bảo quản, cần vận chuyển nhanh và khép kín; có quy trình vận chuyển chuyên sâu, ứng dụng quản lý hành chính, nhân sự sản xuất; chu trình nông nghiệp tuần hoàn…

TS.Từ Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ Thái Bình Dương: 

Về vấn đề liên kết chuỗi cung ứng, tất cả các liên kết cuối cùng chỉ để phục vụ khách hàng. Do vậy, nhìn vào thực tế, ta thấy được 5 nhu cầu của thị trường nông sản hiện nay: 

Thứ nhất, giá cả phải thực sự cạnh tranh. Nông sản hiện nay đang cạnh tranh rất mạnh, đặc biệt là cạnh tranh với giá của nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan…

Thứ hai, phải có khả năng cung cấp thường xuyên, đúng thời hạn. Có những công ty chỉ bán sản phẩm duy nhất nhưng thuê gian hàng hội chợ lớn bằng cả cái hội trường.

Thứ ba, có khả năng cung cấp số lượng lớn. Ngành nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, nhưng khả năng cung cấp số lượng lớn là chưa tốt. Do đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ.

Thứ tư, phải có chất lượng tốt, vị ngon phải đồng đều và bao bì phải bảo đảm.

Thứ năm, là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xu hướng tiêu thụ thực phẩm trên thế giới hiện nay chúng ta phải cố gắng xâm nhập được vào các thị trường ngách. Đồng thời, giao thoa giữa 3 vấn đề là cái sức khỏe, thuận tiện, thích thú. Đây là giá trị cốt lõi của sản phẩm, phải có sự khác biệt. Nông sản phải luôn luôn bảo đảm được giá trị cốt lõi.

Ly Na