Tin nổi bật

Vĩnh Long: Đồng bộ chính sách vĩ mô, duy trì ổn định kinh tế

9:02 sáng | 09/04/2020

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời trao đổi với Tạp chí VHDN về nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội Vĩnh Long năm 2020. Minh Kiệt thực hiện.

  Ông Lữ Quang Ngời (bên phải) chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh LOng 

Xin Ông cho biết những nhiệm vụ trong tâm của Vĩnh Long trong công tác phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2020?

Năm 2020 là năm cuối trong nhiệm kỳ 2015-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Vĩnh Long sẽ tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế, đảm bảo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đề hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống người dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường công tác cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu quả, liêm chính; nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, Vĩnh Long sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp nào, thưa ông?

Ngay trong năm 2020, chúng tôi sẽ thực hiện 08 nhóm giải pháp liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội.

Một là, thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô và duy trì ổn định kinh tế. Theo đó, Vĩnh Long đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6,2% năm 2020, ưu tiên vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng nông thôn mới và phát triển khởi nghiệp; tái cơ cấu ngân sách nhà nước; ưu tiên nguồn lực hoàn thành các đề án giai đoạn 2016-2020 cùng các đề án mới.

Hai là, cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Cụ thể là hoàn thiện hoặc xây dựng mới các cơ chế, chính sách để thực hiện 03 đột phá theo quy hoạch của Thủ tướng chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, chủ động công tác hỗ trợ doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng tầm xúc tiến đầu tư.

Ba là, thúc đẩy tăng trưởng các ngành và lĩnh vực. Tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp (thuỷ sản-cây ăn quả-lúa) gắn với tiểu vùng sinh thái, khuyến thích đầu tư vào nông nghiệp theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững; thực hiện hiệu quả chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ; tái cơ cấu ngành công thương, phát triển công nghiệp chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ; hoàn thiện và xây dựng mới kết cấu hạ tầng; tăng cường kết nối giao thương phát triển thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; phát triển ngành dịch vụ có lợi thế, đặc biệt là du lịch.

Bốn là, phát triển kinh tế đi đôi với các lĩnh vực khác như văn hoá, an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Năm là, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Vĩnh Long sẽ kiểm soát chặt vấn đề môi trường tại các KCN, làng nghề, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sáu là, xây dựng chính quyền điện tử, tinh gọn bộ máy tổ chức; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

By là, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường ổn định để phát triển kinh tế – xã hội.

Tám là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thông qua hợp tác với các tỉnh ngoài nước theo chương trình đã ký kết, đổi mới giáo dục đào tạo, chuyển đổi mô hình sản xuất…

Xin ông cho biết thêm về kết quả công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-thương mại-dịch vụ của Vĩnh Long?

Trong thời gian qua, chúng tôi đã tập trung tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Kết quả của những nỗ lực này là rất tích cực.

Cụ thể, cơ cấu kinh tế của Vĩnh Long đã chuyển dịch theo hướng nhanh và hiện đại, tạo môi trường thuận lợi cho công tác thu hút nguồn lực tiến tới phát triển bền vững. Cơ cấu kinh tế Vĩnh Long đã chuyển từ nông-lâm-thuỷ sản sang công nghiệp-dịch vụ. Cuối năm 2018, tỷ trọng nông-lâm thuỷ sản giảm xuống còn 32,35% trên tổng GRDP, ngành dịch vụ chiếm đến 46,22%.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã hình thành một số ngành cùng các vùng kinh tế mới làm động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu. Một số ngành kinh tế mới có dư địa phát triển tốt được hình thành như mô hình khoai lang, bưởi, cam sành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó là một số vùng kinh tế mới được hình thành tại Huyện Long Hồ, thị xã Bình Minh…

Một kết quả khác là vốn đầu tư toàn xã hội đã từng bước chuyển dịch và phát huy hiệu quả, đóng góp chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2019 ước đạt 56.068 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 6,8%/năm. Trong đó, khu vực nhà nước chiếm 22,22%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước 71,82% và khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) là 5,96%. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bước phát triển khá nhanh và ổn định. Mặc dù số lượng doanh nghiệp FDI trên địa bàn ít nhưng tốc độ tăng vốn đạt mức khá so với các thành phần kinh tế khác. Giai đoạn 2011 – 2018, tốc độ tăng vốn của thành phần FDI đạt trung bình 12,2%/năm, trong khi tốc độ tăng vốn đầu tư của thành phần kinh tế Nhà nước chỉ là 6,3%/năm; thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tăng 7,0%/năm.

PV