Các dự án kêu gọi đầu tư

Quyết tâm đưa Tây Ninh vững bước trên con đường hội nhập và phát triển

3:11 sáng | 07/11/2017

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế – xã hội (KT – XH) của tỉnh Tây Ninh tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt so với nghị quyết, chương trình, kế hoạch đề ra. Đây là minh chứng sống động cho thấy sức mạnh đoàn kết, trên dưới một lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tây Ninh; đồng thời phản ánh rõ nét diện mạo mới đầy khởi sắc của tỉnh nhà trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Văn hóa Doanh Nhân Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang cho biết: Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung lãnh đạo phát huy tốt tiềm năng lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ sự nghiệp phát triển KT – XH của địa phương; chung sức, chung lòng vì một tương lai tươi sáng cho quê hương Tây Ninh trên con đường hội nhập và phát triển.

Thưa Đồng chí, nếu đánh giá một cách khái quát về tiềm năng phát triển kinh tế của Tây Ninh, Đồng chí sẽ nhấn mạnh vào những lợi thế đặc thù nào?

Là 1 trong 8 địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có nhiều lợi thế cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Tỉnh nằm ở vị trí giao kết của các tuyến đường giao thông huyết mạch trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS); có 14 cửa khẩu với Vương quốc Campuchia, trong đó Mộc Bài và Xa Mát là các cửa khẩu đường bộ quốc tế lớn nhất phía Nam. Cùng với đó, các điều kiện về địa hình, địa chất, khí hậu, đất đai, nguồn nước… cũng đều rất thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất.

Hiện nay, Tây Ninh là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh của Việt Nam. Tỉnh có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với quỹ đất sẵn có, hạ tầng hoàn thiện, có thể tiếp nhận các dự án quy mô lớn với chi phí thuê đất rẻ, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của các nhà đầu tư. Về nông nghiệp, Tây Ninh có vùng nguyên liệu mía, mì, cao su thuộc vào loại lớn nhất nước và khu vực Đông Nam bộ cả về diện tích, chất lượng cũng như sản lượng, là tiền đề thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến các sản phẩm tinh chế từ cao su, mía đường, tinh bột mì… gắn với vùng nguyên liệu.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lư Quang chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh

Một tiềm năng rất lớn khác của địa phương là du lịch. Tây Ninh có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, hội đủ yếu tố phát triển các loại hình du lịch truyền thống lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cửa khẩu, mua sắm, với điểm nhấn là Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen. Ngoài ra, Tây Ninh còn có lợi thế lớn trong việc thông thương và kết nối tour du lịch với Campuchia và các nước ASEAN khác nằm trên hành lang kinh tế Xuyên Á. Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai đầu tư, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2020.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đến thời điểm hiện tại Tây Ninh đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nào trong phát triển KT-XH, thưa Đồng chí?

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, là năm có vai trò quan trọng trong việc tạo đà để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2016 tỉnh Tây Ninh đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,6%, giá trị đạt 57.670 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 7.144 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ tăng khá cao so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp, dịch vụ vượt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục với 3,3 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2015. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hình thành và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hướng đến thị trường trong nước và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ cũng có nhiều khởi sắc, doanh thu du lịch tăng cao so với cùng kỳ.

         Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lư Quang tiếp đoàn khách Quốc tế

Kế thừa những kết quả đạt được của năm 2016, trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng của các ngành kinh tế trên địa bàn Tây Ninh tiếp tục đạt khá. GRDP (giá so sánh năm 2010) thực hiện đạt 20.850 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là ngành công nghiệp với giá trị sản xuất thực hiện 30.294 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tỉnh đã ký kết Biên bản thoả thuận xây dựng nhà máy chế biến, hợp tác quy hoạch, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp tại Tây Ninh cũng như triển khai phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ xuất khẩu. Cùng với kinh tế, các mặt văn hóa-xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giữ vững ổn định.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X được đánh giá là có nhiều đổi mới về tư duy với mục tiêu chung đưa Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững. Vậy Tỉnh ủy sẽ cụ thể hóa mục tiêu này bằng những giải pháp trọng tâm nào?

Hiện nay, Tây Ninh đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh và thực hiện 3 chương trình đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông; về phát triển nguồn nhân lực; về cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020. Song song đó, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư-nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các chương trình hợp tác phát triển KT-XH đã ký kết với TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao trong cả trồng trọt và chăn nuôi, từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao. Quy hoạch, định hướng phát triển thương mại-dịch vụ-du lịch theo hướng gắn kết và phát huy thế mạnh của địa phương với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, để phát huy hiệu quả mọi tiềm năng lợi thế, Tây Ninh rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Còn với cương vị người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

Qua hơn 180 năm hình thành và phát triển, diện mạo và thế đứng của Tây Ninh tại khu vực Đông Nam bộ đã dần được khẳng định. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh, để phát triển nhanh và bền vững, sớm cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp như mục tiêu Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra, bên cạnh sự nỗ lực cao độ của địa phương, Tây Ninh rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế biên mậu gắn với củng cố an ninh, quốc phòng… Tỉnh cũng rất mong đợi nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tây Ninh hoan nghênh và cam kết hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Tây Ninh hợp tác, đầu tư; đồng thời mong các nhà đầu tư quan tâm, giúp đỡ để quảng bá, giới thiệu, kết nối với các đối tác của mình đến tìm hiểu, đầu tư tại Tây Ninh, để cùng với Tây Ninh khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo động lực lan tỏa cho sự phát triển KT-XH của các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xin cảm ơn Đồng chí!

Cường Nguyễn (thực hiện)