Tin nổi bật

Tăng cường đầu tư Ý tại Việt Nam trong kỷ nguyên mới

6:48 sáng | 24/05/2023

VHDN – Trả lời phỏng vấn Văn hóa Doanh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ý (1973-2023), ông Michele D’ercole – Chủ tịch Phòng Thương mại Ý (ICHAM) tại Việt Nam cho hay ICHAM luôn sẵn sàng đưa các nhà đầu tư Ý vào Việt Nam, thúc đẩy giao thương, cân bằng cán cân thương mại Việt Nam – Ý. Đức Quân thực hiện.

Ông Michele D’Ercole Chủ tịch ICHAM tại Việt Nam

Ông vui lòng chia sẽ một số dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ý trong 50 năm qua?

Ông Michele D’ercole:  Trong 50 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Ý đã phát triển tích cực và toàn diện, hợp tác giữa hai nước đã đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực, cả song phương lẫn đa phương, đặc biệt sau khi hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược cách đây 10 năm

Kinh tế là điểm sáng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ý tại khu vực ASEAN, trong khi đó, Ý là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong liên minh châu Âu. Năm 2022, bất chấp các biến động và khó khăn, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt con số cao nhất chưa từng có với 6,2 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021. Chính phủ Ý đã đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia ưu tiên thúc đẩy thương mại và đầu tư đến năm 2030.

Như tôi đã lưu ý, quan hệ ngoại giao giữa Ý và Việt Nam là rất tốt đẹp trong 50 năm qua, đặc biệt trong 2 thập kỷ gần đây, hợp tác đầu tư giữa hai nước đã phát triển đáng kể. Việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013 đã góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Năm nay hai nước cũng kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Một trong những dự án đầu tư đầu tiên của Ý vào Việt Nam là Tập đoàn Perfetti Van Melle ở khu vực phía Nam và Ariston ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Trong những năm 2000, nhiều nhà đầu tư từ Ý như Piaggio, Datalogic, Bonfiglioli, Danieli, GIVI và Carvico cũng như những Tập đoàn lớn khác bao gồm ENI và Generali cũng đã đổ bộ vào Việt Nam. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư Ý đã góp mặt trong hầu hết các ngành công nghiệp tại Việt Nam từ sản xuất đến dịch vụ, từ năng lượng đến ngân hàng.

Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao không chỉ là một thành tựu nổi bật, một chặng đường dài mà hai nước đã nỗ lực vun đắp kể từ những năm 1970, mà còn là nền tảng để tình hữu nghị giữa hai nước tiếp tục phát triển, cùng nhau đối mặt với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các địa phương của hai nước cũng phát triển rất tốt. Chẳng hạn, các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước đã thiết lập quan hệ đối tác với vùng Emilia Romagna của Ý, hay giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng Veneto, Hà Nội với Lazio và Roma, Lâm Đồng với Como và nhiều khu vực khác.

Một dấu mốc quan trọng khác trong mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ý là sự hợp tác mà hai bên đã ký kết và thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, hợp tác song phương giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học-công nghệ, du lịch, giao lưu giữa nhân dân hai nước và nhiều lĩnh vực khác cũng phát triển tích cực.

Tôi cho rằng, hai nước cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các ngành kinh tế mà Ý có thế mạnh và Việt Nam đang có như cầu, Ý có thể là cửa ngõ cho hàng hoá Việt Nam vào liên minh châu Âu. Tiềm năng hợp tác giữa Ý và Việt Nam cũng là rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo. Việc mở các đường bay trực tiếp giữa hai quốc gia cũng rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá và giao lưu nhân dân giữa hai bên.

Một bước đi quan trọng khác trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là công tác đối thoại ở cấp thứ trưởng, các cuộc họp Ủy ban chung về hợp tác kinh tế, đưa ra ý kiến xây dựng Kế hoạch hành động về thực hiện quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2024-2026.

Cùng với việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động hiện thực hoá quan hệ đối tác chiến lược song phương trong các giai đoạn cụ thể, hai bên cũng cần ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp hai bên thúc đẩy kết nối, tăng cường hình ảnh của hai quốc gia.

ICHAM luôn sẵn sàng đưa các nhà đầu tư Ý vào Việt Nam, thúc đẩy giao thương, cân bằng cán cân thương mại Việt Nam – Ý 

Theo ông, ICHAM có những hoạt động cụ thể nào nhằm giúp kết nối hai nền kinh tế một cách hiệu quả trong những năm gần đây?

Ông Michele D’ercole:  ICHAM Việt Nam được thành lập vào năm 2008, năm nay chúng tôi kỷ niệm 15 năm thành lập. ICHAM Việt Nam chính thức được chính phủ Ý công nhận là thành viên của hiệp hội Assocamerestero – một hiệp hội với 84 phòng thương mại Ý hoạt động tại 61 quốc gia trên khắp thế giới.

ICHAM liên tục ủng hộ các tổ chức và doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác tiềm năng thông qua tổ chức các chuyến công tác, nghiên cứu thị trường, tổ chức các cuộc họp B2B, các sự kiện kết nối, hội thảo, hội thảo chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực cụ thể tại Ý và Việt Nam.

Các hoạt động mà ICHAM thực hiện trong những năm gần đây không nằm ngoài mục tiêu kết nối hai nền kinh tế Ý và Việt Nam, tôi cho rằng các hoạt động có hiệu quả hơn đều là các hoạt động dành riêng có đối tác giữa hai nước trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh.

ICHAM hiện đang tập trung các hoạt động kết nối kinh tế hai nước chủ yếu dựa vào các chuyến công tác thông qua các bàn công tác trên lãnh thổ Ý, bên trong cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức tại Ý.

Một trong những hoạt động quan trọng nhất là các chuyến công tác của các phái đoàn khu vực mà chúng tôi tổ chức tại Việt Nam, nơi các doanh nghiệp từ Ý có cơ hội không chỉ gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam mà còn các doanh nghiệp đến từ các quốc gia láng giềng. Hoạt động này được tổ chức trong nhiều ngành khác nhau từ dược phẩm, gỗ nội thất đến máy móc, thiết bị.

Một số hoạt động khác nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các hiệp hội và tổ chức trong nước và phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp có liên quan đến các Biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký kết. ICHAM đã ký kết một số MOU quan trọng giúp chúng tôi có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam, giúp các hội viên kết nối ở cấp độ cao nhất. Nhờ vào các hoạt động này, và dựa trên nhu cầu của hội viên, chúng tôi đã và đang tổ chức các road shows (biểu diễn lưu động) tại khắp các tình thành tại Việt Nam. Kết quả là chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp Ý gặp gỡ và kết nối kinh doanh với các đối tác tại Việt Nam, không chỉ khách mua mà còn các nhà cung cấp và đối tác kinh doanh.

Theo tôi, các hoạt động hiệu quả hơn bao gồm tiếp tục tổ chức sự kiện với các tỉnh, thành có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

ICHAM sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc họp, trao đổi các đoàn công tác tại tất cả các cấp thông qua tất cả các kênh khác nhau, tại các diễn đàn song phương và đa phương; cũng cố niềm tin kinh tế, thúc đẩy hợp tác mở rộng giữa các ngành và địa phương, tối ưu hoá các cơ chế hợp tác hiện tại và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Theo ông, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có đóng góp như thế nào vào mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước?

Ông Michele D’ercole:  Hiệp định EVFTA đã đóng góp rất lớn vào thương mại song phương giữa Việt Nam và Ý, như tôi đã lưu ý, thương mại hai nước đạt con số kỷ lục với hơn 6 tỉ Eu trong năm 2022. Chúng tôi muốn thương mại song phương tăng trưởng hơn nhằm thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại, hiện hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam sang Ý nhiều hơn sản phẩm của Ý nhập khẩu vào Việt Nam. Các sản phẩm của Ý đều rất được ưa chuộng nhờ vào chất lượng và sự độc đáo.

Điều khoản tôn trọng các chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu trong Hiệp định EVFTA là chìa khoá để cải thiện hợp tác kinh doanh lẫn nhau và Ý có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất thông qua việc đưa ra các bí quyết cần thiết cho các nhà sản xuất Việt Nam, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao hơn và bền vững hơn không chỉ xuất khẩu sang thị trường liên minh châu Âu mà mà còn cho các nước khác là thành viên của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tất cả các hiệp định thương mại tự do đều có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và hoà bình.

Bên cạnh đó, EVFTA và việc thúc đẩy thông qua Hiệp định Xúc tiến Đầu tư Việt Nam-châu Âu (EVIPA), giúp gỡ thẻ vàng của EC đối với hàng thuỷ sản của Việt Nam, ủng hộ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông.

Ý và Việt Nam cam kết thực hiện đẩy đủ và đúng tiến độ các điều khoản trong EVFTA. Cụ thể, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với EU nhằm đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ của Ý tiệp cận lớn hơn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là dược phẩm và nông sản.

Ở chiều ngược lại, Ý là nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm của Việt Nam từ cà phê đến thuỷ sản, dệt may đến thiết bị điện. Với việc EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm này buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và quy định của EU khi vào thị trường châu Âu. Ý có rất nhiều thứ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và an toàn cho sản phẩm Việt Nam.

Đầu tư của Ý tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng dường như chưa xứng với tiềm năng, ICHAM có vai trò như thế nào nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Ý vào Việt Nam, thưa ông?

Ông Michele D’ercole:  Về đầu tư, tính đến tháng 2/2023, Ý có 141 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 453,3 triệu USD, xếp vị trí 34/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, xếp thứ 9 trong số 25 nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ý tại khu vực ASEAN

Thực tế, đầu tư của Ý tại Việt Nam chưa xứng với tiềm năng hiện có. Về mặt lịch sử, Việt Nam không phải là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư Ý, nhìn chung, Ý chủ yếu đầu tư tại châu Âu, khu vực địa Trung Hải và châu Mỹ. Ý chỉ chú ý đến Việt Nam trong thời gian gần đây (như tôi đã lưu ý, các dự án đầu tư của Ý tại Việt Nam chỉ bắt đầu cách đây 20 năm). ICHAM đã kiên trì thúc đẩy các cơ hội tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Ý. Chúng tôi đưa ra các thông tin chính xác cho các bên đối thoại nhằm giới thiệu cho các doanh nghiệp Ý về sự độc đáo của thị trường Việt Nam, cung cấp thông tin cho cho các tổ chức doanh nghiệp của Ý cũng như Phòng Thương mại châu Âu vốn có vai trò tìm hiểu ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến các chính sách. Điều quan trọng là các doanh nghiệp Ý đã nhận được các thông tin này và ICHAM luôn bên cạnh để hỗ trợ họ.

Vai trò của ICHAM cũng như mối quan hệ với các doanh nghiệp Ý trong việc thúc đẩy đầu tư Ý tại Việt Nam chủ yếu là đưa ra các thông tin rõ ràng nhất về thủ tục, dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực đầu tư chủ chốt cũng như các thông tin liên quan khác để các doanh nghiệp Ý tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Với nhiều sự tương đồng, Việt Nam và Ý đang hướng đến nhiều tiềm năng hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực đầu tư.

Theo ông, lĩnh vực đầu tư nào đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư Ý?

Ông Michele D’ercole:  Việt Nam đang thu hút FDI một cách có lựa chọn tập trung mạnh vào chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các dự án khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Tất cả các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào, đặc biệt là phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, công nghệ, hạ tầng và chuyển đổi số, có thể rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ý và họ có thể có những cơ hội lớn này tại Việt Nam. Phát triển bền vững trong các lĩnh vực công nghiệp rất hấp dẫn các doanh nghiệp Ý, các doanh nghiệp Ý vốn mạnh về kỹ thuật và công nghệ có thể hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng sạch hơn và bền vững hơn, chẳng hạn trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý nước, xử lý chất thải, vật liệu xây dựng, thành phố thông minh, may mặc, nguyên liệu. Một số nhà đầu tư Ý như Ghella với dự án tàu điện ngầm Hà Nội đang hỗ trợ phát triển hạ tầng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Ý cũng có thể tham gia với tư cách là nhà thầu phụ hay đơn vị thiết kế (chẳng hạn như trường hợp của Kiss Bridge tại Phú Quốc) cho các nhà đầu tư lớn của châu Á.

Du lịch và giáo dục cũng rất tiềm năng. Việc ra mắt các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước cũng rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá ngày càng tăng cũng như nhu cầu giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Đức Quân