Doanh nhân tiêu biểu

Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh – Cô giáo trẻ sống với lòng biết ơn và tự hào dân tộc

4:14 chiều | 19/11/2020

Trong tôi lại dậy sóng niềm tự hào, cảm phục và trân trọng mỗi khi nhớ đến Anh hùng Phi công Nguyễn Văn Bảy. Cũng đã hơn một năm trôi qua (ngày 26-27/9/2019), khi nhân dân cả nước thương tiếc, người dân Đồng Tháp đẫm nước mắt tiễn đưa ông về với đất mẹ. Hôm nay, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Văn hóa Doanh nhân có cuộc trò chuyện với cháu gái của ông, cô giáo Nguyễn Thị Quốc Minh – vị Tiến sĩ trẻ nhiều triển vọng, là hậu duệ của một dòng tộc nhiều đời có công với cách mạng và là người đã và đang dành trọn tâm huyết, tình yêu với sự nghiệp trồng người.

Chân dung vị tiến sĩ trẻ nhiều triển vọng Nguyễn Thị Quốc Minh

Lòng yêu nước mãi nồng nàn

Mỗi lần đi qua hay nhắc đến Đồng Tháp không ai không nhớ đến mảnh đất Lai Vung nơi đã sinh ra và ôm trọn vào lòng “người anh hùng chân đất”. Đó là anh hùng không quân Nguyễn Văn Bảy – phi công huyền thoại của Việt Nam. Ông không những được nhân dân cả nước cảm phục mà bạn bè quốc tế cũng kính trọng, ngưỡng mộ. Theo chân hành hương về quê bác Bảy, chúng tôi đến với gia đình bác. Ở đây chúng tôi mới cảm nhận hết sự yêu quý của bà con địa phương dành cho bác nói riêng và gia đình, dòng họ bác nói chung. Duyên thay, chúng tôi được gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh – cô cháu gái ruột của bác Bảy, hiện đang là giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, được sự dạy dỗ nghiêm túc và định hướng đúng đắn từ tuổi nhỏ nên cô Quốc Minh luôn ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình. Khi chia sẻ với chúng tôi cô không giấu được niềm vui: “Ông tôi là niềm tự hào của dân tộc nói chung và địa phương, gia đình nói riêng. Ba tôi cũng vậy, ba tôi đến nay đã gần 50 năm tuổi Đảng, cũng là người trực tiếp tham gia hai mặt trận biên giới Việt – Trung và giải phóng Campuchia. Tôi rất hãnh diện vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước. Thế hệ chúng tôi được sống trong hòa bình đó là nhờ có sự hi sinh và đóng góp của ông cha vì vậy tôi luôn tâm niệm phải học tập, nghiên cứu và lao động tích cực để có thể góp phần cống hiến cho địa phương và xã hội, tiếp tục phát huy truyền thống tự hào của dòng tộc”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh chia sẻ.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc hoặc ngạc nhiên với cái tên Quốc Minh, nghe tưởng chừng như tên của một nam nhân. Chúng tôi cũng mạnh dạn hỏi cô về cái tên khá nam tính và độc đáo đó. Cũng bằng giọng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào pha chút hài hước và sự tinh tế, cô Quốc Minh chia sẻ: “Ba tôi tên là Nam nên đặt anh trai đầu của tôi tên là Việt. Nếu ghép tên ba tôi và anh tôi lại thì là Việt Nam. Đến khi sinh tôi, ông đặt cho tôi là Minh. Nếu ghép tên của hai anh em tôi lại thì thành Việt Minh – một cái tên rất cách mạng!”.

 Vị Tiến sĩ trẻ nhiều triển vọng

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi (năm 2007) và được giữ lại làm giảng viên của trường Đại học Đồng Tháp. Đến tháng 2/2008 cô mạnh dạn đi ôn thi và thi Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô đỗ top 10 người cao điểm nhất của khóa Thạc sĩ năm đó. Tháng 12/2010, cô mang đến niềm tự hào, vinh dự lớn lao cho bản thân cũng như gia đình, cơ quan nơi cô công tác khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ đạt điểm 10 tuyệt đối.

Đầu năm 2012 cô bắt đầu vào học nghiên cứu sinh (NCS). Tháng 1/2017, cũng tại ngôi trường này, cô đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong sự hân hoan của thầy cô, gia đình và bè bạn. Vị Tiến sĩ trẻ chia sẻ: “Bước ngoặt mà tôi nhớ nhất đó là năm 2007 khi đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Đồng Tháp. Lúc đó tôi có tham gia Hội thi Sinh viên Thanh lịch. Tôi “ẵm” 3 giải trong Hội thi đó: Giải nhì Hội thi sinh viên thanh lịch, Giải trả lời ứng xử hay nhất và Giải trang phục áo dài đẹp nhất. Bình thường thì tôi vẫn vừa học vừa làm MC cho trường cũng như cộng tác với đài truyền hình… Nên lúc bấy giờ có lời mời tôi về đài truyền hình để làm việc, tôi đã phân vân và đấu tranh nội tâm rất nhiều, nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn làm một cô giáo và đến bây giờ tôi không hối tiếc về sự lựa chọn của mình”.

Tháng 1/2018, cô chuyển công tác về khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM. Từ đó đến nay, tuy mới chỉ khoảng 3 năm nhưng cô đã 2 lần được 2 trường đại học ở Mỹ mời tham dự Hội thảo khoa học Quốc tế (Lần 1 là vào tháng 6/2019. Lần 2 là vào tháng 4/2020, nhưng do bị Covid nên cô chưa đi được). Đồng thời cô cũng có nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành cũng như thường xuyên tham gia Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Hiện nay cô còn là giảng viên thỉnh giảng cho nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM.

Khi nói về cô Quốc Minh thì nhiều thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè của cô đều có chung một một nhận xét: Đẹp người, tốt tính! Có lẽ điều đó đúng, bởi cô là người thường xuyên tham gia vào các chương trình thiện nguyện, vì cộng đồng. Trong thời gian giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19, ký túc xá ĐHQG được dùng làm chỗ cho người cách ly, trong những ngày đầu còn thiếu thốn nhiều vật phẩm cần thiết cho các cán bộ, các tình nguyện viên làm công tác hỗ trợ người cách ly thì cô đã quyên góp và tặng nhiều vật phẩm có giá trị mà lúc đó rất khó tìm, hầu như mọi người không có cách nào để mua được với số lượng nhiều như găng tay y tế, khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn tay…

Cô Nguyễn Thị Quốc Minh thứ 5 trừ trái qua

Trong năm học 2020-2021, cô tặng 20 suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó học giỏi và tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng đợt bão lũ vừa rồi. Ngoài ra, cô đã và đang cùng bạn bè thực hiện một số chương trình nhân đạo đó là hỗ trợ chi phí điều trị, viện phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện ở TPHCM hoặc những hoàn cảnh mà cô đọc được trên báo chí. Cô chia sẻ sẽ cố gắng duy trì các chương trình này để những giá trị thiết thực, nhân văn sẽ đến được nhiều hơn với các em sinh viên, tiếp sức cho các em trên con đường đi tìm tri thức, cũng như góp phần xoa dịu những mất mát, tổn thương cho những người có hoàn cảnh không may.

Mong muốn đóng góp một phần công sức cho xã hội bằng nghề nghiệp và chuyên môn của mình, cô đã và đang triển khai nghiên cứu sâu về cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới). Đó là một việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, mang tính nhân văn khi mà hiện nay trong xã hội vẫn còn rất nhiều người chưa nhận thức đúng đắn về vấn đề này, vẫn còn nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người LGBT. Hiện tại, cô cũng là chuyên gia về LGBT, được tổ chức SCI tin tưởng, thường xuyên mời đi tập huấn, báo cáo…

Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả hoặc chướng ngại gặp phải trên hành trình của mình thì cô mỉm cười. Một nụ cười nhẹ nhàng nhưng đầy mạnh mẽ và nghị lực, cô nói: “Trời có nắng có mưa, người có yêu có ghét, việc khi thuận khi không… Vì thế tôi chưa bao giờ chán nản hay có suy nghĩ trách giận gì ai bởi tôi tin vào điều ông bà ta vẫn dạy: Ở hiền thì sẽ gặp hiền, người ngay thì được Phật Tiên độ trì!”. Khi được hỏi về nghề nghiệp cô chia sẻ: “Mỗi người giáo viên khi lên bục giảng hãy như một nghệ sĩ thực thụ trên sân khấu. Nghĩa là phải có nội dung, có hình thức và phải bùng cháy lên đam mê, nhiệt huyết… Chứ đừng là một thợ dạy. Nhân dịp 20/11, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả thầy cô, đồng nghiệp, những người đã luôn yêu thương, tin tưởng, hỗ trợ tôi trong những lúc khó khăn. Cũng xin cảm ơn cả những vất vả gian nan, những chướng ngại bởi tất cả điều đó đã rèn đúc để có tôi của ngày hôm nay. CẢM ƠN TẤT CẢ VÌ TẤT CẢ!

Vâng, chúng tôi cũng xin kính chúc cô được nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và an yên để cô tiếp tục gieo trồng những hạt giống tươi tốt, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực, lan tỏa nhiều giá trị nhân văn và phát huy tinh thần dân tộc cao đẹp!

Như Quân, Vũ Đào