Tin nổi bật

 Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự – nơi hồi sinh những cuộc đời lầm lỡ

4:22 sáng | 16/01/2022

VHDN.VN  Những ngày cuối năm bận rộn lại còn phải nghiêm cẩn phòng chống “giặc” đại dịch Covid-19 nhưng tại Thành phố Thanh Hóa quê hương, tôi vẫn “gạ” được vị Đại tá Công an hưu trí, ông Nguyễn Cao Sơn, về thăm lại nơi công vụ cũ là nhờ một lần được dự hội thảo về đề án Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự.

Trước đó, trong buổi làm việc với Phòng Công tác Chính trị, Sở Công an Thanh Hóa, tôi được gặp Trung tá Thái Thanh, người đảm nhiệm công tác văn hóa văn nghệ, báo chí của phòng. Thái Thanh là một nhà báo yêu thơ và có trí nhớ khá tốt. Khi tôi hỏi về người sáng lập ra Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự thì chị bảo: “Anh phải xuống huyện gặp trực tiếp người trong cuộc mới thấy hết tầm vóc của đề án. Nhưng rất may là Đại tá Nguyễn Cao Sơn, tác giả của đề án đã nghỉ hưu, về định cư tại Thành phố Thanh Hóa, nhà gần đây thôi, để em gọi phôn báo, anh đi bộ mười phút là đến. Anh tham khảo bác Sơn trước rồi xuống đó gặp nhân chứng làm việc cho nhanh!”.

Nhà riêng Đại tá Nguyễn Cao Sơn tọa khuất nẻo trong một ngõ sâu, mặt tiền rộng có một rặng cổ thụ thân cao, cành lá um tùm phủ bóng mát rượi và kê các bộ bàn ghế xi măng cốt sắt giả vân gỗ để các cụ cao niên ngồi đánh cờ, đọc báo, đàm đạo…

Đại tá Nguyễn Cao Sơn thân tình cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến đề án Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự từ lúc phôi thai cho đến kết quả được nhân rộng ra cả nước hôm nay.

Thượng úy Hà Minh Hải (CA Nga Sơn cứu được bé học lớp 2, 7 tuổi khỏi đuối nước.

Thế rồi hôm sau, tuy thời tiết khá lạnh tôi được chính vị Đại tá già có nhiều năm làm Phó rồi Trưởng Công an huyện Nga Sơn lái chiếc xe con cũ mác Vios, biển trắng về nơi ông đã trọng nhậm và để lại dấu ấn tốt lành.

Dọc đường, Đại tá Sơn kể cho tôi nghe, buổi đầu ông về huyện Công an Nga Sơn công tác là thời kỳ an ninh trật tự ở đây khá phức tạp. Hồi đó muốn đến trung tâm huyện phải đi qua hai cái phà. Nga Sơn như một hòn đảo ở phía đông bắc tỉnh giáp với huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Huyện có hai cửa biển, tệ nạn buôn lậu rất khó chế ngự nhưng việc khó nhất vẫn là công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong từng làng, xã. Toàn huyện có hơn 300 đối tượng tiền án tiền sự, 60 đối tượng nghiện hút có hồ sơ theo dõi, nhiều đối tượng sau khi tập trung cai nghiện dài ngày, khi về nhà lại tái nghiện; tỷ lệ người tái phạm tội sau thụ án lên đến 50%.

Sau một thời gian bám địa bàn, bám dân để điều nghiên phân loại đối tượng, ông Sơn đã được bà con tin tưởng hợp tác, khi thì họ báo cho ông biết đối tượng A đang hành nghề ăn trộm vặt, đối tượng B chứa chấp hàng buôn lậu để trung chuyển lên thành phố tỉnh; có khi đang đêm họ gọi phôn cho ông, tố cáo cả những đối tượng là con cái, người thân sắp phạm pháp nhưng họ bất lực không thể ngăn cản được…

Một lần trực chỉ huy ngày tết, linh cảm thấy đối tượng Z sẽ đi trộm cắp trong đêm giao thừa, ông Sơn đã chủ động mang đến cho đối tượng này con gà và cân gạo nếp, tiêu chuẩn tết của ông. Đối tượng Z rỏ nước mắt nghẹn ngào thú nhận: “Cháu đang định đi ăn cắp để vợ con có tết, may mà…!”.

Từ câu chuyện của Z và trước tình trạng nhiều người đói nghèo, hút xách, cơ nhỡ vi phạm an ninh trật tự như vậy, Đại tá Sơn rất nghĩ. Khi đọc được truyện ngắn “Giá ai cho cháu một hào?” của nhà văn Nguyễn Công Hoan về thân phận một chú bé lang thang, chỉ ước có được một đồng hào để đổi đời, ông càng nghĩ nhiều hơn. Phải làm thế nào để các đối tượng tiền án tiền sự hoặc quá cơ hàn này có nghề nghiệp, có vốn làm ăn. Nghĩ rồi ông tự hỏi, sao không vận động các doanh nhân bớt một phần phúc lợi, lập quỹ an sinh xã hội, giúp đỡ các đối tượng đang cần làm lại cuộc đời nhỉ?”. Nghĩ rồi, ông trực tiếp đến bàn bạc với từng vị chủ trì của Hội Doanh nhân huyện. Ý tưởng nhân văn này liền được gần bốn trăm nhà doanh nghiệp trong huyện và doanh nhân gốc người Nga Sơn ở nhiều nơi trong nước hưởng ứng. Đề án được Thường vụ Huyện ủy thông qua và Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn phê duyệt; hơn một tỷ đồng vốn huy động được gửi về tài khoản của dự án mở tại Ngân hàng Chính sách xã hội và cũng chính ngân hàng này giúp việc giải ngân cho Quỹ. Số tiền đóng góp của Doanh nhân được dành 80% để cho vay với lãi suất 0, 5%/ tháng; 20% còn lại dùng để khen thưởng cho những người tiến bộ có nhiều đóng góp cho dự án, cho an ninh trật tự cộng đồng…

Chỉ sau hơn một năm, hàng trăm con người một thời đã bị coi là đối tượng xã hội bắt đầu có cuộc sống mới, cơ ngơi mới như đang nằm mơ. Tiếp theo thành quả ấy, Hội Doanh nghiệp huyện còn đứng ra bảo lãnh để ngân hàng cho vay ngoài Quỹ đến ba, bốn tỷ đồng một năm…

 Xe đến vào địa giới huyện Nga Sơn, Đại tá Sơn lần lượt cho tôi ghé thăm hộ gia đình anh Bùi Bá Sơn, anh Phạm Văn Bường ở xã Nga An, anh Trịnh Văn Lợi ở xã Nga Nhân và thăm cả gia đình “đối tượng” Z được ông “biếu” cân gạo nếp, con gà tiêu chuẩn tết của mình… Họ đón tiếp Đại tá Sơn như đón người thân về thăm nhà, kính trọng nhưng dân dã thân thiện. Anh Bường bẻ chục bắp ngô trong vườn làm quà cho khách; bà cụ mẹ anh Lợi cứ một hai mời anh Sơn và tôi ở lại ăn cơm trưa có món ruột dắt biển xào khan với lá lốt vườn nhà… Khi hỏi đến công việc vay vốn của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự làm ăn thành công đến đâu thì mọi người đều cởi lòng “khoe” thành tích. Anh Bường kể, anh được vay 55 triệu đồng, lập xưởng gạch, cửa hàng đại lý xi măng, có 11 lao động làm việc tại chỗ và 150 gia đình trong xã hợp đồng vụ việc, cung ứng nguồn hàng; anh Sơn vay 60 triệu đồng, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi cá bè thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm… Khoe là thế nhưng mọi người cứ nhắc đến “đối tượng” Trần Văn Sùng ở xã Nga Thạch, theo họ đây là mới người thành công nhất trong số những người được Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự cho vay vốn.

Gần trưa, chúng tôi đến quê của doanh nhân Trần Văn Sùng ở xã Nga Thạch và gặp lúc anh cùng vợ là chị T.H vừa từ cơ sở sản xuất về. Chào hỏi rất lễ độ xong, Sùng tự tin nắm hai tay vào tay Đại tá Sơn và vợ anh nói với tôi: “Hai cái phao mầu nhiệm đã cứu em khỏi chết chìm đây ạ!”.

 Trần Văn Sùng thời phổ thông học rất giỏi, anh đã đạt điểm cao khi thi vào Trường đại học Nông nghiệp. Đang học năm thứ hai thì Sùng cùng một nhóm bạn xấu phạm vào tội buôn tiền giả và phải thụ án bốn năm. Ra tù về quê, anh bị chòm xóm ghẻ lạnh, hỏi chỗ nào cũng không có cửa tìm được việc làm. Người cha bệnh tật nắm tay con trai cùng tiếng thở dài, nói: “Đừng nản phải vắt tay lên trán nghĩ cho ra cách làm lại cuộc đời và quyết không được dính đến việc xấu nữa!”. Nhưng làm lại thế nào khi không có cửa xin việc, không đồng chinh dính túi? Mỗi khi đói đến mờ mắt chỉ còn cách ra vườn hái mít non còn đầy mủ trắng luộc chấm muối thay bữa. Rồi mít non cũng vặt hết nhẵn! Đang khi đó thì may mắn làm sao dự án Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự được triển khai. Trần Văn Sùng liền viết lá đơn dài ba trang kể hết mọi tâm tư của một kẻ sa cơ lỡ vận muốn thành ý hoàn lương, và kể cả đến việc ngày chấp pháp trong tù, anh đã học được nghề làm đá xây dựng như thế nào. Đọc lá đơn của Sùng, Trưởng Công an huyện Nguyễn Cao Sơn đã vời anh đến làm thủ tục với dự án và được vay một món hai mươi triệu đồng để làm vật liệu xây dựng. Mặt hàng này của Sùng vừa ra lò đã đắt thị trường vì gặp lúc thị trấn huyện và các xã lân cận đang bắt đầu xây dựng nhiều công trình dân sinh khang trang.

Câu chuyện đang rôm rả thì cô kế toán trưởng Công ty Trần Văn Sùng đến mời khách đi ăn trưa vì cũng đã đến bữa. Nhân đó, Sùng khoe: “Em thưa nhà văn và bác Cao Sơn, tụi em mới lên công ty được hai tháng, lên công ty oách ra phết đấy ạ. Có con dấu, có tài khoản, bấm poách cái là tiền triệu, tiền tỷ đi, hoặc tiền triệu, tiền tỷ về!”. Dường như biết chồng khoe hớ, chị T.H chỉnh lại: “Anh nói thế các bác cười cho đấy, để được một cái poách ấy phải mất gần hai mươi năm và biết bao nhiêu tấm lòng vàng nâng đỡ đấy ạ!”. Trần Văn Sùng hoạt ngôn nói nịnh một câu xanh rờn: “Đúng rồi! Mọi thứ đều có công lao hoành tráng như dãy Tam Điệp, như cửa bể Thần Phù của bác Sơn, của Quỹ Doanh nhân… và bà xã nhà mềnh mà!”.

Anh Nguyễn Văn Chiến nhờ được vay vốn từ Quỹ doanh nhân, tái hòa nhập cộng đồng ăn nên làm ra.

Sau bữa trưa dân dã có món đặc sản lá lốt xào ruột dắt, tân doanh nhân Trần Văn Sùng đưa khách đến thăm công ty. Công nhân đã vào ca làm việc, các hộp đá xẻ đang được xử lý độ nhẵn và đóng gói. Có thể nói đây là một cơ ngơi bắt đầu có vóc vạc. Trần Văn Sùng bật mí, anh đã tham gia câu lạc bộ Hội Doanh nhân huyện, việc đầu tiên là anh đóng góp một khoản tiền cho Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự. Anh nói đây là thứ tiền có ý nghĩa công đức nhất trong đời anh. Trần Văn Sùng coi đó là thứ “nợ đồng lần”, thứ nợ được vay, được trả như một cơ duyên mà nhờ đó mà anh đã đổi đời, để có ngày hôm nay hạnh phúc, ấm no và bắt đầu dư dật.

Rời công ty của Trần Văn Sùng, trời chiều đông bỗng nổi nắng đẹp và màu mỡ như lụa nõn, Đại tá Nguyễn Cao Sơn cho tôi đi thăm thêm một số danh lam thắng cảnh phía đông bắc Nga Sơn. Khi vượt qua lèn đá nhỏ để ra cửa bể Thần Phù, tôi chợt reo lên như trẻ con: “Ui! Đẹp quá, Đại tá ơi!”. Trước mặt chúng tôi là con sông chảy hiền hòa lượn giữa những thảm chân rạ đồng quê vừa mới xong thu hoạch và bức tượng đá thiên tạo hình ảnh ông già ngồi câu cá như một dấu hỏi lớn trước thiên nhiên khoáng đạt. Trên sông những ngư phủ đang mải mê với công việc làm ăn, chỗ thì giăng câu, chỗ thì quăng chài, thu lưới… Tôi đọc thành tiếng câu ca dao: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”. Đại tá Sơn liền nói: “Hồi an ninh trật tự còn phức tạp, vùng này trộm cướp, buôn lậu như rươi, bây giờ thì tốt rồi, tỷ lệ tội phạm tái phạm chỉ còn 2%, thấp bằng một nửa tỷ lệ chung của cả huyện. Nghe câu nói của Đại tá Sơn, tôi chợt nghĩ, bà con ở vùng thiên nhiên kỳ thú này thật khéo tu, và trong cái khéo của họ có tác nhân quan trọng của dự án đầy đặn nhân văn Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự mà địa chỉ khởi lập là huyện Nga Sơn, là Công an huyện Nga Sơn, là các doanh nhân huyện Nga Sơn./.

                                                                                              Lê Ngọc Minh