Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận: Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

10:06 sáng | 07/04/2018

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, liền kề địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Thuận có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, có tiềm năng về tài nguyên biển, rừng, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch và năng lượng. Năm 2017, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,08% (kế hoạch 7%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trên lĩnh vực công nghiệp vẫn duy trì mức độ tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 25.991 tỷ đồng (đạt 96,9% kế hoạch, tăng 7,6% so với năm 2016), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo 15.878 tỷ đồng (tăng 8,8% so với năm 2016). Hầu hết các sản phẩm công nghiệp tăng so với năm 2016 (có 11/15 sản phẩm tăng, trong đó thức ăn gia súc tăng 11,1%). Các công trình, dự án điện đang đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên đôn đốc, giải quyết vướng mắc giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp.

Năm 2017, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 586 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 13.744 tỷ đồng (so với năm 2016 tăng 32,8% về số doanh nghiệp và tăng 171,7% về số vốn đăng ký); có thêm 158 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh, với tổng diện tích đất 2.979 ha, tổng vốn đăng ký 49.020 tỷ đồng (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2016). Riêng đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đã thu hút được 05 dự án, tổng vốn đầu tư 10,7 triệu USD (cùng kỳ năm trước 05 dự án/1,3 triệu USD).

    

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, diện tích và sản lượng vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu, vụ Mùa đều tăng so với năm trước. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước thực hiện 207.389 ha, riêng cây lúa gieo trồng 123.079 ha. Sản lượng lương thực 831.464 tấn, trong đó, sản lượng lúa thu hoạch 714.355 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 58,3 tạ/ha. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu, nhất là cơ cấu cây trồng hợp lý. Trong năm 2017 đã chuyển đổi 2.236 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn; thực hiện 78% diện tích sản xuất sử dụng giống lúa xác nhận; duy trì 3.000 ha lúa chất lượng cao tại huyện Tánh Linh. Tiếp tục chỉ đạo đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các cây trồng lợi thế của tỉnh, tính đến cuối năm 2017 diện tích thanh long 27.611 ha (tăng 2,1% so với năm 2016), trong đó có 9.700 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP.

Sản lượng khai thác hải sản ước đạt 212.700 tấn, năng lực khai thác hải sản xa bờ tiếp tục chuyển biến tích cực, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa số tiền 380 tỷ đồng, triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đến nay UBND tỉnh phê duyệt 184 trường hợp đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá (trong đó có 89 trường hợp đã được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT giải ngân). Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác theo hình thức tổ đội sản xuất tiếp tục được quan tâm; đã kiện toàn và duy trì hoạt động 241 tổ đoàn kết, 2.150 tàu và 05 nghiệp đoàn nghề cá. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.905 ha (đạt 112% kế hoạch, tăng 18% so với năm 2016), sản lượng thu hoạch 13.868 tấn (đạt 102% kế hoạch, tăng 18,1% so với năm 2016). Sản lượng tôm giống khoảng 24 tỷ post, đạt 126,3% kế hoạch, tăng 9,1% so với năm 2016.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm triển khai, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực, mức sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ở 96 xã đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Kết quả thực hiện bộ tiêu chí không có sự chênh lệch nhiều giữa các địa phương, lũy kế bình quân toàn tỉnh ước đạt 12 tiêu chí/xã, tăng bình quân 1,62 tiêu chí/xã so với đầu năm, đạt 104,4% kế hoạch; ước năm 2017 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí mới), vượt 01 xã so với kế hoạch.

Hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh ước đón 5.132 ngàn lượt khách (đạt 100,6% kế hoạch, tăng 13,7% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế đạt khoảng 585 ngàn lượt (đạt 103,9% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2016); doanh thu 10.810 tỷ đồng (đạt 100,1% kế hoạch, tăng 19,5% so với năm 2016). Các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch tiếp tục có chuyển biến về chất lượng phục vụ, đáp ứng được yêu cầu khách du lịch quốc tế và trong nước. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 590,5 triệu USD (đạt 105,4% kế hoạch, tăng 12,4% so với năm 2016), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 385 triệu USD (đạt 106,9% kế hoạch, tăng 9,9% so với năm 2016), hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đạt vượt kế hoạch và tăng so với năm 2016. Nhập khẩu hàng hoá ước thực hiện 950 triệu USD, bằng gấp 2,07 lần so với năm 2016. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 46.580 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 12,2% so với năm 2016 (trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá 30.950 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2016). Giá cả hàng hóa ổn định, biến động không đáng kể.

Trong giai đoạn tới, Chính quyền tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, để nâng cao kết quả thu hút đầu tư vào các lĩnh cực thế mạnh của tỉnh. Trong đó, Hàn Quốc là một trong những quốc gia được hướng đến. Trong tháng 10/2017, tỉnh Bình Thuận đã cử Đoàn công tác tiền trạm sang thăm và làm việc với chính quyền tỉnh Gangwon và Quận Pyeongchang của Hàn Quốc để thống nhất sơ bộ nội dung ký kết, kết nghĩa giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Gangwon và Quận Pyeongchang. Qua trao đổi và làm việc nhận thấy tỉnh Bình Thuận và Quận Pyeongchang, tỉnh Gangwon có nhiều điểm tương đồng để cùng hợp tác và phát triển, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch và nông nghiệp – thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động. Lãnh đạo tỉnh tăng cường thăm, gặp gỡ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Bình Thuận để tìm hiểu, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp.

PV