VHDN – Một doanh nhân có thể đi lên từ tay không về vốn, nhưng không thể tiến xa khi xuất phát điểm của văn hóa là số không. Từ quan niệm ấy, trao đổi với Tiền Phong, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, văn hóa doanh nhân giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tiến xa…
“Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi, doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX
PV: Văn hóa doanh nhân (VHDN) dường như còn là một khái niệm mới. Xin ông cho biết quan niệm của mình về VHDN?
– Theo tôi, VHDN là cách doanh nhân ứng xử với con người, với thiên nhiên và xã hội. Đối với một doanh nhân, bên cạnh những phẩm chất cần có như năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thì những ứng xử với đồng nghiệp, với bạn hàng, với cấp dưới, nhân viên một cách đúng mực sẽ góp phần tạo nên VHDN. Trên thế giới, các doanh nhân bên cạnh mục đích vì lợi nhuận kinh tế, họ vẫn chú ý đến yếu tố bền vững là bảo vệ môi trường tự nhiên và những lợi ích mang tính xã hội, cộng đồng. Điều này đáng tiếc ở ta ít nhiều còn có những hạn chế. Vì thế, từ doanh nhân đến VHDN đang còn là một khoảng cách mà các doanh nhân Việt Nam cần có sự phấn đấu để đạt tới.
PV: Văn hóa cần có bề dày, VHDN cũng vậy. Nhưng nước ta là nền văn hóa lúa nước nên thiếu môi trường thuận lợi để phát triển kinh doanh. Trước đây, cụ Lương Văn Can từng đề cập đến những hạn chế của giới doanh nhân Việt, trong đó có VHDN?
– Đầu thế kỷ XX, khi xuất hiện tầng lớp doanh nhân Việt Nam đầu tiên trong xã hội thuộc địa cũ, cụ Lương Văn Can đã cảnh báo sự hạn chế của những người không ý thức được kinh doanh cũng là một văn hóa, doanh nhân cũng phải là người có văn hóa. Nhớ lại cụ từng phê phán một bộ phận doanh nhân thời đó có những hạn chế như không biết ngoại ngữ, sùng ngoại, tham lam, tiêu pha phí phạm…. Đó là những biểu hiện về văn hóa, VHDN. Lời góp ý đó trải qua một thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
PV: Thời kỳ đầu, tuy không tránh khỏi những hạn chế, nhưng cũng có những doanh nhân Việt đã bắt đầu nhìn ra và vận dụng những thế mạnh của văn hóa cho mục đích kinh doanh?
– Trước đây, trong một số bản nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bán ra thị trường có in hình quảng cáo cho Hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng của gia đình ông. Hoặc “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi, người từng nắm bắt thị trường đường sông Bắc kỳ thời đó rất rõ để có những chiến lược kinh doanh phù hợp. Chẳng hạn như khi mở tuyến du lịch chùa Hương, ông đã có những hình thức quảng bá như việc cho hát những bài về danh thắng này để khuyến khích mọi người đi trên những chuyến tàu của hãng. Việc làm này thể hiện việc có những doanh nhân đã biết khai thác yếu tố văn hóa để phục vụ kinh doanh.
PV: Văn hóa trong kinh doanh là một yếu tố tạo nên thành công của doanh nghiệp. Nói cụ thể hơn, kinh doanh có văn hóa đã được coi là một tiêu chuẩn cần thiết để doanh nhân đích thực tạo lập được thế đứng trên thị trường?
– Trong kinh doanh, nếu doanh nhân có suy nghĩ đầu tư cho văn hóa là sự xa xỉ thì dễ đi lệch hướng. Bởi khi đó, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh mà không quan tâm đến hình ảnh của chính mình thì đó là vết đứt của sự phát triển. Hình ảnh ở đây chính là VHDN, là thương hiệu của doanh nghiệp. Do vậy, việc kinh doanh có văn hóa sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đi được đường dài và lan tỏa được thương hiệu quốc gia ra thế giới.
Bản nhạc “Ánh trăng mùa thu” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn in quảng cáo Hãng nước mắm Vạn Vân
PV: Điểm yếu trong VHDN của nước ta hiện nay là gì?
– Điểm yếu trong VHDN của ta là thiếu sự phối hợp nhóm, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp. Hiện có không ít doanh nhân vẫn giữ thói quen làm ăn riêng lẻ, thiếu tính liên kết, chia sẻ cộng đồng. Điều này có thể dẫn tới hệ lụy xảy ra là sự lừa lọc, thất hứa với nhau. Giữ chữ tín là nét văn hóa rất cơ bản của doanh nhân để tạo ra sự thành công của một doanh nghiệp.
PV: Vì giá trị của thương hiệu cũng như giá trị văn hóa khó đo lường, nên có những chủ doanh nghiệp thường bỏ qua hoặc ràng buộc nhân viên của mình bằng các quy định, còn văn hóa doanh nghiệp cứ để tự phát dẫn đến doanh nghiệp đó thiếu hoặc không có bản sắc gì. Vậy theo ông, làm thế nào để xây dựng được một thương hiệu?
– VHDN góp phần làm nên thương hiệu. Thương hiệu nói cho cùng là chữ tín, là lòng tin. Mà doanh nghiệp không thể đợi đến lúc có tiền mới làm thương hiệu, cũng không nên chờ giàu mới quan tâm đến văn hóa và đạo đức kinh doanh. Doanh nghiệp có thể tạo dựng thương hiệu cho mình bằng việc giữ chữ tín từ những việc nhỏ nhất, đồng thời xây dựng thương hiệu qua việc tạo ra sự khác biệt đối với từng sản phẩm của mình.
Nhờ phát triển thương hiệu thủy tinh Thanh Đức đầu thế kỷ XX, doanh nhân Trịnh Đình Kính được mệnh danh là “Vua thủy tinh” Đông Dương
PV: Trong tiến trình hội nhập, VHDN luôn đóng vai trò quan trọng?
– Hội nhập là phải xác định được vị thế của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và ra thế giới.Sau hơn chục năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bây giờ chúng ta cần thay đổi tư duy thành “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Bởi xét trên khía cạnh văn hóa đời sống, hàng của ta sản xuất phải chinh phục dân ta trước, tại sao cứ nghĩ đến xuất khẩu trước tiên? Quy luật chung ở nhiều nước phát triển, việc đầu tiên của việc sản xuất hàng nội địa là chinh phục người tiêu dùng trong nước, mà Nhật Bản là ví dụ điển hình. Để làm tốt điều này, VHDN đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập.
Xin cảm ơn ông!.
– Nhà sử học Dương Trung Quốc: Theo tôi tiêu chuẩn VHDN thể hiện ở việc ứng xử của doanh nhân trong kinh doanh. Buôn bán là phải cạnh tranh, nhưng doanh nhân cần cạnh tranh trên những lợi ích chính đáng, làm cho hàng hóa chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn để thúc đẩy sự phát triển. Bên cạnh đó, việc kinh doanh cần đàng hoàng, tuân thủ đúng pháp luật, không chạy theo lợi ích cá nhân để dối trá, lừa đảo.
Quang Hiệp