Doanh nghiệp

Thêm một thành viên rút khỏi HĐQT, “cuộc chiến vương quyền” tại tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đến hồi kết thúc

9:19 sáng | 14/03/2023

VHDN Vào ngày 8/3, Ông Albert Antoine, người từng ký tên trong thông cáo phản đối việc ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, đã nộp đơn từ nhiệm.

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình  chia sẻ tại lễ khởi công xây dựng nhà ở xã hội tại Hải Phòng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa thông báo ông Albert Antoine đã gửi đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT từ ngày 1/3. Ông Antoine ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến của ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình. Đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua đơn xin từ nhiệm của ông Antoine trong phiên họp thường niên sắp tới.

Ông Albert Antoine sinh năm 1959, quốc tịch Pháp, được bầu làm thành viên độc lập của HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình năm 2022. Chính ông Lê Viết Hải là người đề cử ông Antoine.

Theo bản giới thiệu hồ sơ ứng viên được Tập đoàn Hòa Bình công khai, ông Antoine trong vai trò Giám đốc điều hành Avaiga – đơn vị tư vấn, triển khai về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã thực hiện dự án cho nhiều tập đoàn lớn như Viettel, FPT, Vingroup, Vietcombank, Amazon, DHL, Zara, Nike. Ngoài ra, ông từng làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ Singapore liên quan chuyển đổi số, AI. 

Ông Antoine là một trong 4 thành viên HĐQT ký tên vào thông cáo công khai phản đối Nghị quyết 53 ban hành vào ngày 31/12/2022 hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình. 

Phối cảnh tổng thể dự án nhà ở xã hội tại Kho 3 Lạc Viên, Hải Phòng có vốn đầu tư 4.865 tỷ đồng

Trong nhóm 4 thành viên từng phản đối việc ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, ông Nguyễn Công Phú cũng đã từ nhiệm hôm 14/2. Hai thành viên HĐQT còn lại đứng về phía ông Phú trong cuộc tranh chấp với ông Hải gồm ông Dương Văn Hùng là Thành viên HĐQT độc lập, ông Lê Quốc Duy kiêm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc công ty.

Cuối tháng 2 vừa qua, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông báo hủy cả 3 Nghị quyết 50, 51, 53 được ban hành trong tháng 12/2022 là nguồn cơn tạo nên cuộc xung đột liên quan đến chức danh chủ tịch doanh nghiệp. 

Giữa tháng 12/2022, ông Phú được 8/8 thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thống nhất bầu làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023 thay ông Lê Viết Hải – người muốn từ nhiệm với lý do tạo điều kiện pháp lý nhằm bổ nhiệm con trai Lê Viết Hiếu chính thức làm Tổng Giám đốc công ty.

Tuy nhiên, đúng vào ngày cuối cùng của năm 2022, HĐQT Hòa Bình ban hành nghị quyết hoãn thi hành việc bầu ông Phú làm Chủ tịch HĐQT – đồng nghĩa với việc ông Hải tiếp tục là người lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp xây dựng này.

Vụ việc sau đó nóng lên khi nhóm ông Phú công khai phản đối việc ông Hải tiếp tục tại nhiệm, đồng thời chia sẻ một số nội dung liên quan đến các cuộc họp, vấn đề nội bộ liên quan hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp. Ngược lại, phía Tập đoàn Hòa Bình tuyên bố các hành vi của ông Phú và thành viên có liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi không chỉ cung cấp thông tin và phát tán tài liệu có tính nội bộ, bảo mật mà còn cố tình diễn giải sai với bản chất.

Ông Lê Viết Hải cùng CB, CNV tại lễ khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng

Hiện tại, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình còn 6 thành viên, ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch HĐQT, ông Lê Viết Hiếu làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Trước đó, ngày 07/3, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là tổng thầu thi công dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng có vốn đầu tư hơn 4.865 tỷ đồng.

Đây là dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển về NOXH theo Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 22/01/2019 của UBND TP.Hải Phòng phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP. Hải Phòng đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030; Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 12/4/2022 của HĐND thành phố về Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) là tổng tổng thi công nhiều dự án lớn

Khu nhà ở xã hội này có diện tích 53.913 m2, gồm 10 block nhà chung cư cao 15 tầng, mật độ xây dựng khoảng 48%. Tổng diện tích sàn nhà ở xã hội dự kiến khoảng 340.952 m2, với 4.456 căn hộ. Khu nhà ở thương mại quy mô 13.063 m2, gồm 163 căn hộ, cao 7 tầng, mật độ xây dựng khoảng 98%; tổng diện tích sàn dự kiến khoảng 90.420 m2 sàn. Quy mô dân số khoảng 14.740 người. Diện tích nhà ở thương mại bằng 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (không bao gồm diện tích khu tái định cư). Hạ tầng kỹ thuật trên khu đất 16,91 ha gồm cả khu tái định cư tại chỗ có diện tích 8.100 m2 với các hạng mục đường giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, vườn hoa cây xanh… và kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu dân cư lân cận.

Đại diện tổng thầu thi công, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng cam kết sẽ tập trung cao nhân lực và vật lực, tổ chức thi công, để một số tòa nhà, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào giữa năm 2024. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo thêm hơn hàng nghìn căn hộ mới, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở giá rẻ của cư dân đô thị và các hộ dân sinh sống tại khu chung cư cũ trên địa bàn TP.Hải Phòng.

Năm nay, HĐQT Hòa Bình dự kiến trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận 125 tỷ đồng.

Hương Phạm