Doanh nghiệp văn hóa

SAPO và những dự đoán xu hướng thương mại điện tử 2022

5:08 sáng | 03/03/2022

VHDN Trải qua 14 năm hình thành và phát triển (2008 – 2022), Sapo đã nhanh chóng khẳng định được vị trí hàng đầu trong việc xây dựng nền tảng công nghệ hỗ trợ lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử với những sản phẩm và giải pháp công nghệ tối ưu nhất vào bán hàng. Đến nay, Sapo đã có hơn 1000 nhân viên, đặt văn phòng tại 23 tỉnh thành và hỗ trợ hơn 150,000 doanh nghiệp và chủ kinh doanh trên cả nước. Tháng 4/2020, Sapo nhận đầu tư từ quỹ Smilegate Investment Hàn Quốc và Teko Ventures Vietnam.

Thanh toán không tiền mặt lên ngôi

Sapo.vn là một hệ sinh thái hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh toàn diện đang được sử dụng nhiều nhất Việt Nam, chính là giải pháp giúp các chủ shop dễ dàng triển khai bán hàng và quản lý cùng lúc trên nhiều kênh khác nhau với một chi phí thấp. Sapo là một trong những doanh nghiệp thành viên tiêu biểu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã đồng hành cùng hàng ngàn doanh nghiệp trong nước chuyển mình qua đại dịch.

Kết quả khảo sát trên 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của Sapo cho thấy, làn sóng Covid19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh năm 2021, đặc biệt trong ngành dịch vụ ăn uống – lưu trú – nghỉ dưỡng. Chuyển đổi số, bán hàng đa kênh trở thành phương án được nhiều nhà bán hàng sử dụng nhất. Song song với đó, sự chuyển dịch hình thức thanh toán và phương thức vận chuyển trở thành điểm nhấn trong ngành bán lẻ.

Cũng theo kết quả khảo sát này, so với năm 2019 và 2020, giải pháp được các nhà bán lẻ 2021 ưu tiên lựa chọn là đẩy mạnh việc bán hàng trên các trang Thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng trực tuyến. Biện pháp ứng phó với giãn cách xã hội phổ biến nhất năm 2021 chính là Chuyển đổi kinh doanh từ offline lên online (chiếm 72,8%) – tăng 9% so với năm 2020 (63,8%). Tỷ lệ nhà bán hàng chỉ chú trọng kinh doanh offline, không kinh doanh online cũng giảm từ 36,2% (năm 2020) xuống 20,9% (năm 2021).

Ông Trần Trọng Tuyến – Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo cho biết, quá trình chuyển đổi kinh tế số và giãn cách xã hội đã tạo bối cảnh thuận lợi cho các hình thức giao dịch không tiền mặt tăng trưởng. Chuyển khoản đã vượt lên trên Tiền mặt trở thành phương thức thanh toán được chấp nhận phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, quán ăn, quán cafe (chiếm 36,5%). Ông Tuyến cũng khẳng định: “Sự phát triển đa dạng, cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều thương hiệu và chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các ví điện tử đã đưa hình thức này lên Top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất. Chuyển khoản cũng được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ dễ dàng sử dụng và đối soát (2,6/3 điểm). Bên cạnh đó, nhà bán hàng cảm nhận được sự an toàn, tránh nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh khi sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt. Hình thức cổng thanh toán tích hợp trên website và thẻ tín dụng online không được ưa chuộng, chủ yếu do thời gian đối soát kéo dài và khó theo dõi dòng tiền”.

Dự đoán xu hướng của thương mại điện tử 2022

Từ cuối năm 2021, nhờ độ phủ vaccine Covid-19 và các chính sách kích cầu kinh tế, Việt Nam dần kiểm soát dịch bệnh và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Nhu cầu tiêu dùng một lần nữa trở thành động lực cho tăng trưởng; Bán lẻ và Dịch vụ sẽ là hai ngành đón đầu xu hướng chi tiêu hậu giãn cách, hứa hẹn một triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2022. Kết thúc năm 2021, có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.

Theo khảo sát của hệ sinh thái Sapo, bước sang năm 2022, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ chính là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Những doanh nghiệp đã đầu tư và xây dựng nền tảng trực tuyến hiệu quả, tiếp cận linh hoạt với thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa kênh. Thực tiễn chứng minh, những doanh nghiệp, cửa hàng chuyển đổi số sáng tạo, nhanh chóng đã thích ứng và phát triển trong hai năm đại dịch vừa qua.

                                                          Văn hóa Sapo

Xu hướng thứ hai là chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch. Trong khi cửa hàng bán lẻ các sản phẩm không thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề trong quý III/2021, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng và hàng thiết yếu ít chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội hơn. Tiếp tục trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn.

Xu hướng thứ ba là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Khi công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm bán lẻ hiện đại, giãn cách xã hội và dịch bệnh làm cho khoảng cách của người mua và người bán xa nhau hơn, sức mạnh của sự kết nối giữa con người với nhau sẽ phát huy tác dụng. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

                                                        Hoạt động thiện nguyện

Mới đây, Sapo cho ra mắt những dự án mới nhất trong hệ sinh thái này như Bách hóa tin cậy, Sapo Money, Sapo 365, nền tảng quản trị và phân tích dữ liệu khách hàng Sapo Hub sẽ hỗ trợ chủ cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ bắt nhịp nhanh chóng với xu hướng kinh doanh 2022. Tận dụng thế mạnh của từng kênh bán hàng, nhạy bén với thị trường và sẵn sàng thích nghi với tình huống đột biến, các shop sẽ có thêm bước đệm tăng trưởng trong những năm sau.

Nhịp sống Sapo – nền tảng của văn hóa doanh nghiệp

Sapo xây dựng môi trường làm việc với văn hóa gần gũi, chú trọng cá nhân như văn hoá đọc sách, chia sẻ về kỹ năng cuộc sống, mang đến một môi trường làm việc thoải mái, trẻ trung. Mỗi thành viên của Sapo (Sapo-er) đều được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, những hoạt động thú vị, đảm bảo được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

                                                 Hoạt động teambuilding

Các hoạt động thường xuyên được các Sapo-er hưởng ứng tham gia như: Bản tin truyền hình nội bộ “Con đường thành công” là món ăn tinh thần mà tất cả Sapo-er đều say sưa, hăng hái “thưởng thức” vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần để cập nhật tin tức trong công ty, “lên dây cót” kế hoạch hàng tuần của mỗi thành viên, tặng – khen – thưởng các thành viên có thành tích… Cùng với đó là các hoạt động đặc trưng của Tổng hội, tên gọi của Bộ phận chăm lo đời sống tinh thần cho các Sapo-er. Các hoạt động tái tạo năng lượng luôn được Tổng hội lên kế hoạch tỉ mỉ và tổ chức xuyên suốt 12 tháng, nhằm mang lại những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn cũng như tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các Sapo-er như: Hội thao, Team Building, Sinh nhật, Ngày Đàn ông,…

Sapo không chỉ mang đến đời sống văn hóa tinh thần cho mỗi thành viên, mà còn rất tích cực trong các hoạt động cộng đồng, các chương trình thiện nguyện vì xã hội như: Ngày hội dân văn phòng hiến máu vì bệnh nhân Thalassemia; Xuân sum vầy – Tết sẻ chia: Hành trình mang tết đến với các em học sinh vùng cao có hoàn cảnh khó khăn; Trung thu cho em – chương trình trao quà cho cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn mang lại một đêm hội trăng rằm ấm áp và ý nghĩa….

Tại Sapo đã xây dựng một môi trường năng động, trẻ trung và chuyên nghiệp, khuyến khích tối đa khả năng sáng tạo và phát triển của mỗi cá nhân. Nét đẹp văn hóa doanh nghiệp chính là cầu nối của đoàn kết, sẻ chia để tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển năng lực một các toàn diện giúp nâng cao hiệu suất công việc.

                                                                                                              Trúc Đài