Bản tin hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam

Tạo đà cho du lịch Kiên Giang “cất cánh”

10:46 sáng | 05/10/2017

“Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương; cùng chung tay góp sức xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh của khách du lịch trong nước và quốc tế…” là khẳng định của Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang – ông Trần Chí Dũng khi trao đổi với chúng tôi.

 

                                Chùa Hộ Quốc – Địa điểm mới hút khách du lịch tại Phú Quốc

Điểm đến của các “ông lớn”

Kiên Giang là vùng đất đa dạng về địa hình và phong phú về di sản văn hóa. Trên địa bàn tỉnh có rừng, núi, sông, suối, biển, đảo, có bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp và nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng ít có nơi nào sánh được. Ngoài ra Kiên Giang có vị trí đắc địa, kết nối với các nước ASEAN, đặc biệt là Campuchia và Thái Lan; nằm trong khu vực có hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường biển đã thông suốt. Kiên Giang cũng là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL có 2 cảng hàng không đang hoạt động (Cảng Hàng không nội địa Rạch Gía và Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc), tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng với các nước trong khu vực và quốc tế.

Những tiềm năng và lợi thế du lịch của Kiên Giang được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, do đó mỗi địa phương đều có thể dựa vào tài nguyên sẵn có để khai thác phát triển các loại hình du lịch phù hợp. Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như đảo ngọc Phú Quốc, thập cảnh Hà Tiên…Hệ thống đảo, quần đảo của Kiên Giang có tiềm năng rất lớn về phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…với những bãi tắm đẹp, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng nguyên sinh…Đây là lợi thế để tỉnh phát triển mạnh tất cả các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, biển đảo, du lịch biển quốc tế….

                                                        Núi Tô Châu

Thế mạnh của Kiên Giang còn nằm ở hệ sinh thái đa dạng và độc đáo từ hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn cho đến hệ sinh thái biển, đảo, cửa biển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới như: Rừng nguyên sinh Phú Quốc, Vườn quốc gia  U minh thượng…Đặc biệt Kiên Giang còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích trên 1,1 triệu ha, là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra Kiên Giang có nhiều di tích lịch sử – văn hóa, thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo kết hợp bảo tồn với phục vụ tham quan, du lịch. Toàn tỉnh có 52 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh. Hàng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc của người Kinh, người Hoa và người Khmer thu hút du khách như: Lễ hội Nguyễn Trung Trực, Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các, Lễ hội Oóc – om – bok, Lễ hội Nghinh ông…Ngoài ra sản phẩm từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống của Kiên Giang cũng được chú trọng khai thác đã mang lại những thành công nhất định đối với du lịch tỉnh nhà như: nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, rượu sim, ngọc trai, cỏ bàng….

Ông Trần Chí Dũng cho biết dựa vào điều kiện tự nhiên, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm gồm: Phú Quốc; Hà Tiên – Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá – Kiên Hải và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận. Mỗi vùng du lịch này đều có những nét độc đáo riêng, hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng. Nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng lợi thế của 4 vùng du lịch trọng điểm, những năm qua công tác kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch luôn được tỉnh Kiên Giang quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 274 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực triển khai thực hiện tại 4 vùng du lịch trọng điểm với tổng diện tích 7.690ha, tổng vốn đầu tư 231.762 tỷ đồng. Đa số các dự án đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch như: khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các trung tâm thương mại – mua sắm kết hợp dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí…Đặc biệt một số dự án có quy mô, tầm cỡ quốc tế của các tập đoàn kinh tế lớn đã đưa vào hoạt động như: KDL sinh thái Vinpearl, Vườn thú Safari Phú Quốc của Tập đoàn Vin Group; các dự án của Sun Group, BIM Group, JW Marriott…

          Nước mắm Phú Quốc

Sức bật Phú Quốc

Biểu tượng, đồng thời cũng là niềm tự hào của du lịch Kiên Giang chính là đảo ngọc Phú Quốc. Do sở hữu tiềm năng lớn về phát triển du lịch, Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc đến năm 2020 tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 8/1/2007; trong đó xác định Phú Quốc là KDL quốc gia, được ưu tiên đầu tư. Quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, Phú Quốc đã chú trọng công tác lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch và hiện đã phê duyệt 27 đồ án quy hoạch tỷ lệ chi tiết 1/2.000 với diện tích 6.491ha; 111 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 với diện tích 7.503ha. Các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư; thu hút và triển khai các dự án đầu tư du lịch đạt kết quả cao. Trong số 274 dự án đầu tư du lịch đang còn hiệu lực tại Kiên Giang thì Phú Quốc có tới 218 dự án (chiếm 79%) với tổng vốn đầu tư 222.275 tỷ đồng; trong đó có 30 dự án đi vào hoạt động với vốn đầu tư 31.073 tỷ đồng, 161 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 127.226 tỷ đồng và 57 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 2.630ha.

Nhiều nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực du lịch đã và đang đầu tư vào Phú Quốc góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo du lịch đảo ngọc, tạo đà cho du lịch Phú Quốc “cất cánh”. Giai đoạn 2011 – 2015, Phú Quốc đón 4.187.137 lượt khách, tăng trưởng bình quân 37,9%/năm; tổng doanh thu đạt hơn 5.352 tỷ đồng, tăng trưởng 37,9%/năm. Riêng năm 2016 Phú Quốc đón 2.651.318 lượt khách (tăng 61% so với năm trước), doanh thu du lịch đạt hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 44,9%) và 6 tháng đầu năm 2017 đón 1.203.829 lượt khách (tăng 1,5% so với cùng kỳ), doanh thu du lịch đạt hơn 1.158 tỷ đồng (tăng 21,4%).

                                     Phà Thạnh Thới

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch cũng đã chỉ đạo Tổng cục du lịch xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Phú Quốc cho phù hợp hơn với tình hình thực tế và tốc độ phát triển tại Phú Quốc. Thông tin từ ông Dũng, từ nay đến năm 2020 Kiên Giang sẽ tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Phú Quốc trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh của khách du lịch trong nước, quốc tế; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Kiên Giang sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư vào Phú Quốc. Cụ thể tỉnh tiếp tục áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (tiền thuê đất, thuế suất, thuế TNDN, thuế nhập khẩu, hỗ trợ đào tạo lao động, tín dụng…) cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch Phú Quốc; tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Phú Quốc gắn với các doanh nghiệp du lịch mạnh và uy tín của huyện đảo. “Hiện nay thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Kiên Giang đã nhất trí đề xuất thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang với cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để đầu thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy phát triển nhanh đảo ngọc Phú Quốc, trong đó có ngành du lịch. Với xu thế phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững du lịch Phú Quốc cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu” – ông Dũng cho hay.

Bảo Minh