Tin nổi bật

Vĩnh Long: Thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm

1:37 sáng | 30/06/2018

Trong thời gian tới, Vĩnh Long tiếp tục thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, hướng đến phát triển bền vững, Tạp chí Văn hoá Doanh nhân có cuộc trao đổi với Ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long về ưu tiên phát triển công nghiệp của tỉnh.

 

Vĩnh Long có những hoạt động cụ thể nào nhằm nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp, đặc biệt là khâu phát triển thị trường và hệ thống phân phối sản phẩm công nghiệp?

Trong phát triển công nghiệp, vấn đề phát triển thị trường và hệ thống phân phối sản phẩm là yếu tố sống còn. Hiện công tác kết nối sản xuất, cung cầu giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các địa phương khác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Sản phẩm của tỉnh rất đa dạng nhưng chưa thâm nhập thành công vào mạng lưới phân phối hiện đại nói chung và các thành phố lớn nói riêng.

Tỉnh uỷ Vĩnh Long đã ban hành chương trình hành động số 08-CTr/TU về thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch thực hiện chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngành công thương đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức hoạt động kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các địa phương khác như TPHCM, Đà Nẳng, Cần Thơ, An Giang, Lào Cai… Trong năm 2017, ngành đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức Hội chợ, các phiên chợ để đưa hàng Việt về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hoạt động này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ, nâng cao quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, tạo lòng tin cho người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức thành công “Hội chợ triển lãm thương mại – công nghiệp Vĩnh Long 2017”; 03 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện; 01 cuộc kết nối cung cầu hàng hóa tại tỉnh Vĩnh Long, với sự tham gia của 22 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX và trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giúp kết nối doanh nghiệp tại tỉnh với các nhà phân phối lớn tại Tp. Hồ Chí Minh như Satra), Vissan, Satrafood, ATP, chợ đầu mối Bình Điền. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức đoàn gồm 05 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại Đà Nẵng, 02 hợp đồng đã được ký kết cung ứng sản phẩm gồm bánh kẹo Sơn Hải, Hợp tác xã ca cao của huyện Trà Ôn; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 05 cuộc hội chợ trong nước; tổ chức đoàn cán bộ doanh nghiệp tham gia “Hội chợ Thương mại Kampong Speu 2017” tại tỉnh Kampong Speu (Campuchia). tổ chức đoàn cán bộ tham gia Hội chợ Triển lãm Thương mại Xieng – Khouang 2017” (Lào); hỗ trợ Co.opMart Vĩnh Long thực hiện 12 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn và Vincom Vĩnh Long tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn .

Ngành công thương đã xây dựng và vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử với sự tham gia của hơn 115 doanh nghiệp gồm 523 sản phẩm quảng bá trên sàn giao dịch. Sở Công thương đã hỗ trợ 05 doanh nghiệp phát triển website TMĐT. Chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng KH&CN, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, trong năm 2017 đã thực hiện 06 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho các doanh nghiệp.

Đâu là những ngành công nghiệp mũi nhọn của Vĩnh Long và tỉnh quan tâm như thế nào đến việc phát triển hiệu quả những ngành này, định hướng đầu tư phát triển trong thời gian tới?

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng khá (bình quân 11,86%/năm), chiếm 94% giá trị sản xuất của ngành. Tỉnh đã hình thành một số ngành hàng có lợi thế so sánh như thực phẩm, thức uống, giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư y tế, gạch – gốm…

Dù chịu nhiều tác động của thị trường, nhưng các ngành hàng này đã duy trì được mức tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.

Trong thời gian qua, ngành công thương đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các ngành nghề phát triển. Hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nung sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất gạch – gốm; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho các nghề thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp ở nông thôn; hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM), tham gia hội chợ triển lãm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp đầu mối, các hệ thống phân phối hàng hóa.

Trong thời gian tới, ngành công thương tiếp tục tăng cường các hoạt động khuyến công và XTTM, hỗ trợ các ngành nghề truyền thống phát triển mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ mới; nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở, doanh nghiệp; gắn kết với các hệ thống phân phối, các mô hình chuỗi giá trị ngành hàng; phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với các tuyến tham quan du lịch. Ngành công thương sẽ tham mưu tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường để phát triển bền vững.

Ông đánh gía như thế nào về vai trò của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu của tỉnh Vĩnh Long?

Hầu hết các nghiệp tại Vĩnh Long đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là “siêu nhỏ” thuộc thành phần kinh tế tư nhân, chiếm tỷ trọng trên 97% trong giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Trên lĩnh vực thương mại, kinh tế tư nhân vẫn duy trì tỷ trọng 96% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh là nhân tố quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đây là nguồn nội lực quan trọng của địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững.

Trong thời gian tới, Vĩnh Long tiếp tục khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương.

Tỉnh sẽ phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, công ty cổ phần.

Đâu là những nhân tố chính kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp tỉnh trong thời gian tới (2018-2020) và định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp?

Ngành công thương Vĩnh Long đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh và cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016-2020; phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể KT-XH đã được phê duyệt.

Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, khuyến khích hình thành và hoàn thiện mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với ngành chế biến nông sản (lúa gạo, trái cây, khoai lang…), chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến tinh, tăng tỷ trọng sản phẩm làm sẵn, ăn liền để có thể tham gia vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp ngành dệt may-da giày đổi mới thiết bị, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất của ngành.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất, dược phẩm mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển nhiên liệu sinh học trên địa bàn tỉnh (cụm công nghiệp Tân Bình), tạo điều kiện phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời (cụm công nghiệp ở Vũng Liêm) kết hợp phát triển du lịch sinh thái vùng cây ăn trái miệt vườn, xây dựng các mô hình thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời ở các tổ chức, hộ gia đình… từ đó từng bước nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Việc tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp nói trên sẽ tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!