Tin nổi bật

Văn hóa Kinh doanh – Nguồn lực của sự phát triển bền vững đất nước

2:23 sáng | 16/05/2022

(VHDN) – Phát triển kinh tế quốc gia đòi hỏi các nhà quản trị đất nước phải xác định, huy động và phát triển hiệu quả các nguồn lực kinh tế và xã hội. Trong đó các nguồn lực như tài chính, cơ sở vật chất, con người và tài nguyên đóng vai trò cơ bản không thể thiếu được trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để phát triển đất nước bền vững, cần phải phát triển cả nguồn lực mềm xã hội trong đó văn hoá xã hội và văn hoá kinh doanh là những giá trị cốt lõi.

Văn hóa minh họa các chuẩn mực và giá trị được chấp nhận và hành vi truyền thống của một nhóm hoặc ở cả cấp độ quốc gia. Một định nghĩa chung về văn hoá là “cách chúng ta làm và giải quyết công việc”. Tuy nhiên, văn hóa cũng phát triển theo thời gian. Nền văn hóa của mỗi quốc gia đều có những tín ngưỡng, giá trị và hoạt động riêng. Nói cách khác, văn hóa có thể được định nghĩa là một tập hợp các niềm tin, giá trị và thái độ toàn dân đang tồn tại và phát triển. Văn hóa là thành phần chủ yếu trong kinh doanh và có tác động đến định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Văn hóa ảnh hưởng đến quản lý, quyết định và tất cả các chức năng kinh doanh từ kế toán đến sản xuất. Văn hóa kinh doanh có khía cạnh độc đáo riêng, bao gồm các giá trị, tầm nhìn, phong cách làm việc, niềm tin và thói quen của tổ chức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe giới thiệu pho tượng Phật A Di Đà bằng đá (thời Lý), bảo vật quốc gia Việt Nam tại Di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích.

Văn hoá kinh doanh Việt Nam đã xuất hiện từ rất sớm. Qua các thời kỳ lịch sử, vượt lên những khắc nghiệt của điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá kinh doanh Việt Nam luôn thể hiện ở sự thông minh, sáng tạo, nhạy bén, thích ứng nhanh của các doanh nghiệp, doanh nhân người Việt. Công cuộc đổi mới khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội và là điều kiện quan trọng để văn hoá kinh doanh Việt Nam từng bước được khơi dậy, phát huy với đầy đủ sắc thái. Ngoài ra, tiến trình mở cửa và hội nhập, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong quá trình hợp tác và cạnh tranh đã từng bước nhận thức rõ mục đích kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà còn để tôn vinh Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt mang tầm quốc tế đã ý thức rõ mục đích xây dựng, phát triển thương hiệu không phải chỉ để tối đa hóa lợi nhuận, mà còn là cách bảo vệ, giữ gìn thể diện quốc gia, văn hóa của dân tộc trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, hiện nay nước ta việc xây dựng và phát huy nguồn lực Văn hóa kinh doanh còn nhiều hạn chế và “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước” như nhận định của Văn kiện Đại hội Đảng XIII. Trong một môi trường pháp lý đang hoàn thiện và phát triển của đất nước, một số nhà kinh doanh vì lợi nhuận đã bất chấp đạo lý, kỷ cương, phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống, xâm phạm những chuẩn mực kinh doanh truyền thống của dân tộc…mà cội nguồn cơ bản của nó là thuộc tính của con người “lòng tham không có giới hạn” như Nhà lý luận Đoàn Duy Thành đã đề cập trong tác phẩm “Xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHXN của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh” (Nhà XBQG Sự thật – tháng 12/2021).  Thực tế đó cho thấy văn hóa kinh doanh Việt Nam cần có chiến lược đặc thù của mình để Văn hóa kinh doanh và tham vọng của Doanh nhân thực sự trở thành nguồn lực thứ năm đóng góp năng lượng tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp gỡ các Nữ doanh nhân tiêu biểu (chương trình do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tổ chức).

Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao”. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, việc xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là đòi hỏi cần thiết và cấp bách. Theo thống kê, văn hóa “có thể chiếm 20-30% sự khác biệt trong hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh “không có văn hóa ”. Trước yêu cầu đó, quan điểm về xây dựng văn hóa kinh doanh của Đại hội XIII của Đảng, một lần nữa tạo định hướng chiến lược đưa văn hóa kinh doanh Việt Nam thực sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam. Nhưng điều gì tạo nên một nền văn hoá thành công? Để Nghị quyết và Văn kiện của Đảng đi vào thực tế đời sống kinh doanh trong hoàn cảnh của xã hội đang hướng tới một Nhà nước pháp quyền, theo các nhà nghiên cứu, một Chiến lược Văn hoá kinh doanh Việt Nam thành công cần được xây dựng có sáu thành phần cơ bản sau:

  1. Tầm nhìn: Một nền văn hóa tuyệt vời bắt đầu với một tầm nhìn hoặc tuyên bố sứ mệnh nhằm đặt ra mục đích và hướng dẫn các giá trị của doanh nghiệp. Đến lượt mình, mục đích đó lại định hướng cho mọi quyết định của nhân viên. Khi chúng được thể hiện một cách chân thực và nổi bật, những tuyên bố về tầm nhìn tốt thậm chí có thể giúp định hướng khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan khác. Tuyên bố về tầm nhìn là một yếu tố tưởng như đơn giản nhưng nó thực sự là nền tảng của văn hoá kinh doanh. Đặc biệt, trong một đất nước đang hướng tới một nhà nước pháp quyền và hoàn thiện cơ chế thị trường thì tầm nhìn của các doanh nghiệp nên chăng cần phải gắn với các vấn đề thượng tôn pháp luật, hiệu quả và đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, ở một đất nước pháp quyền non trẻ như Việt Nam, các nhà chức trách nên chăng không chỉ xây dựng các bộ luật mà cần phải xây dựng các công cụ chính sách hướng tới kết quả nhiều hơn. Ngoài ra , bên cạnh việc soạn thảo thì cần chú trọng đến công tác thực hiện, giám sát và thực thi luật pháp đảm bảo tối đa hóa tiềm năng cho các nhóm đối tượng kinh doanh nhằm hiện thực hoá các mục tiêu của chính sách và pháp luật.
  2. Giá trị: Giá trị của một doanh nghiệp là cốt lõi của văn hóa. Trong khi tầm nhìn nêu rõ mục đích của doanh nghiệp, bộ giá trị cung cấp một cẩm nang hướng dẫn về các hành vi và tư duy cần thiết để đạt được tầm nhìn đó. Một bộ giá trị được trình bày rõ ràng và được truyền đạt một cách cụ thể cho tất cả nhân viên có thể bao gồm cả cách mà công ty cam kết phục vụ khách hàng, đối xử với đối tác và duy trì các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Giá trị là một khái niệm rộng, thể hiện tinh thần và quan điểm cần thiết để đạt được tầm nhìn của công ty.
  3. Thực hành: Tất nhiên, bộ giá trị chỉ thực sự đóng vai trò quan trọng khi chúng được tôn trọng trong thực tiễn cuộc sống của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp tuyên bố rằng “con người là tài sản lớn nhất của chúng tôi”, thì cũng nên sẵn sàng đầu tư vào con người theo những cách hữu hình. Tương tự như vậy, nếu một doanh nghiệp coi trọng hệ thống phân cấp “phẳng” và dân chủ, thì tổ chức đó phải khuyến khích nhiều thành viên nhóm cấp dưới bất đồng quan điểm trong các cuộc thảo luận mà không sợ hãi hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực. Và chúng phải được củng cố trong các tiêu chí xem xét và chính sách thăng tiến, đồng thời đưa vào các nguyên tắc hoạt động hàng ngày trong doanh nghiệp. Thực hành là những phương pháp hữu hình, được hướng dẫn bởi biện pháp cụ thể, qua đó một doanh nghiệp thực hiện các giá trị của mình.
  4. Con người: Không một doanh nghiệp nào có thể xây dựng một nền văn hóa gắn kết mà không có những người chia sẻ các giá trị cốt lõi của nó hoặc sẵn sàng và có khả năng tiếp nhận những giá trị đó. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới cũng có một số chính sách tuyển dụng nghiêm ngặt nhất. Các doanh nghiệp tốt nhất cuồng tín về việc tuyển dụng những nhân viên mới không chỉ là những người tài năng nhất mà còn là những người phù hợp với văn hóa doanh nghiệp cụ thể. Mọi người gắn bó với nền văn hóa mà họ thích và việc mang về những “người mang văn hóa” phù hợp sẽ củng cố nền văn hóa và nâng cao văn hóa tổng thể mà một doanh nghiệp đã có.
  5. Xây dựng tấm gương cá nhân: Các nhà chiến lược văn hóa kinh doanh đều thống nhất cao về việc xây dựng những tấm gương cá nhân trong doanh nghiệp thông qua sức mạnh của sự tường thuật. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có một lịch sử độc đáo – một câu chuyện độc đáo. Và khả năng khai quật lịch sử đó, viết nó thành một câu chuyện kể là yếu tố cốt lõi của việc sáng tạo văn hóa. Các yếu tố của câu chuyện đó có thể là hoành tráng dựng thành phim trường hoặc đơn giản như những câu truyện truyền miệng… Nhưng chúng mạnh mẽ hơn khi được xác định, định hình và được kể lại như một phần của văn hóa liên tục của doanh nghiệp.
  6. Địa điểm: Tại sao một môi trường mở rộng có thể tạo ra môi trường cho các thành viên trong doanh nghiệp gặp nhau suốt cả ngày và tương tác theo những cách không chính thức, không có kế hoạch? Và tại sao các công ty công nghệ lại tập trung ở Thung lũng Silicon và các công ty tài chính lại tập trung ở London và New York? Rõ ràng là có rất nhiều câu trả lời cho các câu hỏi này, nhưng một câu trả lời rõ ràng là địa điểm định hình văn hóa. Kiến trúc mở có lợi hơn cho các hành vi văn phòng nhất định, chẳng hạn như cộng tác. Địa điểm – cho dù là địa lý, kiến ​​trúc hay thiết kế thẩm mỹ – đều tác động đến các giá trị và hành vi của mọi người tại nơi làm việc.

Đêm di sản văn hóa Việt (cổng Hiền Nhơn, Đại Nội Huế)

Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Trong quá trình đó, việc xây dựng và phát triển văn hoá kinh doanh Việt trên nền tảng của sáu thành phần cơ bản sẽ biến thuộc tính “lòng tham không có giới hạn” của con người thành những năng lượng tích cực và là nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững, trường tồn của đội ngũ doanh nhân và của cả dân tộc. Văn hoá kinh doanh nói riêng và văn hoá nói chung là nguồn lực thứ năm cùng với 4 nguồn lực: tài chính, sản phẩm vật chất, tài nguyên và con người – sẽ là năm cánh sao vàng đưa đất nước bay lên để hướng tới tầm nhìn của một đất nước pháp quyền và không có người nghèo khổ khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Ts Thái Công