Tin nổi bật

Trải nghiệm ấm lòng ở Công viên các loài chim Nam Mỹ

1:02 sáng | 04/03/2022

VHDN Tôi có may mắn được đến nhiều khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa của loài người. Thú thật, lắm lúc thấy buồn và thất vọng lắm. Vì càng đi càng gặp nhiều rều rác của sự vô ý thức sau bước chân làm hỏng thiên nhiên và làm mai một văn hóa / tộc người ở không ít nơi. Theo thói thường dễ hiểu, khu vực nào càng độc, lạ, đẹp đẽ thì càng lắm người đến, người đến nhiều thì phóng uế và xả rác nhiều. Tiền kiểu trọc phú xỉa ra nhiều thì càng dễ làm mờ mắt những người làm dịch vụ, để rồi họ nương theo đó mà cẩu thả trên nhiều nhẽ. Trong bối cảnh đó: thứ quan trọng để neo giữ, thượng tôn được các giá trị di sản – chính là văn hóa. Trầm tích văn hóa của cộng đồng, của mỗi người dân, và cụ thể hơn là “văn hóa” của doanh nghiệp làm du lịch, làm bảo tồn bản xứ. Có lẽ điều này, người ta thường gọi là “đạo đức kinh doanh”. Nói một cách dễ hiểu là: Bên cạnh vẻ đẹp trông thấy của cảnh quan, tộc người, di vật, hiện vật, con vật được trưng ra, người thưởng lãm chân chính còn có mong muốn được tiếp cận, đón nhận những giá trị khác đi kèm. Đó là hàm lượng tri thức, trí tuệ, sự tử tế và tâm huyết mà các đơn vị tổ chức, kinh doanh kia tạo ra trong sản phẩm du lịch của mình.

Tôi đã gặp những trải nghiệm ấm lòng từ văn hóa làm bảo tồn thiên nhiên ở Iguazu, Brazil như thế, khi đến với Công viên các loài chim tuyệt bích, kế bên Iguazu Waterfall – thác nước biên giới lớn nhất của loài người, kế bên hồ Thủy điện Itaipu (ra đời từ việc ngăn con sông biên giới cùng tên giữa Brazil và Paraguay), nơi nhiều thập niên giữ danh hiệu quán quân “Thủy điện lớn nhất Thế giới” – trước khi Đập Tam Hiệp của Trung Quốc được khánh thành gần đây.

Nam Mỹ rộng lớn, nơi có rừng Amazon cung cấp tới 25% lượng ôxy cho địa cầu của chúng ta. Tuy nhiên, đển một du khách có thể luồn rừng vượt thác chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài chim thú ở môi trường núi rừng hoang dã Nam Mỹ rộng mênh mông bất tận và rất hiểm trở kia, thật không dễ dàng gì. Chính vì thế, các công viên di sản thiên nhiên đã ra đời. Tôi muốn nói, Công viên các loài chim (Parque De Aves) rộng 16ha ở Cộng hòa Liên bang Brazil là một ví dụ.

                 Quầy hàng lưu niệm tại Công viên các loài chim Nam Mỹ

Nằm ở bang Parana của Brazil, cách “đô thành hoa lệ” Sao Paulo một giờ bay, giáp biên giới với đất nước Argentina, Công viên chim của Iguacu được thừa hưởng một hệ sinh thái đa dạng, với hai vườn quốc gia, một của Argentina, một của Brazil, cả hai đã được vinh danh là Di sản thế giới từ những năm 1980 của thế kỷ trước.

Công viên Parque De Aves đã hình thành từ tâm huyết và tiền bạc của gia đình ông Denis Croukamp. Trước, ông sống ở khu vực phía Tây của Nam Phi, tình cờ được người hàng xóm tặng một con vẹt tuyệt đẹp. Ông, vợ và các con gái cùng đặt tên riêng, chăm sóc, thương yêu chú vẹt như thành viên thân thiết trong gia đình. Sau này chuyển đến Brazil, rồi sang Anh sinh sống, ông Denis đã nhận ra tình yêu vô bờ bến với các loài hoang dã. Công viên di sản chim thú đẹp nhất Nam Mỹ trên đã ra đời trong sự cảm kích đó, vào năm 1994.

Người ta đã thiết kế một không gian trật tự, tinh khiết, để thiên nhiên tuyệt đỉnh hoang dã ùa ập trùm phủ lên cảm xúc và mọi ánh nhìn, mọi góc máy của bạn khi có mặt ở đây. Tôi đã đi như một sự phiêu linh, có gì đó rất thật mà lại như là chiêm bao. Đi trong vẻ đẹp sặc sỡ của các loài chim thơ ngộ đang nhìn mình. Vẻ đẹp của các loài chim, có lẽ, chỉ có những bức ảnh (kèm bài) hay các thước phim mới mô tả hết được.

Tôi muốn nhấn mạnh đến cách tổ chức tham quan ở đây. Mấy tình nguyện viên xinh đẹp đang mở các hộp bông, vải ấm sực (với ánh sáng màu ảo diệu) để kiểm tra việc ấp trứng, chăm sóc chim non. Trẻ em ngơ ngác thích thú xem quả trứng chim vỏ xanh biếc từ từ mở ra, chú sáo non lẫm chẫm chào tia sáng mặt trời đầu tiên trong đời mà nó nhìn thấy. Ngoài kia, họ dựng pa-nô, in ảnh và lý lịch, các câu nói thấm đẫm lòng nhân ái với muôn loài của vợ chồng người sáng lập ra Công viên chim: ngài Denis Croukamp. Ông chủ (trên hình vẽ dựng ở vài góc công viên) nở nụ cười đôn hậu, như chào đón tất cả mọi người. Nhìn ông, khiến tôi nghĩ không thôi về lẽ sống bác ái ở đời. Ông đã dành cả sự nghiệp và gia sản cho việc nâng niu từng chú chim non, từng loài độc đáo và quý hiếm mà cả nhân loại tiến bộ đang lo toan bảo tồn. Ông chăm bẵm “nâng bước” từng mầm cây ở triền rừng biên ải này. Ông là một tượng đài có sức truyền cảm hứng.

Mấy chục năm qua, Công viên thu nhận các cá thể chim, thú, bò sát từ các cuộc truy lùng xử lý các đối tượng săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã do lực lượng chức năng nhiều quốc gia thực hiện. Qua thời gian dài chăm sóc kỳ công, nhiều cá thể chim rừng tuyệt sắc đã sinh sản bởi bàn tay con người. Nhiều cuộc trao đổi giữa các vườn thú, công viên di sản tự nhiên diễn ra. Tính đến nay, đã có hơn 140 loài chim cùng nhiều loài bướm, bò sát, linh trưởng của khu vực Mỹ La tinh và cả thế giới – gồm 1.320 cá thể – được quy tụ về.

Một bảo tàng tự nhiên về hệ động vật vùng Brazil và Mỹ La tinh sặc sỡ nhất mà loài người từng được biết đến. Đây, 300-400 trăm con hồng hạc yêu đương giận hờn tị hiềm vang dội một góc rừng. Kia, loài vẹt Nam Mỹ đuôi dài như mái chèo, bay lượn huyên náo, lông và mỏ sặc sỡ đủ màu sắc. Kia loài curassow bay lộng lẫy trong một vũ điệu đi tìm… thức ăn và tìm… bạn tình. Có con chim mỏ to bằng bắp tay, mỏ to hơn thân xác. Chúng lật lưỡng cõng cái mỏ bồ nông trong khi cơ thể chỉ bé bằng con bồ câu đưa thư. Lúc ngủ, chúng gục gù chực ngã. Nhiều loài gà rừng quý hiếm từng khiến cả loài người đôn đáo đi tìm để nghiên cứu đã được “cung phụng” chu đáo tại đây. Những kiệt tác của thiên nhiên trác tuyệt xuất hiện dưới dạng một loài chim quý, khiến người xem liên tục sững sờ. Ví dụ, loài Sếu vương miện xám trên đầu có một túm lông diêm dúa, xếp tròn, tỏa rạng trong nắng như hình cái vương miện quyền quý của một nữ hoàng. Vì lẽ đó, mà người ta ngưỡng mộ “chết danh” gọi “vương miện xám” trong tên khoa học của loài chim Nữ Hoàng này…

Bất kỳ ai cũng dễ dàng bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của rừng già, thảm thực vật, và đặc biệt là các loài chim, bướm, bò sát ở công viên di sản Iguazu. Thiên nhiên đã gieo yêu thương, nhung nhớ cho người ta, rồi truyền cảm hứng cho họ thấy được sự cấp bách phải hành động để bảo tồn các loài hoang dã. Từ một con vẹt xám Châu Phi được hàng xóm trao tặng, ông bà Denis đã dành cả đời bảo vệ hàng trăm loài chim quý khác cho nhân loại tiến bộ.

Giờ đây, ông Denis đã khuất núi. Tượng ông được dựng ngay trong khuôn viên của công viên di sản nhiều màu sắc và độc đáo nhất Nam Mỹ như một lời tri ân đặc biệt. Đến lượt mình, ông đã thắp thêm lên một ngọn lửa ấm hữu tình về bảo tồn, về lối hành xử đạo đức với thiên nhiên cho tất cả chúng ta.

Tôi đã đến Iguazu, trong một chạng vạng lộng gió. Biên thùy, biên cương, biên ải… – các khái niệm kia mỗi khi vang lên, chúng luôn đem cho người ta những cảm xúc lãng du, phong trần rất lạ. Tôi từng viết, gió biên thùy luôn là thứ gió cần phải đặt cho nó một cái tên riêng! Giờ ngẫm lại, lúc “say nắng” thì nói vậy thôi. Chứ, cũng có thể vì các cụm từ trên tự nó đã mang sẵn trong mình những trường liên tưởng kiểu những vẫn thơ biên tái. “Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay..”.

                           Các du khách thích thú khi tham quan công viên

Cũng có thể, vì các vùng biên giới giáp ranh luôn có sự pha trộn “nhộm nhoạm” của nhiều tầng lớp người, nhiều nền văn hóa / tộc người, nhiều quốc gia nên phong cách ở đó bao giờ cũng… chẳng giống ai. Huống hồ, Iguazu lại là vùng biên giới giữa 3 quốc gia Nam Mỹ rộng lớn và đầy quyến rũ: Brazil, Argentina, Paraguay. Giữa bối ảnh đó, trong những ngày ở khu vực Công viên Chim hoang dã, chúng tôi còn gặp nhiều sự thân thiện đến ngơ ngác khác nữa: một lão nông mời chúng tôi về nhà chơi, ngủ qua đêm trên căn gác trùm phủ bởi các tán rừng già cả của Brazil và Argentina. Nhà ông góc nào cũng có những chú mèo mắt xanh tròn như bi ve. Có cụ ông ngoài 70 tuổi, là nhạc sỹ, lại là gã du ca từng nổi tiếng ở khắp cả bang, về già làm nghề lái taxi. Hành khách nào ông quý, ông đều ôm vô lăng đắm đuối hát tặng những bản tình ca lãng đãng. Tặng thêm một đĩa nhạc, trước xe ông gắn toàn các bức tượng nghệ sỹ bé xíu ôm đàn ngất ngây.

Và, bạn tôi (anh chàng người Việt sống ở Bỉ) bỏ quên hành lý trên xe của ông, trong đó có cái điện thoại đắt tiền nhất mà Apple đang bán. Không một ai trong chúng tôi tin nổi: ông cụ đã đứng mấy tiếng đồng hồ ở cổng Công viên các loài chim, chờ tìm bằng được hai gã da vàng châu Á. Để trả lại đồ bỏ quên. Chúng tôi muốn tặng quà ông để cảm ơn, ông kiên quyết từ chối và chỉ năn nỉ chúng tôi hãy nghe ông đàn, hát một bài thứ thiệt bằng tiếng Bồ Đào Nha nữa để kỉ niệm một lần gặp gỡ…

                                                        Thác Iguazu, Brazil

Vâng, hạnh phúc là ở cả đường đi, chứ không phải chỉ là điểm đến. Cái văn hóa ứng xử với du khách ở nơi vùng trời Nam Mỹ mơ màng với nhưng vòng ba bạo liệt lúc nào cũng như đang nhảy điệu Samba huyền thoại này, đã kết tinh nhiều giá trị ấm áp. Đúng là không thể nào quên.

                                                                          Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng