Tin nổi bật

Việt Nam nâng cao chất lượng gạo sau thu hoạch bằng công nghệ mới chuẩn Châu âu

4:54 sáng | 21/05/2022

Ngày 19/5 tại TP Vĩnh Long đã diễn ra hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả sau thu hoạch lúa gạo”, thu hút hơn 50 công ty sản xuất chế biến gạo hàng đầu Việt Nam đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến tham dự nhằm trao đổi các giải pháp công nghệ mới để nâng cao chất lượng gạo Việt Nam sau thu hoạch từ những đơn vị cung cấp công nghệ hàng đầu thế giới như Tập đoàn SKIOLD (Đan Mạch), Lachemeier Monsun (Đan Mạch), AGI International (Canada) và FrigorTec (Đức).

Tại Hội thảo Tập đoàn SKIOLD đã đề ra giải pháp quy trình khép kín và tự động. Theo đó, một quy trình sau thu hoạch khép kín và tự động hoàn toàn đã được thiết lập, bắt đầu từ hệ thống nhập liệu hiệu quả về chi phí có công suất hút lúa từ 50-100 tấn/giờ/dây chuyền, giúp nhà máy có thể nhập được lúa từ người nông dân nhanh nhất có thể, đáp ứng thời điểm “vàng” sau thu hoạch.

Cũng tại Hội thảo Công ty Lachenmeier Monsun đã trao đổi thêm giải pháp mới về công nghệ sấy, điểm nhấn của giải pháp nằm ở “trộn dòng liên tục”, khi khí nóng và lạnh sẽ được trộn liên tục trong quá trình sấy, giúp hạt lúa được sấy một cách tự nhiên, đa chiều, giảm sự cưỡng bức nhiệt dẫn đến rạn nứt lõi hạt gạo, có thể giảm tỷ lệ gãy vỡ của hạt gạo, tăng tỷ lệ thu hồi gạo nguyên và đảm bảo độ ẩm đồng đều cho hạt lúa.

 Khi quá trình sấy hoàn tất, lúa sẽ được trữ trong hệ thống silo mạ kẽm được thiết kế và sản xuất bởi AGI International, đơn vị hàng đầu thế giới về cung cấp giải pháp bin chứa và silo chứa. Hạt lúa chứa trong silo sẽ được kiểm soát trong thời gian thực về nhiệt độ, ẩm độ và nồng độ CO2 thông qua hệ thống cảm biến đặt trong silo, nhờ đó giữ được màu sắc, mùi vị và hình dạng gần nhất với lúa sau khi thu hoạch. Lúa sẽ được giữ trong thời gian dài trong silo trong điều kiện bảo quản tốt nhất.

Một điểm độc đáo của giải pháp được giới thiệu chính là công nghệ làm mát ngũ cốc Granifrigor. Thiết bị bảo quản lạnh này sẽ giúp chống việc hao hụt khối lượng do quá trình hô hấp của hạt lúa, tổn hại do côn trùng và các loại nấm phát sinh trong quá trình bảo quản, dẫn đến sản sinh độc tố mycotoxin trong ngũ cốc.

Toàn bộ quy trình xử lý sau thu hoạch hoàn toàn được triển khai tự động với hệ thống điều khiển ghi nhận tất cả các thông số đầu vào, đầu ra, tồn kho,…và trích xuất các báo cáo vận hành của nhà máy tới người quản trị. Hệ thống điều khiển tự động cũng giúp truy xuất nguồn gốc, khiến cho các đơn vị chế biến lúa gạo có thể đảm bảo chất lượng gạo đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cao nhất khi xuất khẩu

 Với mong muốn đưa kinh nghiệm xử lý ngũ cốc nhiều thập kỷ qua tại Châu Âu để giải quyết những thách thức trong xử lý lúa gạo tại Việt Nam, Tập đoàn SKIOLD cùng các chuyên gia xử lý ngũ cốc hàng đầu Châu Âu đến từ AGI, FrigorTec và Lachenmeier Monsun trong thời gian qua đã làm việc với các đối tác tại Việt Nam để giới thiệu một giải pháp tổng thể có thể xử lý hàng trăm tấn lúa gạo, giảm thất thoát và nâng cao chất lượng của gạo sau xử lý. Giải pháp bao gồm việc trữ lúa trong các silo, sử dụng công nghệ sấy thế hệ mới cũng như các hệ thống công nghệ hiện đại và tự động khi nhập liệu, chuyển liệu và điều khiển. Tại Việt Nam, giải pháp này đã được lần đầu tiên giới thiệu tại dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long, với công suất trữ trong silo đạt 240.000 tấn lúa và công suất sấy 4.000 tấn/ngày.