Tin nổi bật

Trường THCS Hồng Bàng: Lá cờ đầu của ngành giáo dục thành phố Hải Phòng

7:44 sáng | 17/05/2022

(VHDN) – Trường THCS Hồng Bàng được thành lập từ năm học 1974-1975 mà tiền thân là trường Phổ thông cấp I-II, trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường từng bước phát triển và khẳng định là lá cờ đầu của ngành giáo dục thành phố.

Lễ khai giảng của Thầy và trò Trường THCS Hồng Bàng

 Lá cờ đầu trong phong trào thi đua của ngành giáo dục Hải Phòng

Trường THCS Hồng Bàng luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, vinh dự là 1 trong 12 trường học được Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Danh hiệu Trường học hợp tác quốc tế tích cực vào năm 2015. Tập thể nhà trường đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng năm 1988; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1992, hạng Nhì năm 2004 và hạng Nhất năm 2009; Bằng khen và Cờ của Thủ tướng Chính phủ các năm học 2002-2003; 2014-2015; 2018-2019; 2019-2020; 2020 -2021; nhiều Bằng khen, cờ thi đua của Bộ GD&ĐT; Bằng khen và Cờ thi đua của UBND thành phố.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ của thầy cô Trường THCS Hồng Bàng trong dịp khai giảng năm học mới

Trong năm học 2021-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Đại dịch Covid nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng, trách nhiệm và hết lòng vì học sinh thân yêu của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong công tác quản lý, truyền thụ kiến thức cùng với giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, lý tưởng sống cho học sinh. Nhà trường tiếp tục khẳng định vị thế về chất lượng – là ngôi nhà thứ hai giúp các em học sinh phát triển toàn diện trong một môi trường nề nếp, kỷ cương, an toàn và thân thiện. Thích ứng, linh hoạt với tình hình thực tế nhà trường luôn đổi mới phướng pháp giảng dạy, cánh thức tiếp cận với học sinh; kết hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến đảm bảo an toàn cho học sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục.

Lễ Khai giảng năm học mới

 Chuyển đổi số trong dạy và học – thay đổi để thích nghi

Trong những năm học vừa qua được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, UBND quận Hồng Bàng cùng với tập trung nguồn lực nhà trường đã được đầu tư có trọng điểm về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học hiện đại và tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, thí điểm xây dựng mô hình “trường học thông minh”- ứng dụng mạnh mẽ CNTT, các thiết bị, các phần mềm trong quản lý, giảng dạy và học tập: Phần mềm điểm danh học sinh, phần mềm dự giờ trực tuyến, dạy học và kiểm tra trực tuyến… từng bước đáp ứng yêu cầu về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”.

Chuyển đổi sốtrong ngành giáo dục trước tiên là phải  bắt đầu từ việc nhận thức đúng về chuyển đổi số

Theo nhà giáo Trịnh Doãn Toản, Hiệu trưởng trường THCS Hồng Bàng chia sẻ: Để chuyển đổi số trong ngành giáo dục, trước hết chúng ta cần: Phải nhận thức đúng; Phải có công cụ; và Phải có kỹ năng.

Hạ tầng công nghệ, trang thiết bị mới cho cả người học, người dạy, người quản lý (Đường mạng, tốc độ đường truyền; thiết bị dạy và học). Đi kèm thiết bị phần cứng đó là các ứng dụng phần mềm phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp trên cùng một nền tảng số. Nền tảng số này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra như:

Trong quản lý ta cần số hóa thông tin, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, dùng chung và chia sẻ được để quản lý, điều hành.

Sinh hoạt tổ chuyên môn trực tuyến của Giáo viên Trường THCS Hồng Bàng

Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá: số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…; chuyển đổi cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học trên không gian mạng.

Đồng thời chuyển đổi số đòi hỏi tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo, cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường phải thay đổi. Việc xây dựng được tài nguyên học liệu mở sẽ giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào, không gian nào; Giảm chi phí đào tạo, tiết kiệm học phí, tài liệu, học liệu, …

Hoạt động tuyên truyền phòng và chống Covid – 19 của Trường THCS Hồng Bàng

Việc áp dụng công nghệ vào vận hành giúp quản lý giáo viên và học sinh triệt để hơn, tăng hiệu suất và chất lượng làm việc.

Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và đối với trường Hồng Bàng nói riêng là quá trình lâu dài, bên cạnh những cơ hội vẫn còn có nhiều khó khăn như: Cơ sở vật chất (phòng học, diện tích, …), hạ tầng mạng (đường truyền và tốc độ), trang thiết bị (màn hình tương tác, máy tính…)… còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông của Trường THCS Hồng Bàng

Cơ sở dữ liệu số hóa chuyên ngành (dữ liệu người học, dữ liệu giáo viên, học liệu …) đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhân lực cũng như tài chính để đảm bảo cho việc số hóa.

Việc xây dựng kho học liệu số (sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) cần phải có kế hoạch cụ thể và đồng bộ, tránh việc phát triển tự phát dẫn đến lãng phí, mất thời gian, công sức và tài chính.

Nhiệm vụ của nhà trường trong thời gian tới:

Phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số đến từng giáo viên, cán bộ quản lý;

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số;

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy – học;

 Từng bước số hóa bài giảng; sử dụng văn bản, học bạ, sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn trên môi trường mạng;

Huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện; Hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung và tiếp tục kết hợp 02 hình thức dạy và học trực tiếp và trực tuyến”.

Trường THCS Hồng Bàng luôn quan tâm đến công tác đòa tạo nguồn nhân lực trẻ 

Con người là chủ thể, gốc rễ của mọi sự thay đổi, cải biến. Khi muốn thực hiện chuyển đổi số vào tất cả các lĩnh vực cũng như trong giáo dục điều đầu tiên là chúng ta phải trang bị tất cả những kỹ năng liên quan đến chuyển chổi số một cách đầy đủ tùy theo từng bậc học. Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách đồng bộ và với quyết tâm, thấu hiểu của toàn ngành, cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, kỹ năng công nghệ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là vấn đề được trường THCS Hồng Bàng đã và đang đẩy mạnh thực hiện.

Với những nỗ lực và thành tích đạt được, Trường THCS Hồng Bàng sẽ luôn là môi trường học tập lý tưởng, khơi dậy được sự sáng tạo trong dạy và học. Đây cũng sẽ là môi trường học tập tạo sự đột phá, bùng nổ nhiệt huyết trong học tập của các em thông qua các chương trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Phạm Liệu – Thu Hạnh