Tin nổi bật

Văn nhân tuổi Mão

1:12 sáng | 13/01/2023

VHDN – Không phải ngẫu nhiên mà người xưa tạo ra 12 con giáp theo chu kỳ tuần hoàn tương ứng với 12 năm. Mỗi con giáp đều mang một đặc trưng, một ý nghĩa riêng. Theo dân gian thì người tuổi Mão thường điềm đạm, kín đáo, nhẹ nhàng, mềm dẻo và kiên nhẫn. Nhân dịp năm mới 2023, cùng điểm qua 04 gương mặt văn nhân tuổi Mão để xem ở họ có những điểm giống và khác nào so với quan niệm trên.

1. Nhà văn Lê Phương Liên (Sinh năm 1951 – Tân Mão)

Nhắc đến những nhà văn thành danh viết cho thiếu nhi, không thể không kể tới Lê Phương Liên. Bà gần như dành trọn thời gian, tâm huyết, tài năng để cống hiến cho thế hệ tương lai của đất nước, theo nhiều cách khác nhau. Ban đầu là giáo viên tại Trường cấp II Yên Sở, rồi tiếp đến là biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng cho đến lúc về hưu. Dù công tác trong lĩnh vực nào, bà vẫn duy trì ngọn lửa đam mê sáng tác âm thầm mà mãnh liệt. Và ở tuổi 72, bà sở hữu một gia văn chương đồ sộ với những cuốn sách làm thổn thức trái tim bạn đọc nhỏ tuổi cả nước: “Khúc hát hạnh phúc”, “Khi mùa xuân đến”, “Câu hỏi trẻ thơ”, “Én nhỏ”, “Những tia nắng đầu tiên”, “Hoa dại”… Với cốt truyện hấp dẫn, thú vị cùng văn phong dịu dàng, trong trẻo, mỗi tập sách giống như một hạt giống quý gieo vào tâm hồn trẻ thơ những bài học cuộc sống gần gũi, thiện lành, ấm áp. Sự đóng góp của bà cho văn học nước nhà nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng đã được ghi nhận bằng Huy chương Vì thế thế hệ Trẻ năm 1981, Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1997 và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Trải qua tấm màng lọc khắc nghiệt của thời gian, nhiều đầu sách của Lê Phương Liên vẫn giữ nguyên giá trị và được tái bản liên tục. Bẵng đi vài năm, bạn đọc dường như không thấy các tác phẩm mới của bà xuất hiện trên văn đàn thì năm 2021, bà khiến giới mộ điệu văn chương xôn xao khi công bố cuốn tiểu thuyết dã sử mang tựa đề đầy sức gợi “Nữ sĩ thời gió bụi” dày dặn 300 trang in, viết về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Đã quá quen thuộc với lối văn nhẹ nhàng, trong sáng của bà, độc giả không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp một Lê Phương Liên hoàn toàn khác, sắc sảo, thâm trầm, hoài cổ. Một nhà văn nữ viết về một nhà thơ nữ cách nhau ba thế kỷ hẳn có nhiều điều vừa lạ lẫm, lại vừa đồng cảm. Cuốn sách như bước ngoặt để thêm một lần nữa khẳng định sự đa dạng, linh hoạt và khát vọng làm mới mình trong ngòi bút của bà. Văn chương vốn dĩ không tồn tại lằn ranh giới về tuổi tác hay điểm dừng. Như ai đó từng nói: “Tác phẩm đỉnh cao còn ở phía trước”. Rất có thể, bà đang viết một cuốn sách mới và hứa hẹn tạo ra những bất ngờ mới?

2. Nhà thơ Hữu Việt (Sinh năm 1963 – Quý Mão)

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn chương khi có bố là nhà văn nổi tiếng Hữu Mai, có lẽ, ngay từ những ngày đầu cầm bút, nhà thơ Hữu Việt đã luôn ý thức được rằng “Còn quyết định đi theo nghiệp chữ/ Đừng bằng lòng làm người trung bình, buồn lắm nhé, con”. Hữu Việt “Nói với con ngày tốt nghiệp” mà cũng đang tự nhắc chính mình. Hơn 30 năm cầm bút, ông chỉ mới in riêng vỏn vẹn 3 tập thơ “Phố lạc tiên”, “Đếm mùa” và “Mắt bò”. Bên cạnh đó, ông còn dịch tập thơ “Khúc hát trái tim” (Mattie J.T.Stepanek) và đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007. Qua đây cho thấy, nhà thơ gốc Nam Định đã chọn cho mình lối đi “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nghiêm cẩn, chỉn chu, tinh luyện. Bởi vậy mà thơ ông rất tối giản, kiệm lời, trau chuốt, vừa chứa đầy hoài niệm, vừa giàu sự suy nghiệm: Tôi đã thấy/ trên đồng dưới sông bờ đê ngõ nhỏ/ bò đen bò vàng bò kéo cày bò nhai cỏ/ Sao chỉ nhớ/ Cái con bò kiên nhẫn nhai mưa-quá-khứ/ Im lặng nhìn tôi/ Như một lỗi lầm, như một cách xa…” (Mắt bò).

Hiện nay, nhà thơ Hữu Việt là Trưởng Ban Văn hóa – Văn nghệ báo Nhân dân kiêm Trưởng Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà Văn Việt Nam. Không những khéo léo cân bằng công việc chuyên môn và hoạt động sáng tác của bản thân, ông còn luôn tích cực, nhiệt huyết trong việc phát hiện, dẫn dắt và bồi dưỡng các tác giả trẻ, tạo môi trường thuận lợi để họ được hòa chung vào “bầu khí quyển văn chương” năng động, sáng tạo, mới mẻ. Đặc biệt là tham mưu Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Dường như, trong Hữu Việt luôn tồn tại cùng lúc một con người của công việc và một con người của thơ. Có lúc, hai điều ấy tách biệt rõ ràng, lại có khi quyện hòa chặt chẽ. Ngoài đời, ông hóm hỉnh, hoạt bát bao nhiêu thì trong thơ ông sâu lắng, triết lý bấy nhiêu. Một số thi phẩm của ông đã trở thành “gối đầu giường” cho thế hệ trẻ, chẳng hạn như bài “Gọi” với những câu thơ bùi ngùi, thiết tha, khắc khoải: “Có một người say/ Một người mắt ướt/ Có một lỡ bước/ Gọi là đến sau”

3. Nhà văn Võ Diệu Thanh (Sinh năm 1975 – Ất Mão)

Ngay từ khi còn là nữ sinh Trung học phổ thông, nhà văn Võ Diệu Thanh đã thể hiện được năng khiếu văn chương vượt trội qua việc giành ngôi vị quán quân của giải thưởng Văn chương Thủ Khoa Nghĩa do Hội Văn học – Nghệ thuật kết hợp Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tổ chức năm 1994. Hơn 15 năm sau, chị tiếp tục ghi tên mình vào giải Nhì giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ IV – năm 2010. Có lẽ, Giải thưởng này đóng vai trò như một “cú hích” đưa chị dấn thân sâu hơn, quyết liệt hơn vào sự nghiệp văn chương. Chị viết đều tay từ truyện ngắn, truyện thiếu nhi, ký sự, tản văn, biên khảo cho đến tiểu thuyết. Các tập sách “Cô gái ngỗ ngược”, “Gạt nước mắt đi”, “Viên đạn về trời”, “Lần đầu thấy trăng”, “Siêu nhân Cua”, “Tiền của thần cây”, “Về từ hành tinh ký ức”, “Muôn dặm sầu giăng”… là minh chứng rõ nét cho điều đó. Không rộn ràng về truyền thông, chị viết lặng lẽ, công bố lặng lẽ và luôn thể hiện sự ổn định phong độ của một cây bút điềm đạm, có vốn kiến văn sâu rộng về lịch sử, địa lý, văn hóa nơi chôn nhau cắt rốn của chị.

Sức hấp dẫn trong các tác phẩm của Võ Diệu Thanh là không khí truyện đậm đặc hơi thở sông nước miền Tây Nam bộ. Những phận người liu điu, những mối tình dang dở, những vấn đề nhức nhối tính thời sự… đều được chị đưa lên trang viết đầy day dứt, ưu tư, trăn trở và đôi khi chạm đến tận cùng của cô độc, đớn đau. Chị viết như trút cả nỗi lòng vào câu chữ, khóc cùng bi kịch của nhân vật. Để rồi, nhiều truyện ngắn của chị khiến người đọc cũng không thể cầm nổi nước mắt. Đặc biệt, điều tạo nên sức nặng cho sự nghiệp văn chương Võ Diệu Thanh là những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh mà tiểu thuyết “Viên đạn về trời” là một dấu ấn đậm nét được giới chuyên môn đánh giá cao. Bàn về cuốn sách này, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cảm nhận: “Người đọc có lúc sẽ thấy ngột ngạt như chính cuộc vùng thoát của nhân vật, nhưng cuối cùng, đã có những lựa chọn thật sự là con đường giải thoát cho tất cả hỗn mang đời người”. Có bình yên nào mà không cần đánh đổi? Có lựa chọn nào không mất mát, tổn thương.

4. Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang (Sinh năm 1987 – Đinh Mão)

Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang được nhận định là một trong những cây bút sung sức nhất trong làng văn trẻ hiện nay với 14 đầu sách đã được xuất bản. Tiêu biểu phải kể đến các tập truyện ngắn: “Giặc bên ngô”, “Đô thị ảo”, “Nơi không có hoa đào”, “Hái trăng trên đỉnh núi”… Từ thời còn là sinh viên khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình văn học của trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho đến bây giờ, truyện ngắn của chị hằng tuần vẫn đã xuất hiện dày đặc trên các tờ báo uy tín như: Văn nghệ, Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên… Sự nỗ lực bền bỉ đã giúp chị gặt hái nhiều giải thưởng văn chương quan trọng đưa chị đến gần hơn với độc giả như: Giải Nhất truyện ngắn Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, Giải Ba thơ tạp chí Nhà văn và tác phẩm, Giải thưởng truyện ngắn Quỹ nhà văn Lê Lựu… Sinh ra và lớn lên tại Thanh Ba, Phú Thọ, “chất” trung du và miền núi Bắc bộ đã thấm đẫm trong tâm hồn chị thật mộc mạc mà đậm đà, da diết. Để rồi, trong các tác phẩm của chị luôn thấp thoáng hình ảnh vùng quê yên bình mang nét đặc trưng thân thuộc của những dòng sông, cánh đồng, đồi chè, rừng cọ… Ở đó, con người hiện lên với những sự chất phác, thật thà và giàu lòng nhân ái.

Càng viết, văn chị càng đượm, đề tài càng rộng, góc nhìn càng sâu. Không chỉ bó hẹp trong đề tài mảnh đất quê hương, nhà văn Vũ Thị Huyền Trang mở rộng ngòi bút khám phá những phận người bé nhỏ, mỏi mòn trong từng góc khuất tù mù, ẩm thấp, ẩn đằng sau dáng vẻ phồn hoa phố thị. Đọc Vũ Thị Huyền Trang, hiếm khi bắt gặp những cốt truyện dữ dội. Nhưng với biệt tài phân tích nội tâm nhân vật, đa phần truyện ngắn của chị đều để lại nhiều ngậm ngùi, ám ảnh, dư ba hoặc đôi lúc khiến chúng ta giật mình nhận ra một phần ký ức chập chờn quên – nhớ. Đó là những người đàn bà thôn quê đắn đo bán đi mái tóc mình để trang trải cho cuộc sống mưu sinh nghèo khó trong “Chợ tóc”. Hay trong “Bốc thăm trúng thưởng” là cặp vợ chồng nghèo sống tạm bợ tại một khu trọ tồi tàn nhưng vẫn luôn động viên nhau vui vẻ, lạc quan… Các nhân vật của chị, dù gặp phải hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, éo le ra sao cũng luôn hướng về phía niềm tin, cũng chính là thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn mà Vũ Thị Huyền Trang đau đáu gửi gắm trong mỗi tác phẩm.

Văn chương vốn dĩ không tồn tại công thức. Tự thân mỗi người viết đã là một ẩn số. Bốn văn nhân tuổi Mão thuộc bốn thế hệ, bốn màu sắc văn phong, bốn hướng đi khác nhau. Nhưng điểm chung giữa họ là sự nghiêm túc, nỗ lực trên hành trình sáng tác nhiều trầm luân, khổ hạnh. Độc giả có quyền hi vọng năm 2023 này, họ sẽ tiếp tục cống hiến những tác phẩm hay hơn, ấn tượng hơn, đặc sắc hơn.

                                                                                                           – Tôn Nữ Khả Di –