Tin nổi bật

Trung tâm nước sạch và VSMTNT Đắk Lắk: “Người dân cần được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng”

7:05 sáng | 18/01/2020

Chỉ tiêu nước sạch nông thôn hiện nay là một trong 19 tiêu chí quan trọng hướng đến CTMTQG xây dựng NTM, và vấn đề này tỉnh Đắk Lắk đang ưu tiên thực hiện. Hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị, ông Nguyễn Văn Nhơn – Giám đốc Trung tâm nước sạch và VSMTNT Đắk Lắk đã nhấn mạnh trong bài chia sẻ với PV của Tạp Chí Văn Hóa Doanh Nhân (VCCI): “Tất cả người dân cần được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Đây chính là yêu cầu cơ bản tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của toàn xã hội”.

Trước hết, ông có thể cho biết đâu là giá trị cốt lõi tạo nên những thành tựu của Trung tâm trong việc triển khai thực hiện CTMTQG Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 366/QĐ-TTg?

Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, có số đông đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; theo đó vấn đề nước sạch cũng như vệ sinh môi trường là cực kỳ cấp thiết cho sự phát triển cộng đồng. Vì vậy ngay từ năm 2007, Trung tâm đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tích cực, không ngừng nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn phù hợp với năng lực. Nhờ vậy mà không chỉ hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt; mà đơn vị đã chuẩn bị tốt “hành trang” đồng hành cùng tỉnh nhà thực hiện CTMTQG Nước sạch và VSMTNT trong giai đoạn 2011-2015. Từ chỗ năm 2010 tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước HVS 72,1% thì đến năm 2015 đã nâng tỷ lệ lên 88,3%, tăng 16,2%.

May mắn là chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tại địa phương cùng sự phối hợp của các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện tạo nên kết quả cao nhất. Tiếp bước những thành công này, Trung tâm xác định sẽ luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBCNV trong giám sát, đánh giá hiện thực để đề ra hướng đi phù hợp trong tình hình mới.

Trung tâm đã đầu tư hoàn thiện và khai thác tốt hệ thống cấp nước sạch nông thôn không phụ lòng kỳ vọng của người dân?

Trong năm 2006, từ quản lý vận hành 02 công trình thì đến năm 2019 này chúng tôi đã trực tiếp quản lý khai thác 31 công trình (chiếm 18,4% trên tổng số công trình cấp nước tập trung trên địa bàn toàn tỉnh), với 19.500 hộ kết nối dùng nước, tổng số hộ thiết kế là 25.000 (đạt 77,8% công suất thiết kế). Công trình có quy mô lớn nhất thiết kế cấp nước 2.400m/ngày đêm với số hộ thiết kế 3.874 hộ; công trình có quy mô nhỏ nhất thiết kế cấp nước 70m³/ngày đêm với số hộ thiết kế 110 hộ. Các công trình do Trung tâm quản lý đến nay có công suất hoạt động ổn định, thường xuyên, liên tục. Không chỉ vậy, chúng tôi cũng đã cố gắng vận dụng tối đa lợi thế từ các nguồn tài trợ lớn. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk được chọn là một trong 21 tỉnh thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn ngân hàng thế giới. Trong đó mục tiêu đạt được của tỉnh là 14.000 hộ được đấu nối cấp nước sạch, 114 công trình cấp nước và vệ sinh trường; 60 công trình cấp nước và các thiết bị rửa tay cho Trạm Y tế; 4.400 nhà tiêu HVS hộ gia đình, thực hiện trên địa bàn 30 xã (tổng mức đầu tư là 247.034 triệu đồng).

Vấn đề VSMTNT được Trung tâm chú trọng ra sao?

Nước và vệ sinh môi trường là hai yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh là môi trường lây lan lý tưởng của mầm bệnh, tác động xấu đến sức khỏe của con người. Vì vậy mỗi năm Trung tâm luôn tích cực hưởng ứng các hoạt động về bảo vệ nguồn nước cũng như môi trường như Tuần lễ quốc gia Nước sạch và VSMTNT, ngày Môi trường thế giới 05/6, Ngày nước Thế giới 22/3… Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức treo băng rôn, áp phích, tham gia vệ sinh nơi làm việc, nơi công cộng, khai thông cống rãnh, trồng cây xanh…Và phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ vùng đầu nguồn nước, bảo vệ các ao, hồ, sông, suối tránh gây ô nhiễm nguồn nước.

Đâu là mục tiêu Trung tâm hướng đến trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2020?

Nghị Quyết 186/NQ-HĐND đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ dân số nông thôn tỉnh được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 95%. Đến hết năm 2018 mục tiêu này đã đạt 91,4%. Như vậy để thành công như Nghị quyết đề ra thì đòi hỏi trong 02 năm 2019 và 2020 tỷ lệ cần tăng thêm gần 2%/năm. Trung tâm cũng đang nỗ lực đến năm 2020 sẽ nâng lên 35 công trình do đơn vị quản lý, tăng số hộ kết nối cấp nước lên 24.300 hộ, doanh thu 15 tỷ đồng và tiến tới là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên.Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung khá lớn và còn hạn chế. Vì vậy Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí bổ sung nguồn vốn đồng thời huy động các nguồn vốn từ chương trình, dự án khác đầu tư cho lĩnh vực nước sạch nông thôn.

Tài nguyên nước sẽ cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nếu con người không có ý thức bảo vệ và khai thác hợp lý. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung và xử lý môi trường là hết sức cần thiết. Song cũng rất cần sự tham gia của các thành phần kinh tế nhằm tạo ra nguồn lực đầu tư, đảm bảo công trình phát huy hiệu quả, ổn định và bền vững; vì khát khao sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng của người dân./.

Xin cảm ơn ông!