Tin nổi bật

Sông Côn Mạch Võ

2:08 sáng | 07/11/2023

VHDN –

Bảo tàng Quang Trung – Tây Sơn tại Bình Định

Khởi nguồn từ vùng núi giáp ranh 3 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định, sông Côn chảy dài theo chiều rộng của tỉnh Bình Định để đổ ra biển Đông. Sông Côn là con sông lớn nhất, đồng thời cũng chính là nơi ẩn chứa bao khát vọng của người xưa về mảnh đất này. Theo nhà thơ Quách Tấn trong cuốn Nước non Bình Định thì tên gọi sông Côn xuất phát từ Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Nam Hoa Kinh chép rằng: “Biển Bắc có loài cá tên là Côn, bề lớn của Côn không biết mấy ngàn dặm. Côn hóa thành loài chim tên gọi là Bằng, lưng của Bằng không biết bao nhiêu dặm, vùng vẫy, tung cánh bay như đám mây ngang trời. Loài chim ấy khi biển động thì di chuyển sang biển Nam, tức là ao trời. Khi chim Bằng di chuyển sang biển Nam thì nước sóng sánh ba ngàn dặm, liệng theo gió lốc mà lên cao chín vạn dặm”. Mượn tên Côn mà đặt tên sông, cổ nhân dụng ý cầu mong cho con cháu vùng đất ấy có ngày trỗi dậy quạt cánh Bằng bay chín vạn tầng cao. Phải chăng, vì vậy mà trên dải đất nhuần thấm dòng sông Côn đã sản sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt như: Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng…

“Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm

Mãn vui tình mai liễu độ xuân

Đỉnh Tây Sơn gió cuộn sóng tùng

Chạnh tưởng đấng anh hùng cứu quốc…”

Dòng chảy lấp lánh của Côn giang hôm nay đưa ta về với giai đoạn lịch sử trung cận đại. Đó là giai đoạn khởi nguồn và định hình cho nét độc đáo văn hóa vùng đất Bình Định – được gọi tên miền đất võ. Trước kia, Bình Định từng là kinh đô 5 thế kỷ của các triều đại Chămpa. Đến triều Lê Thái Tông, đất Bình Định được sáp nhập vào Đại Việt, trở thành vùng phiên trấn, phên dậu của Tổ quốc ở phương Nam. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi: “Nước ta thời Lê, năm Hồng Đức thứ nhất, năm 1470, đánh được Chiêm Thành, mở đất đến núi Thạch Bi, chia đất này làm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Đặt Phủ Hoài Nhân lệ vào Quảng Nam, Thừa Tuyên. Nhưng từ núi Cù Mông vào Nam vẫn là người Man, người Lao ở…”.

Ngoài người bản địa gồm Chăm, Ba Na, H’Rê… những cư dân Việt đầu tiên đến Bình Định từ các nguồn như quan lại do triều đình bổ nhiệm, dân khai hoang xiêu tán từ miền ngoài vào, tội nhân lưu đày viễn châu. Vùng đất mới thâu nhận đủ mặt anh hào tứ chiến. Trong cuộc mưu sinh để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và sự phức tạp của một xã hội chưa định hình, võ nghệ dân gian được phát huy cao độ. Võ Bình Định hình thành từ dân gian, trong lao động sản xuất, tự vệ chống chọi với thú dữ, trộm cắp. Từ đó, tiến đến thành sức mạnh chống cường hào ác bá, sức mạnh đóng góp vào việc giải phóng giai cấp, quật cường đánh đuổi ngoại xâm. Sự phát sinh của võ cổ truyền Bình Định là một tất yếu khách quan. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, trước khi là vua, là tướng, lực lượng cốt cán của khởi nghĩa Tây Sơn đều là những tráng sĩ, võ sĩ, hiệp sĩ võ nghệ cao cường. Những chiến công hiển hách như: Rạch Gầm – Xoài Mút, đánh tan quân xâm lược Xiêm La, đánh đuổi quân Mãn Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa, thống nhất giang sơn, dựng nên cơ nghiệp nhà Tây Sơn vĩ đại, là biểu hiện cụ thể nhất cho sự tiến đến đỉnh cao của võ Bình Định. Cố học giả Quách Tấn đã quy nạp thành Tây Sơn Thập Bát Cơ Thạch, nghĩa là mười tám tảng đá làm nền móng cho nhà Tây Sơn, bao gồm: Thất Hổ Tướng – bảy vị tướng hổ; Lục Kẻ Sĩ – sáu kẻ sĩ tài cao và Ngũ Phụng Thư – năm cô phụng hoàng. Ngoài 3 anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mà võ nghệ nhân đức đã ghi danh trong lịch sử thì phần lớn những người còn lại đều là bậc thầy của võ thuật. Thất Hổ Tướng của nhà Tây Sơn vang danh với ngọn roi của Lê Văn Huy – quất một đòn đánh ngã trăm người; Lý Văn Bưu với biệt hiệu Phi Văn Báo; Trần Quang Diệu nổi tiếng thiện dụng đại đao; Võ Văn Dũng sử dụng đơn đao và trường kiếm. Thất Hổ Tướng là vậy, còn Ngũ Phụng Thư tài nghệ cũng không kém. Đó là Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung mà tài năng võ thuật, đặc biệt là kiếm thuật đã trở nên xuất chúng, góp phần rất lớn cho thành công của nhà Tây Sơn. Theo nhiều tài liệu khảo cứu thì đến thời Tây Sơn, võ Bình Định đã chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn biến đổi về chất, hoàn thiện cái vốn có của mình để phát huy tác dụng trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt hơn, hình thành một diện mạo mới. Đó là giai đoạn tinh hoa võ thuật Bình Định được phát huy cao độ nhất.

Biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định

 Thời gian qua nhanh như nước trôi nhưng không xóa được những chiến công mà bao thế hệ người miền đất võ đã ghi tạc vào lịch sử, đã thấm đẫm vào dòng chảy Côn giang. Trong kháng chiến chống Pháp, bao chiến công đã gắn liền với những vị anh hùng Bình Định, như: Tăng Bạt Hổ, Võ Trứ, Mai Xuân Thưởng… Lăng mộ vị anh hùng Mai Xuân Thưởng mỗi ngày vẫn soi bóng xuống dòng sông Côn, ghi khắc những năm tháng gian truân nhưng rất đỗi hào hùng của phong trào Cần Vương:

“Thân trơ trọi một gươm một ngựa

 Vì nỗi quốc cừu vị báo

Dòng Côn giang vượt bến rủi rong,

Bước gập ghềnh càng nghĩ càng đau

 Nhớ câu “quyển thổ trùng lai”

Miền Linh Đổng tạm đường ẩn náu”.

Rõ ràng dòng chảy sông Côn chính là dòng chảy lịch sử miền đất võ. Có những năm tháng hiển hách, có những năm tháng bi hùng nhưng không bao giờ trên dòng chảy ấy tinh thần thượng võ phải ngưng đọng. Các thế hệ người dân Bình Định đã dần dần xác lập nền võ học quê nhà rồi nâng lên thành một giá trị văn hóa đặc trưng lưu danh thiên cổ. Tìm về miền đất võ cũng là tìm về với miền thâm sâu diệu vợi, với hào khí như ẩn chứa bên trong võ kinh, võ lý, võ đạo. Trong tiếng trống trận dồn dập hôm nay, lịch sử như đang hiện hữu và con người Bình Định với tất cả nét đặc trưng trong tính cách, tâm hồn dường như được bộc lộ tất cả. Đó chính là truyền thống thượng võ đã được đặt lên hàng thượng lễ, với mục đích nhân văn cao cả.

 Và Côn giang, trái tim của Bình Định vẫn luôn trôi đi theo dòng chảy lịch sử của miền đất này.

Xuân Lý