Tin nổi bật

Ra ngõ gặp Hoa hậu…

1:29 chiều | 12/09/2022

VHDN – Lâu nay, công chúng biết đến các Hoa hậu thông qua các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức công khai và có phần hỗ trợ bình chọn của khán giả. Để đạt được vương miện danh giá, các thí sinh đều phải trải qua rất nhiều cuộc đọ sức về sắc (các chỉ số hình thể) và tài (nhân cách, trí thông minh, tài năng, tính cách) của thí sinh.

 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê – “Hoa hậu quốc dân” với tính cách vô cùng giản dị và chất phát.

Các Hoa hậu sau khi đăng quang không chỉ để bước chân vào Showbiz, được sải bước chân trên sàn trình diễn thời trang, mà sứ mệnh của họ còn gắn với những đóng góp, cống hiến cho cộng đồng.

Chúng ta từng biết đến Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, cô gái Ê Đê H’Hen Niê là người đẹp Việt đầu tiên lọt vào top 5 Miss Universe 2018, làm nên lịch sử trong cuộc thi nhan sắc đẳng cấp nhất thế giới. Nhưng điều khiến công chúng biết đến cô chính là câu chuyện truyền cảm hứng: Khát vọng vươn lên khẳng định bản thân, góp phần cổ vũ phụ nữ mạnh mẽ vượt qua những định kiến xã hội; Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh với dự án nhân ái “Cõng điện lên bản”; Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà với quỹ học bổng mang tên Đỗ Thị Hà và những việc làm thiết thực của cô trong mùa dịch…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cuộc thi sắc đẹp ồ ạt được tổ chức khiến cho công chúng hoang mang bởi không biết Hoa hậu đó bước ra từ cuộc thi nào trong tổng số khoảng 25 cuộc thi sắc đẹp?

Mờ nhạt với danh xưng “Hoa hậu”

Trước đây, Việt Nam chỉ có 1 đến 2 cuộc thi hoa hậu mỗi năm. Bắt đầu từ năm 2012 trở lại đây, đã có rất nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi được cấp phép tổ chức ở Việt Nam (từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố). Nội dung và hình thức của các cuộc thi không khác nhau là mấy. Các người đẹp đoạt ngôi vị được phong tặng các danh hiệu “hoa hậu, hoa khôi, người đẹp”… khiến việc thi Hoa hậu tại Việt Nam trở nên mờ nhạt, thậm chí là “loạn danh hiệu” và giảm hẳn sức hút.

Công chúng hiện nay đều không mấy mặn mà với các cuộc thi sắc đẹp bởi trong một thời gian ngắn có quá nhiều cuộc thi được tổ chức. Có thể điểm sơ qua có: Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Biển Việt Nam, Hoa hậu Đại Dương Việt Nam, Hoa hậu Bản sắc Việt Toàn cầu, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Trái Đất Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân… Thậm chí cả Hoa hậu thiếu niên Việt Nam cũng có! Rất may là vừa qua vì nhiều ý kiến phản đối nên cuộc thi không được cấp phép. Đó là chưa kể hàng loạt các cuộc thi người đẹp cấp tỉnh/khu vực khác đang được tổ chức tại Việt Nam.

Nghị định 144/2020 về biểu diễn nghệ thuật năm 2020 đã bãi bỏ quy định về giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu. Việc nới lỏng quy định pháp luật đã dẫn tới tình trạng “mạnh ai người đấy chạy” của các cuộc thi hoa hậu. Chưa biết các người đẹp khi giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi sẽ làm gì và đóng góp gì cho cộng đồng, nhưng cái hệ lụy trước mắt thì rất rõ ràng. Đó là tạo cho công chúng cảm giác “bội thực” dẫn đến không ai nhớ nổi tên các cuộc thi, ngay cả việc nhận diện được Hoa hậu nào giành ngôi vị ở cuộc thi nào cũng không thể. Nhiều cuộc thi còn trùng cả tên gọi, nội dung. Để phân biệt, phải gắn theo sau là tên của đơn vị tổ chức, ví dụ như cuộc thi “Hoa hậu hòa bình Việt Nam” – Sen Vàng (do Công ty Cổ phần Quảng cáo Thương mại Sen Vàng tổ chức); và cuộc thi “Hoa hậu hòa bình Việt Nam” – Minh Khang (do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Khang Việt Nam tổ chức). Hai cuộc thi, hai đơn vị tổ chức nhưng lại có cùng một tên gọi như một sự thách đố công chúng.

 Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà đăng quang đã thành lập quỹ học bổng mang tên cô và những việc làm thiết thực của cô trong mùa dịch.

Có hay không việc “thương mại hóa” từ việc thi hoa hậu?

Sự “bão hòa” của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay là điều tất yếu. Thi hoa hậu không còn là sân chơi giữ nguyên ý nghĩa như trước kia nữa. Có nhiều người đẹp, nhiều cuộc thi vướng vào những lùm xùm như mua giải, hay “chơi xấu” lẫn nhau, cố tình tạo ra những scandal để gây sự chú ý của công chúng. Không ít Hoa hậu sau khi đăng quang lại được cộng đồng mạng khui ra những tai tiếng trong quá khứ, hay sau khi đăng quang không giữ gìn hình ảnh như: Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy đã hứng chịu búa rìa dư luận từ bộ ảnh “Nét đẹp xuân thì” khi đa số ý kiến cho rằng cô chụp ảnh quá dung tục, làm hỏng nét đẹp của tà áo dài Việt Nam; Hoa hậu Việt Nam năm 2008 Thùy Dung với sự việc khai gian khi đăng ký thi mà chưa tốt nghiệp THPT; Diễm Hương, Hoa hậu Hoàn vũ 2012 cũng khiến khán giả ngã ngửa khi đã có hôn thú trước khi đoạt vương miện. Sự biến tướng, phản văn hóa này đã ngày càng làm mất đi ý nghĩa, hình ảnh đẹp của các cuộc thi sắc đẹp.

Cũng có Hoa hậu tham gia cuộc thi chỉ với mục đích ban đầu là tìm kiếm cơ hội đổi đời, để có một cuộc sống sang chảnh và tìm kiếm được những tấm chồng đại gia. Trước đó, hoạt động của họ mờ nhạt, không ai biết tới. Chỉ sau công bố đăng quang, họ thực sự được đổi đời như mong muốn. Họ được các nhãn hàng săn đón để làm gương mặt quảng cáo, hay được mời tham gia các sự kiện, show diễn. Ví dụ như Hoa hậu PH từng trải qua 7 cuộc thi sắc đẹp. Năm 2015, cô đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, từ đây đánh dấu mốc quan trọng cho cuộc sống và sự nghiệp của mình. PH trở thành cái tên được các nhãn hàng, hợp đồng quảng cáo tìm đến. PH từ gương mặt mờ nhạt ở showbiz bỗng trở nên đắt show, giá cát-xê tăng chóng mặt. Thế nhưng trong khi sự nghiệp đang lên như “diều gặp gió”, người đẹp bất ngờ theo chồng “bỏ cuộc chơi” và định cư tại Mỹ. Trên trang cá nhân, PH thường xuyên chia sẻ cuộc sống giàu sang, hàng hiệu phủ đầy.

Nhiều Hoa hậu sau cuộc thi hầu hết không có đóng góp gì cho xã hội, họ thường chỉ xuất hiện khi đi sự kiện quảng cáo để lăng xê tên tuổi, thậm chí còn có những phát ngôn lệch lạc gây phản cảm cho cộng đồng. Đã có một số thí sinh đoạt giải từ các cuộc thi bị phát hiện có hành vi bán dâm, khiến cho các cuộc thi hoa hậu chịu nhiều tai tiếng. Cũng chính vì vậy mà trong cách nhìn của dư luận các cuộc thi sắc đẹp là nơi trá hình để trục lợi, kinh doanh nhan sắc… từ một sân chơi văn hóa, đầy nhân văn dành cho phái đẹp thể hiện nét đẹp bên ngoài và tâm hồn giờ đã một phần bị biến tướng, “thương mại hóa” nhằm phục vụ cho việc mưu lợi cá nhân.

Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh có đóng góp cho cộng đồng bằng dự án nhân ái “Cõng điện lên bản” sau khi đăng quang.

Năm 2021, Nghị định 144/2020 về biểu diễn nghệ thuật của Chính phủ đã bãi bỏ quy định quan trọng là “thí sinh thi hoa hậu phải có vẻ đẹp tự nhiên”. Sự thay đổi này đã tạo ra một kẽ hở đưa các cuộc thi sắc đẹp không chỉ “loạn danh hiệu” mà còn thêm phần “loạn giới tính”, thật giả lẫn lộn. Lợi dụng lỗ hổng này, Ban tổ chức nhiều cuộc thi đã hạ thấp tiêu chuẩn tuyển chọn thí sinh. Từ một cuộc thi tiêu chí ban đầu là lựa chọn nhan sắc đẹp hoàn toàn tự nhiên, nhưng hiện nay lại cho phép cả những thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí cả người chuyển giới cũng được tham gia. Điều này làm mất hẳn đi giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”, không còn là cuộc thi hoa hậu đích thực, “nơi tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ Việt Nam”.

Các cuộc thi hoa hậu ngày càng trở nên phản văn hóa, ngày càng giả dối và bất bình đẳng: Thí sinh có thể dùng sắc đẹp nhân tạo từ việc phẫu thuật thẩm mỹ từ làn da, khuôn mặt, vóc dáng cho tới cả chuyển đổi giới tính… mà vẫn được phép tham gia thi Hoa hậu. Danh xưng “Hoa hậu”, một thời được coi là cao quý, thì nay đã biến tướng thành “sản phẩm của công nghệ làm giả nhan sắc”, bị công chúng phản đối. Một hệ lụy nghiêm trọng phải kể đến đó là rất nhiều thiếu nữ đua nhau đi phẫu thuật thẩm mỹ để tham gia thi hoa hậu, không còn biết trân trọng ngoại hình do cha mẹ sinh thành.

Thiết nghĩ, đây là một lỗ hổng lớn của Quy định pháp luật, cơ quan quản lý văn hóa dẫn đến nguyên nhân khiến các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam lâm vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” diễn ra nghiêm trọng như hiện nay.

Phạm Liệu