Kinh tế thị trường

THEO DÒNG THỜI SỰ: Căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine và hành động của những nhà đầu tư  

4:32 sáng | 03/03/2022

VHDN Ngày 24 /02 vừa qua, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự lớn vào Ukraine sau lời hạ lệnh tấn công của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hàng loạt biểu đồ về tài chính, hàng hóa chao đảo gây biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi giá dầu thô và các tài sản an toàn như vàng, đồng đô la và trái phiếu kho bạc Mỹ, dầu mỏ, lúa mì…tăng mạnh thì giá các tài sản rủi ro như cổ phiếu và tiền ảo rơi tự do. Thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, đà bán tháo trên diện rộng diễn ra khắp mọi nơi. Bất ổn là không khí bao trùm tại tất cả các sàn tài chính, chứng khoán, dầu mỏ, hàng hóa…

Chỉ số chứng khoán của Nga thì tụt dốc không phanh có lúc lên tới 50%, khi các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo. Sắc đỏ phủ khắp các sàn giao dịch chứng khoán châu Á. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm hơn 2,1% lúc gần 11h trưa theo giờ Việt Nam. Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục sụt 0,9%; Hang Seng của Hồng Kông “bốc hơi” 3,2%; ASX 200 của Australia mất 3,3%; Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 2,7%. Chỉ số Dow Jones tương lai mất hơn 800 điểm, tương đương giảm 2,5%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 2,4% và 2,8%.

Biểu đồ chỉ số chứng khoán VNindex 3 tháng gần đây (nguồn cophieu68.com )

Thị trường chứng khoán trong nước cũng có phiên giảm mạnh kể từ đầu tháng 2 dưới sức ép từ thị trường chứng khoán quốc tế. Yếu tố địa chính trị  Nga-Ukraine vốn đã chi phối diễn biến của các thị trường trong những ngày gần đây nhưng tâm lý nhà đầu tư đã tăng áp lực bán, thanh khoản nhảy vọt, đấy là tín hiệu tốt cho thị trường Việt Nam, mức giảm chỉ 1,15% của VN-Index.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 11h trưa nay theo giờ Việt Nam cùng ngày tăng 19,9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York, tương đương tăng hơn 1%, đạt 1.929,8 USDoz. Đây là mức giá cao nhất của giá vàng trong vòng 9 tháng trở lại đây.

Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York cùng thời điểm trên tăng hơn 3 USD/thùng, tương đương tăng 3,3%, đạt 95,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 3,2 USD/thùng, vượt qua 100 USD/thùng ngưỡng cao nhất của dầu kể từ tháng 9/2014

Những cách đầu tư tài chính thông minh

Nhu cầu tìm kiếm “hầm trú ẩn” tăng mạnh cũng khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD đồng loạt tăng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh xuống dưới mốc 1,92%, từ mức gần 1,98% trong ngày Nga tấn công Ukaine. Ngược lại với sự tăng điên cuồng của dầu, vàng, hàng hóa, các tài sản đảm bảo như trái phiếu là Tiền ảo Bitcoin đang được giới đầu tư xem như tài sản rủi ro, thay vì tài sản an toàn, nên cũng bị bán mạnh khi tình hình Nga-Ukraine khiến nhà đầu tư hoảng sợ.Giá Bitcoin giảm gần 9% so với cách đó 24 tiếng, còn hơn 35.300 USD. Trong 5 phiên gần nhất, giá Bitcoin đã giảm hơn 12%. Trong những ngày tới là những ngày đen tối trong lịch sử tồn tại của đồng tiền này.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2 với diễn biến đầy biến động. Sau khi Nga tấn công Ukraina, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020, giá vàng thế giới đã vượt mốc 1.970 USD/ounce. Tuy nhiên, không lâu sau cú sốc này, giá kim quý đã nhanh chóng hạ nhiệt và giảm về dưới vùng 1.900 USD. Việc giá vàng lao dốc trong các phiên cuối tháng 2 có nguyên nhân chính từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga.

Theo sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Joe Biden mới ban hành nhằm áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga thì phần nhiều các tổ chức tài chính của Nga ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Hiện tại, 80% giao dịch ngoại hối hàng ngày của Nga và một nửa giá trị thương mại của Nga được thực hiện bằng USD. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những lệnh trừng phạt này có thể ít ảnh hưởng tới Nga – quốc gia đang tiến tới hợp pháp hóa tiền ảo và là nơi tài sản kỹ thuật số đã được sở hữu rộng rãi.

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên các công ty, cá nhân Nga về cơ bản có thể khiến họ bị cô lập với phương Tây. Các tỷ phú Nga có khả năng tránh được các hình phạt này nếu họ sử dụng tiền ảo, vốn dựa trên công nghệ blockchain giúp ẩn danh các giao dịch. Các loại tiền ảo có thể giúp họ mua hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vào tài sản bên ngoài Nga, tất cả đều tránh được sự theo dõi của các ngân hàng hay tổ chức. Hiện Nga là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về dầu, khí đốt tự nhiên, đồng, nhôm, paladi và các mặt hàng quan trọng khác

Theo thống kê của Hải quan Liên bang Nga, trong năm 2021 kim ngạch ngoại thương của Nga đạt 785 tỷ USD tăng 38% so với năm 2020. Thặng dư thương mại đạt 198,16 tỷ USD, cao hơn 92,72 tỷ USD so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga năm 2021 lên tới 491,58 tỷ USD tăng 45,8% so với 12 tháng năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nga năm 2021 đạt 293,42 tỷ USD tăng 26,7% so với năm 2020. Trong đó, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Nga, kim ngạch nhập khẩu lên tới 140,7 tỷ USD ( tăng 35,2% so năm 2020). Các điểm đến xuất khẩu của Nga cũng đã thay đổi. Hà Lan là điểm đến xuất khẩu hàng đầu cách đây một thập kỷ nhờ hoạt động buôn bán dầu, nhưng Trung Quốc thay thế vị trí đó của Hà Lan. Trung Quốc còn là nhà cung cấp hàng nhập khẩu hàng đầu cho Nga, như điện thoại di động, máy tính, thiết bị viễn thông, đồ chơi, hàng dệt may, quần áo và các bộ phận điện tử nằm trong số các danh mục hàng đầu. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Nga đã tăng kể từ năm 2014, trong khi hàng hóa nhập từ Châu Âu vào Nga giảm rõ rệt.

Vào ngày cuối cùng của tháng 2 vừa qua, phương Tây đã quyết định loại nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT. Được coi là “vũ khí hạt nhân” trên bình diện tài chính, hệ thống SWIFT sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và người dân Nga nhưng các nước trên thế giới cũng bị vạ lây. Vậy hệ thống SWIFT là gì? SWIFT là tên viết tắt của “Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication” (Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu). Được thành lập năm 1973, công ty tư nhân có trụ sở ở Bỉ đã xây dựng một mạng lưới khổng lồ về thông tin được bảo mật tối đa dành riêng cho các giao dịch tài chính.  Hiệp hội này hiện có hơn 11.000 ngân hàng ở khoảng 200 nước trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tài chính quốc tế. Năm 2021, mạng lưới này đã chuyển khoảng 10,6 tỉ lệnh thanh toán trên khắp toàn cầu. Khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán này, hoạt động của hệ thống ngân hàng Nga sẽ bị chậm lại. Để tránh điều này, một doanh nghiệp Nga có thể yêu cầu một ngân hàng Ấn Độ hoặc Trung Quốc hay bất kỳ ngân hàng nào là thành  viên SPFS (có cùng dịch vụ như SWIFT nhưng hiện chỉ có khoảng 20 ngân hàng nước ngoài sử dụng) thực hiện lệnh chuyển tiền qua hệ thống SWIFT. Điều này chắc chắn sẽ khiến hoạt động của doanh nghiệp Nga phức tạp và tốn chi phí hơn. Loại Nga ra khỏi SWIFT cũng chính là con dao 2 lưỡi cho phương Tây? Điện Kremlin chắc chắn sẽ tăng tốc phát triển mạng lưới SPFS thay thế  và khi đó sẽ tác động đến các giao dịch bằng đô la được tiến hành qua SWIFT. Sự phát triển của hệ thống SPFS cũng không phải là tin tốt cho Washington. Mục tiêu lâu dài của Nga là đưa các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trugn Quốc và Iran vào mạng lưới mới này và khẳng định sự độc lập của họ với các định chế tài chính Mỹ.  Việc loại Nga khỏi SWIFT cũng khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn khi mua khí đốt Nga. Để thanh toán cho các doanh nghiệp Nga, các nước châu Âu cũng sẽ phải đi đường vòng và điều này sẽ khiến giá năng lượng đang ở mức cao còn tăng thêm nữa.  

Và mối lo ngại lớn nhất của người dân châu Âu hiện tại là nguồn khí đốt của Nga cung cấp bị ngưng trệ, khi mà mùa đông đang trong những ngày giá lạnh nhất. Người dân sẽ không thể chịu đựng được một cú sốc nguồn cung lớn như vậy, họ sẽ phải trả giá cho việc tiêu thụ khí đốt rất cao và sẽ buộc người dân phải nghĩ tới việc kiềm chế tiêu dùng khí đốt khi mà Nga đang cung cấp một lượng lớn nhu cầu dầu mỏ cho thị trường này, sản lượng chiếm tới 40%. Điều đó sẽ gây tổn thất lớn cho kinh tế châu Âu và thế giới. Giá năng lượng toàn cầu tăng cao cũng đồng nghĩa với chi phí vận chuyển, sản xuất tăng cao, kéo theo lạm phát, làm kéo lùi sự tăng trưởng cho các nền kinh tế thế giới. Và điều đặc biệt nguy hại hơn cả là tâm lý e ngại tiêu  dùng của người dân toàn thế giới lại tiếp tục kéo dài hơn sau thời gian 3 năm bị Covid- 19 tàn phá nặng nề.

Có thể thấy rằng Nga đã chuẩn bị sẵn sàng những biện pháp “né” đòn trừng phạt, bao gồm cả những lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt vừa qua và trong thời gian tới của Mỹ và các nước đồng minh.

Căng thẳng địa chính trị của Nga-Ukraine thực sựu lại là bài toán khó lường với Mỹ và phần còn lại của thế giới hơn là với Nga lúc này ?!

Và hành động của mỗi nhà đầu tư

Mặc dù những căng thẳng địa chính trị sẽ có ảnh hưởng tức thời đến thị trường tài chính, chứng khoán, hàng hóa…nhưng cũng là cơ hội để các nhà đầu tư khôn ngoan gia tăng tài sản.

Trong khi bất ổn địa chính trị đáng báo động vì nhiều lý do, thị trường tài chính biến động xuất hiện nhiều điều đáng lo ngại nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội đầu tư?

Nhất là đối với thị trường chứng khoán. Lý do là vì thị trường này đang hoạt động rất sôi nổi trên toàn thế giới. Lợi nhuận trung bình hàng năm của S&P 500 kể từ năm 1926 là 10,49%. Tỷ suất sinh lời này cao hơn nhiều so với trái phiếu, vốn có lịch sử lợi nhuận từ 5-6% trong cùng khoảng thời gian.

                                                    Thủ Thiêm bên sông Sài Gòn

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có sự tăng trưởng ngoạn mục. Vốn hóa thị trường đã đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng trên 45% so với cuối năm 2020 và xấp xỉ bằng 100% GDP, VN-Index lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm “đỉnh lịch sử” về chỉ số. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước tính đến cuối năm 2021 đạt trên 4 triệu tài khoản (tương đương gần 4% dân số cả nước). Và trong đó phải kể đến tác động của gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính Phủ “có quy mô lớn nhất từ trước đến nay” giúp phát triển kinh tế phục hồi hậu Covid 19 cũng mở ra rất nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khôn ngoan.

Sự kiện địa chính trị Nga – Ukraine là sự kiện điển hình về thuyết: “Thiên nga đen”, biến cố ngẫu nhiên dù rất nhỏ nhưng đã xảy ra làm chao đảo thị trường tài chính, hàng hóa, kinh tế toàn cầu. Nhưng trong chính những bất ổn đó sẽ xuất hiện nhiều cơ hội gia tăng tài sản cho mỗi chúng ta. Cho các nhà đầu tư thông minh có cái đầu “lạnh”, bản lĩnh và khôn ngoan!

                                                                                                                       Thu Hạnh