Tin nổi bật

Việt Nam luôn lắng nghe, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro

2:51 sáng | 22/09/2021

Trong buổi làm việc với Đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Christopher Klein, Đại biện Đại sứ quán Hoa Kỳ và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Buổi làm việc còn có sự tham gia của một số nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ theo hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tái khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Trong không khí chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhắc lại chuyến thăm Việt Nam mới đây của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã hỗ trợ vaccine và trang thiết bị y tế cho Việt Nam để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nước ngoài, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thủ tướng khẳng định, đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ban hành ngay nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; đồng thời nghiên cứu xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh trên tinh thần “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành tiếp tục lắng nghe, giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đại diện của một số doanh nghiệp Hoa Kỳ đã báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tình hình hoạt động tại Việt Nam, đồng thời nêu một số khó khăn, bất cập và đề xuất liên quan đến việc duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, tổ chức sản xuất, cấp phép làm việc và di chuyển nội địa cho các chuyên gia, tiếp cận nguồn vaccine, thủ tục hành chính, thuế và phí… Các doanh nghiệp đều đánh giá cao chiến lược, biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sản xuất, lưu thông an toàn của Chính phủ Việt Nam thời gian qua là đúng hướng; tuy nhiên mong việc tổ chức thực hiện tại các địa phương cần hiệu quả, thông suốt và kịp thời hơn.

Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã cơ bản giải đáp những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; trong đó có nhiều vấn đề đã và đang được phía Việt Nam tích cực giải quyết. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành tiếp tục lắng nghe, giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài nói riêng và cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung trong giai đoạn khó khăn hiện nay để không làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động.

Ông Christopher Klein, Đại biện Đại sứ quán Hoa Kỳ phát biểu tại buổi tiếp.

Trước đề xuất của một số doanh nghiệp về vaccine, Thủ tướng nhấn mạnh sớm tiêm vaccine cho người lao động là chủ trương chung của Chính phủ và Việt Nam đang quyết liệt thực hiện chiến lược vaccine, theo đó, sẽ điều tiết lượng vaccine phù hợp với khả năng cho chuyên gia và công nhân của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thủ tướng cho rằng, đại dịch COVID-19 là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, đòi hỏi các bên đoàn kết, chia sẻ, thông cảm lẫn nhau, chung tay ứng phó trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Thủ tướng mong muốn Đại biện và các doanh nghiệp Hoa Kỳ có tiếng nói với Chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác khác để tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng mọi hình thức phù hợp, nhất là trong thực hiện chiến lược vaccine trước tình hình khan hiếm vaccine trên thế giới.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe, có trách nhiệm cao với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép; những gì đã làm được phải làm tốt hơn. Thủ tướng cho biết, các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, khi thực hiện có những địa phương đã đưa ra một số quy định chưa phù hợp. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục có các chỉ đạo để điều chỉnh; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt trên toàn quốc theo tinh thần chỉ kiểm tra xe chở hàng tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch, các địa phương không ban hành, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải đáp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp tại buổi tiếp.

Thủ tướng cũng đề nghị Đại biện và các doanh nghiệp Hoa Kỳ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo phúc lợi xã hội cho công nhân; tiếp tục góp ý chân thành, thẳng thắn với phía Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có cơ hội hợp tác đầu tư vào Hoa Kỳ.

Đại biện và các doanh nghiệp Hoa Kỳ cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy, phát triển hơn nữa hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hiểu biết và cùng có lợi. Đại biện Hoa Kỳ Christopher Klein tin tưởng với nỗ lực và sự đồng lòng, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó quan hệ kinh tế – thương mại đầu tư sẽ tốt đẹp và hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước.

                                                                                           VHDN