Cà Mau

Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau: Đẩy mạnh 03 khâu đột phá chiến lược

2:17 sáng | 10/04/2020

Với lợi thế như 03 mặt giáp biển, 254km bờ biển, nằm trong hành lang ven biển phía Đông vùng biển Tây Nam Bộ và trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng vịnh Thái Lan với trữ lượng dầu khí lớn… Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là thuỷ sản, du lịch sinh thái và biển, đảo.

03 khâu đột phá thu hút đầu tư

Năm 2019, Cà Mau đã tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp (chú trọng phát triển đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao), công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, du lịch, thể thao, nhà ở xã hội.

Một số dự án tiêu biểu trong danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh như: đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư xây dựng hạ tầng Khu phi thuế quan KKT Năm Căn; trung tâm ứng dụng sản xuất giống và nuôi trồng, chế biến thủy sản, gia súc, gia cầm công nghệ cao; Dự án khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau,…

Ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Cà Mau đã triển khai cả 03 khâu đột phá chiến lược về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách hành chính gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng, ưu tiên thực hiện và xem đây là mục tiêu cần phấn đấu lâu dài và không ngừng hoàn thiện trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Cà Mau”.

Đẩy mạnh CCHC, tăng cường hợp tác

Trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xây dựng các Kế hoạch về cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI theo nhiệm vụ được giao, phân công cụ thể các phòng trực thuộc Sở chịu trách nhiệm thực hiện. Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan tích cực tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, không phân biệt, đối xử trong giải quyết công việc giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước trong tiếp cận các cơ hội đầu tư, chế độ chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính và thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Tích cực hợp tác, hỗ trợ cung cấp thông tin nhà đầu tư trong và ngoài nước đến liên hệ làm việc với tỉnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư gồm có: Tổng Lãnh Sự Quán Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Tập đoàn T&T, Tập đoàn Thành Thành Công, Công ty CP Kosy, Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương…

Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết từ 20% đến 66% so với thời gian quy định. 100% tỷ lệ hồ sơ được trả kết quả đúng hạn và sớm hơn quy định. Kết quả khảo sát cho thấy 100% doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu đều hài lòng về TTHC và thái độ phục vụ của công chức tiếp nhận và trả kết quả.

Tính từ đầu năm đến 30/12/2019, đã có 455 DN thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, với tổng vốn trên 3.400 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn tỉnh là 3.883 DN. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án mới, lũy kế đến nay đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 318 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 99.500 tỷ đồng và 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư trên 313 triệu USD.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đối với công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hằng năm, Sở KH&ĐT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 04 khóa đào tạo (gồm 02 khóa tập huấn nguồn nhân lực cho các hợp tác xã và đào tạo quản trị doanh nghiệp và 02 lớp tập huấn về kiến thức khởi nghiệp và phổ biến giáo dục pháp luật) với 150 học viên tham gia, các lớp về bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu và đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP với 200 học viên tham gia.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Tập trung đầu tư và mời gọi đầu tư các dự án lớn tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công – tư; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực: giao thông, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường…tiếp tục tranh thủ các dự án hỗ trợ của các tổ chức Phi Chính phủ.

Tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ tiếp cận, thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng trong công tác thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư../.

Đỗ Thy