Quảng Nam

Quảng Nam: Ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch

8:10 sáng | 10/01/2019

Tạp chí Văn hoá Doanh nhân trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Quảng Nam về kế hoạch hành động, định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Minh Kiệt thực hiện.

Ông vui lòng cho biết chương trình hành động về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của tỉnh Quảng Nam?

Hiện chúng tôi đã xây dựng và ban hành Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 về Chương trình hành động phát triển du lịch đến năm 2025. Theo đó, Quảng Nam xác định mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua 08 nhiệm vụ chính: xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lich đặc trưng, tạo môi trường du lịch tốt; thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lao động du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Ngoài ra, chương trình cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành và địa phương, tăng cường phối hợp đồng bộ trong thực hiện chương trình. Trong tổ chức thực hiện, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá định kỳ.

Đâu là mục tiêu cụ thể của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, thưa ông?

Tỉnh tập trung đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Mở rộng không gian phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, tạo liên kết bền vững về du lịch với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2020 và từ 12-14 triệu đến năm 2025, doanh thu 15.500 tỷ và đóng góp 10-12% vào GRDP năm 2020 và đến năm 2015, con số này lần lượt là 26.000 tỷ và đóng góp từ 12-14% vào GRDP của tỉnh.

Để đầu tư, phát triển cũng như bảo tồn các giá trị di sản, Quảng Nam đã đề ra những hành động cụ thể nào?

Trước mắt, chúng tôi sẽ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, thành lập quy hoạch chi tiết tại các khu, điểm du lịch để một mặt bảo tồn tài nguyên du lịch, một mặt thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.

Kế đến, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch phát triển du lịch hằng năm, hoàn thiện việc thống kê du lịch nhằm xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế, lợi thế phát triển du lịch, xây dựng tài khoản vệ tịnh du lịch để xác định quy mô đóng góp của du lịch.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư du lịch tại khu vực phía Bắc, phía Nam và miền núi của tỉnh, lập danh mục ưu đãi thu hút đầu tư du lịch, trùng tu và bảo tồn các di sản văn hoá và danh lam thắng cảnh, phát triển hạ tầng giao thông (đường bộ, sắt, hàng không, biển và thuỷ nội địa), xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin nhằm kết nối các điểm du lịch, mở các tuyến đường bay trong nước tại sân bay Chu Lai và tuyến đường bay quốc tế sau năm 2020.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch dịch vụ phức hợp, trung tâm mua sắm và giải trí, cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép và thủ tục đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thế giới tại Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 và đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025

Xin ông cho biết thêm về hoạt động xúc tiến và phát triển thị trường cũng như đẩy mạnh hợp tác du lịch của Quảng Nam?

Trong những năm gần đây, Quảng Nam đã tham dự nhiều sự kiện du lịch lớn trên thế giới như: ITB (Đức), JATA (Nhật Bản), ITB (Singapore), KOTFA (Hàn Quốc)…Trong nước, tỉnh cũng tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM (Hà Nội), Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE (Tp.HCM), tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Quảng Nam tại các thị trường truyền thống… Hàng năm, chúng tôi cũng tổ chức và đón nhiều đoàn farmtrip, presstrip…

Bên cạnh đó, tỉnh đã mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch với các công cụ: website du lịch Quảng Nam tại địa chỉ quangnamtourism.com.vn với 05 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn), các trang mạng xã hội; liên kết hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức như JICA, UNESCO, ILO, EU…; tăng cường liên kết với các địa phương trên cả nước như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Nội…

Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường truyền thống, các thị trường xa, các thị trường mới bằng hình thức phù hợp, tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch tại địa phương để quảng bá hình ảnh điểm đến như Festival Di sản Quảng Nam… Xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Nam đến 2025 để làm cơ sở triển khai thực hiện cụ thể hàng năm.

Chúng tôi tiếp tục quan tâm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh trong quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Nam. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và trong nước, thu hút sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để phát huy sức mạnh trong quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Nam.

Bảo Đức Minh