Tin nổi bật

Sở KH&CN Đồng Nai: Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế Đồng Nai

8:10 sáng | 17/07/2020

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Nai cho rằng Đồng Nai luôn quan tâm việc nâng cao nhận thức và tuyên truyền về KH&CN nói chung và đổi mới công nghệ nói riêng cho doanh nghiệp.

Minh Kiệt thực hiện.

Sở KH&CN Đồng Nai có những hoạt động cụ thế nào liên quan đến công tác nghiên cứu và phát triển KH&CN, thưa bà?

Trên cơ sở hàng năm, chúng tôi đều tuyên truyền và hướng dẫn các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư đổi mới và chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến…đến cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, Sở đã hỗ trợ HTX Dịch vụ Đầu tư phát triển nông nghiệp xanh ứng dụng KHCN chuyển đổi giống nhanh cho nhà vườn trồng sầu riêng và cà phê; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Tâm Phát nghiên cứu công nghệ xử lý khói bụi và khí thải; hỗ trợ 05 đơn vị sản xuất thực hiện kiểm toán năng lượng nhằm tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Đến nay, Sở đã hướng dẫn và cấp 04 giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực điện-điện tử, nông nghiệp và cơ khí.

Đặc biệt, trong mùa dịch COVID-19, Sở đã thành lập nhóm chế tạo thiết bị trực tiếp, tiến hành nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới để thiết kế và chế tạo thiết bị hỗ trợ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn như: máy đo thân nhiệt tự động, buồng khử khuẩn di động, thiết bị phát gạo tự động với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các thiết bị khác trên thị trường.

Ngoài ra, chi đoàn Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã chế tạo thành công bộ thiết bị rửa tay sát khuẩn, Trường ĐH Lạc Hồng tỉnh Đồng Nai thiết kế chế tạo máy trợ thở, nhiệt kế thông minh, cổng sát khuẩn nano bạc và nước súc miệng, nước rửa tay sát khuẩn nano bạc và chuyển giao cho cơ quan, doanh nghiệp.

Xin Bà cho biết một số chương trình, dự án đầu tư phát triển KHCN tiểu biểu của Đồng Nai và kết quả đạt được?

Giai đoạn 2015-2020, chúng tôi triển khai 09 dự án KHCN. 07 trong số đó đã đưa vào sử dụng. Sở đã bàn giao 07 dự án này về BQL khu công nghệ cao, công nghệ sinh học Đồng Nai để tiếp tục phát triển.

Riêng dự án Trung tâm chiếu xạ tỉnh hiện đang được Sở triển khai. Một khi hoàn thành, dự án sẽ phục vụ cho công tác nghiên cứu như: mở rộng những tiến bộ của công nghệ chiếu xạ đến các lĩnh vực của khoa học tự nhiên; nghiên cứu phát triển kết hợp các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học và y học trong nghiên cứu của các thuộc tính và các tác động của bức xạ; thúc đẩy phổ biến kiến thức trong các lĩnh vực liên quan thông qua các ấn phẩm, các cuộc họp và hội nghị chuyên đề giáo dục; và hình thành một đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ, kiến thức đầy đủ về công nghệ chiếu xạ phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nghiên cứu các công nghệ có liên quan đến chiếu xạ.

Ngoài ra, chúng tôi đang phối hợp với BQL đầu tư xây dựng tỉnh hoàn chỉnh dự án đầu tư xây dựng trụ sở Trung tâm KH&CN nhằm đảm bảo địa điểm làm việc, cơ sở vật chất cho Trung tâm đi vào hoạt động ổn định, dự kiến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 dự án sẽ được khởi công.

Sắp tới, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh triển khai dự án sửa chữa, đầu tư một số trang thiết bị của trụ sở Trung tâm tại Nhơn Trạch, đây là cơ sở chính thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Chúng tôi cũng đã được tỉnh giao quản lý chương trình đào tạo sau ĐH nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực KHCN của tỉnh, nâng cao hiệu quả đào tạo phục vụ yêu cầu CNH, HĐH nền kinh tế Đồng Nai.

Nâng cao nhận thức về đổi mới công nghệ không phải là chuyện một sớm một chiều, vậy Sở có giải pháp nào để đẩy nhanh tiến trình này, thưa bà?

Đây luôn là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Vì vậy, hàng năm Sở triển khai các nội dung của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp 837 tại 11 huyện, Tp. Long Khánh và Biên Hoà, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Thông qua các chương trình cùng hội thảo chuyên đề, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.

Kế đến là điều tra, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp (2015-2019). Năm 2015, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đánh giá trình độ công nghệ theo 04 nhóm thành phần: thiết bị công nghệ, nhân lực, thông tin và tổ chức, quản lý. Kết quả là trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp đạt mức trung bình tiên tiến.

Từ 2016-2019, Sở tham mưu UBND tổ chức đánh giá trình độ công nghệ chuyên ngành thuộc 08 lĩnh vực (chế biến nông sản, thực phẩm; da giầy, dệt may; sản phẩm chế biến từ gỗ; hoá chất;  nhựa và các sản phẩm từ nhựa; vật liệu xây dựng; điện, điện tử và cơ khí) nhằm xác thực các điểm mạnh và yếu để tìm giải pháp hỗ trợ.

Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá quy định tại Thông tư 17/2019/TT-BKHCN, trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai công tác tổng điều tra đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo bà, đâu là yếu tố then chốt và giải pháp hữu hiệu để đưa Đồng Nai trở thành trung tâm về KH&CN trong thời gian tới?

Tập trung phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Tôi cho rằng cần thực hiện cơ chế đặt hàng, tuyển chọn tổ chức cá nhân thực hiện đề tài và dự án KHCN, tăng cường cơ chế liên kết giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tại Đồng Nai.

Một giải pháp cần thiết khác là thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế, cập nhật xu hướng phát triển của thế giới.

Đổi mới cơ chế, sử dụng ngân sách nhà nước như nguồn vốn mồi thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đơn giản hoá thủ tục đăng ký doanh nghiệp KHCN, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu các chương trình KHCN cấp tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phát huy Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Phát huy vai trò đầu tư của doanh nghiệp và xã hội trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nâng cao tiềm lực KHCN trong tỉnh để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới như công nghệ số, thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo…