Tin nổi bật

Cuộc thi phóng sự, ký sự báo chí “CÂU CHUYỆN VĂN HÓA DOANH NHÂN”

3:19 sáng | 11/01/2023

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/9/2011 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 “Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh” được Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó nhấn mạnh: Đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh là cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngày 19/5/2022, VCCI đã công bố 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Tiếp đến, ngày 11/10/2022, VCCI phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. Đây là hội thảo khoa học đầu tiên chuyên đề về đạo đức doanh nhân trong bối cảnh mới. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện cộng đồng doanh nhân trong nước, quốc tế tham dự hội thảo. Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2022, VCCI đã tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022” cho 60 doanh nhân. Đây là năm đầu tiên VCCI xét tặng danh hiệu này dựa trên 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.

Cuộc thi phóng sự, ký sự báo chí “Câu chuyện văn hóa doanh nhân” do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng, phát động và tổ chức, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ về xây dựng đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh. Cuộc thi là nơi để các thế hệ doanh nhân trong cả nước chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của mình, qua đó toát lên được đạo đức của doanh nhân và văn hóa trong kinh doanh.

Cuộc thi sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng và lan tỏa hệ giá trị đạo đức doanh nhân của lớp doanh nhân Việt Nam trong quá trình hội nhập. Củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam: Thông qua các câu chuyện có thực, động viên và biểu dương doanh nhân có hành động đẹp trong sản xuất, kinh doanh, truyền cảm hứng cho xã hội. Góp phần lan toả giá trị tốt đẹp và truyền thông rõ ràng về một thế hệ doanh nhân mới có bản lĩnh, trí tuệ, có đạo đức và tri thức hội nhập toàn cầu.

Cuộc thi phóng sự, ký sự báo chí “Câu chuyện văn hóa Doanh nhân” (sau đây gọi tắt là cuộc thi) là cuộc thi thường niên do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tổ chức. Cụ thể như sau:

  1. THỂ LỆ CUỘC THI
  2. Đối tượng, số lượng tác phẩm dự thi

1.1. Đối tượng dự thi

– Các văn nghệ sĩ, doanh nhân, người lao động, cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong các doanh nghiệp làm việc và sinh sống trong và ngoài nước (thành viên Ban giám khảo, cán bộ, nhân viên đơn vị tổ chức không được tham gia cuộc thi).

1.2. Số lượng tác phẩm dự thi

– Mỗi tác giả được gửi dự thi không quá 5 tác phẩm.

  1. Cách thức dự thi

– Tác phẩm dự thi thể hiện dưới dạng bài viết ký sự, ký chân dung, kể câu chuyện… dung lượng không quá 2.000 chữ, kèm hình ảnh, tư liệu liên quan đến nội dung (nhân vật, câu chuyện, vấn đề…) mà bài dự thi đề cập.

– Các doanh nhân có thể tự viết gửi dự thi hoặc nhờ sự hỗ trợ của các văn nghệ sỹ, chuyên gia có chuyên môn chắp bút kể ra câu chuyện hoàn thành tác phẩm gửi dự thi (trong trường hợp này, doanh nhân tự thỏa thuận với người chắp bút về các vấn đề liên quan đến tác phẩm dự thi. Ban tổ chức (BTC) không chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm khi có tranh chấp).

  1. Nội dung tác phẩm dự thi

Câu chuyện viết về những khoảnh khắc ấn tượng có thật, có ý nghĩa sâu sắc xúc động chạm tới tâm hồn người đọc, tác động lên tư tưởng của doanh nhân. Đó có thể là sự cảm kích về hành động giúp đỡ chân thành của gia đình, bạn bè; sự đoàn kết – tin tưởng – giúp nhau cùng phát triển bền vững của đối tác; là bài học sau những lần thất bại; là những tấm gương về doanh nhân tuân thủ pháp luật; là những hành động đẹp và nhân văn của doanh nghiệp khi vượt lên khó khăn trong bối cảnh đối mặt với đại dịch Covid-19 để chăm lo tốt đời sống cán bộ, nhân viên, giúp đỡ đối tác cùng đứng vững và cống hiến cho xã hội…

Nội cuộc thi xoay quanh 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam mà VCCI đã công bố gồm:

+ Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội: Câu chuyện về doanh nhân phải tư duy và hành động để tạo ra các giá trị kinh tế đích thực cho xã hội; phải làm ra sản phẩm tốt, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội. Tuyệt đối không được làm ra hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ gây hại cho người tiêu dùng và xã hội. Doanh nhân phải góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

+ Tuân thủ pháp luật: Là câu chuyện xúc động của những doanh nhân làm giàu chân chính, tuân thủ pháp luật… góp phần nâng cao nhận thức của doanh nhân và toàn xã hội trong việc xây dựng và tạo nên hệ giá trị đạo đức doanh nhân chân chính trong kinh doanh.

+ Minh bạch, công bằng, liêm chính: Là câu chuyện về những doanh nhân có tư duy, nhận thức và thực hành việc điều hành, quản trị doanh nghiệp một cách minh bạch; có ý thức quan tâm, đối xử công bằng với người lao động, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư. Bên cạnh đó là đức tính trung thực, chính trực trong hành vi, giữ chữ tín, thực hiện cam kết; không quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng và các đối tác liên quan.

+ Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển: Câu chuyện xúc động về doanh nhân có thành tích trong lao động sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển. Thể hiện tinh thần học hỏi lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh, cùng nhau xây dựng và duy trì các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác; tích cực tham gia các mạng lưới liên kết, hiệp hội, ngành/vùng để cùng nhau phát triển.

+ Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường: Là câu chuyện về doanh nhân có ý thức kiểm soát, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp có tác động đến môi trường tự nhiên; thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, tiết kiệm tài nguyên; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân viên, cộng đồng.

+ Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình: Đó là câu chuyện của những doanh nhân có lòng tự tôn dân tộc, có ý thức nâng cao và bảo vên lợi ích đất nước trong kinh doanh. Bên cạnh việc làm giàu cho cá nhân, doanh nghiệp thì còn phải có trách nhiệm với xã hội; Là chân dung những doanh nhân có trách nhiệm với gia đình, chăm lo, giáo dục con cái thành những công dân tốt, có ích cho xã hội hoặc những doanh nhân cha truyền con nối, xây dựng được “gia tộc doanh nhân bền vững”.

  1. Tổ chức chấm giải và công bố giải thưởng

– Vòng sơ khảo: Trung tâm Văn hóa Doanh nhân thành lập Ban Thư ký tiếp nhận tác phẩm dự thi. Căn cứ vào số lượng, chất lượng tác phẩm dự thi, Ban Thư ký tiến hành sơ loại, lựa chọn những tác phẩm chất lượng nhất để tổng hợp thành báo cáo, lập danh sách báo cáo cùng tác phẩm dự thi gửi về Ban giám khảo để chấm giải.

– Vòng chung khảo: Dựa trên các tác phẩm mà Ban Thư ký báo cáo và trình lên, các thành viên Ban giám khảo sẽ chấm điểm và quyết định xếp loại giải thưởng.

– Gala trao giải: Diễn ra trong tháng 10/2023.

  1. Cơ cấu giải thưởng và giá trị giải thưởng:

5.1. Cơ cấu giải cho tác giả có tác phẩm dự thi:

– Gồm 3 nhóm giải thưởng: Giải thưởng gồm chứng nhận đoạt giải của Ban tổ chức và tiền mặt trị giá như sau:

+ Giải thưởng cho tác phẩm chủ đề: Doanh nhân tiêu biểu tuân thủ pháp luật:

Giải Nhất: 01 giải, trị giá 20.000.000 đ (Hai mươi triệu đồng).

Giải Nhì: 02 giải, mỗi giải trị giá 15.000.000 đ (Mười lăm triệu đồng).

Giải Ba: 03 giải, mỗi giải trị giá 10.000.000 đ (Mười triệu đồng).

+ Giải thưởng cho tác phẩm có chủ đề: Doanh nhân tiêu biểu sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển:

Giải Nhất: 01 giải, trị giá 20.000.000 đ (Hai mươi triệu đồng).

Giải Nhì: 02 giải, mỗi giải trị giá 15.000.000 đ (Mười lăm triệu đồng).

Giải Ba: 03 giải, mỗi giải trị giá 10.000.000 đ (Mười triệu đồng).

+ Giải thưởng cho tác phẩm có chủ đề: Doanh nhân tiêu biểu yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình:

Giải Nhất: 01 giải, trị giá 20.000.000 đ (Hai mươi triệu đồng).

Giải Nhì: 02 giải, mỗi giải trị giá 15.000.000 đ (Mười lăm triệu đồng).

Giải Ba: 03 giải, mỗi giải trị giá 10.000.000 đ (Mười triệu đồng).

+ 01 Giải đặc biệt trị giá 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng) do Ban giám khảo quyết định, tặng cho doanh nhân tiêu biểu có đầy đủ các tiêu chí của các nhóm giải thưởng trên (giải này có thể có, có thể không).

– Tổng số tiền cho 3 nhóm giải thưởng là: 265.000.000đ (Hai trăm sáu mươi lăm triệu đồng).

5.2. Tôn vinh DOANH NHÂN TRUYỀN CẢM HỨNG trong tác phẩm đoạt giải

– Căn cứ vào số lượng tác phẩm đoạt giải để tôn vinh doanh nhân tiêu biểu là nhân vật trong các tác phẩm.

  1. Cách thức gửi bài dự thi

Tác phẩm dự thi gửi về BTC theo hai hình thức sau: 

– Gửi bằng đường bưu điện theo địa chỉ: Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, Nhà I, Ngõ 319, đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội;

– Email: cauchuyendoanhnhan.vcci@gmail.com;

– ĐT: 024.66883251/ Ms. Hoài: 0904.822.348.

  1. Thời hạn gửi bài dự thi, công bố giải thưởng

– Thời gian nhân bài dự thi và thời gian kết thúc: BTC nhận tác phẩm từ khi chương trình công bố đến hết ngày 30/8/2023 (theo thời gian hiển thị trên Email hoặc dấu bưu điện).

– Ban giám khảo chấm và quyết định tác phẩm đoạt giải trong tháng 9/2023.

– Gala công bố, trao giải tổ chức trong tháng 10/2023.

  1. Quy định chung

– Các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi sẽ được BTC tích hợp trên Thư viện “Câu chuyện văn hóa doanh nhân”, tạo thành “kho” dữ liệu điện tử phục vụ nhu cầu truy cập và tham khảo cho các doanh nhân, doanh nghiệp tìm hiểu về những tấm gương truyền cảm hứng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn có các quyền hạn sau:

+ Biên tập, xử lý thông tin tác phẩm (vẫn đảm bảo được nội dung tác phẩm, quy chuẩn của BTC và quy định của luật Báo chí) phục vụ cho các hoạt động như: Quảng bá, triển lãm, quảng cáo, xuất bản sách, làm phim ngắn… và đăng tải trên các kênh truyền thông của VCCI. Tác giả có bài được đăng hưởng nhuận bút theo quy định.

+ Làm tài liệu cho các chương trình đào tạo doanh nhân, doanh nghiệp do VCCI và Trung tâm VHDN tổ chức mà không phải xin phép hay trả bất kể khoản nhuận bút nào.

– Tác giả dự thi cam kết chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, hình ảnh gửi dự thi; Đảm bảo không có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại nào liên quan đến những thông tin, hình ảnh dự thi của mình. BTC có quyền thu hồi giải thưởng và công bố trước các phương tiện truyền thông nếu phát hiện các tác phẩm đoạt giải vi phạm những điều trên.

– Người đoạt giải chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật tại thời điểm nhận giải.

– Ban tổ chức chỉ giải quyết mọi trường hợp khiếu nại về kết quả cuộc thi trong vòng 7 ngày từ ngày công bố kết quả. Quyết định của BTC là quyết định cuối cùng.

  1. TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN
  2. Cơ quan chỉ đạo và ký tặng chứng nhận giải thưởng và tôn vinh doanh nhân: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  3. Cơ quan tổ chức: Trung tâm Văn hoá Doanh nhân.

BTC Trân trọng thông báo!