Tin nổi bật

Xi măng Fico – YTL: Biểu tượng hợp tác kinh tế Việt Nam – Malaysia

3:06 sáng | 21/12/2023

VHDN- Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần giúp các công ty xi măng trong nước thay đổi và phát triển. Xi măng Fico-YTL là một trường hợp như vậy. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Malaysia (1973-2023), Tạp chí DĐDN/Kỳ Văn hóa Doanh nhân đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành công ty Fico-YTL về bước đột phá của xi măng Fico-YTL khi có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tập đoàn YTL đến từ Malaysia.

Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành công ty Fico-YTL

Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà Fico-YTL đạt được sau khi tập đoàn YTL trở thành cổ đông chiến lược vào năm 2019?

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, xi măng Fico đã trở thành một trong ba thương hiệu xi măng hàng đầu ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên, bước đột phá mới đối với chúng tôi là việc tập đoàn YTL của Malaysia trở thành cổ đông chiến lược vào năm 2019. Trong 5 năm qua, có thể nói hiệu quả sản xuất kinh doanh của Fico-YTL được đánh giá vào nhóm đầu ngành xi măng Việt Nam.

Đâu là lợi thế của Fico-YTL sau khi chính thức trở thành thành viên của YTL?

Có thể nói việc  tập đoàn YTL làm cổ đông chiến lược là lựa chọn đúng đắn đối với chúng tôi vì hai điểm khác biệt. Thứ nhất, tập đoàn này có hoạt động trải khắp chuỗi giá trị của ngành xây dựng, với vai trò là chủ đầu tư, xây dựng cũng như  sản xuất vật liệu xây dựng. Nhờ vậy, Fico-YTL được thừa hưởng sự thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu khách hàng. Thứ hai, tập đoàn YTL đánh giá cao và tin tưởng sử dụng đội ngũ nhân sự bản địa giàu năng lực, có tâm huyết, và trung thực. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với các công ty xi măng có vốn nước ngoài tại Việt Nam bởi đa số các doanh nghiệp này thường chỉ sử dụng nhân sự cấp quản lý là người nước ngoài. Tập đoàn YTL đã gửi các chuyên gia hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất và quản lý dự án đầu tư, tổ chức các chuyến công tác giữa hai nước để chia sẻ và học tập kinh nghiệm. Uy tín của tập đoàn YTL cũng giúp Fico-YTL dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực và quốc tế. Quan điểm của tập đoàn YTL là chỉ bổ sung những cái còn thiếu và phát huy hơn nữa những cái đang làm tốt tại Fico-YTL. Chúng tôi cũng may mắn có sự thấu hiểu và đồng thuận của tất cả các cổ đông trong hoạt động của công ty.

Sản xuất xi măng rất quan trọng trong việc phát triển xã hội. Tuy nhiên, ngành xi măng cũng có nguy cơ ảnh hưởng môi trường. Fico-YTL có những giải pháp hữu hiệu nào trong việc cân bằng môi trường, kinh tế và cộng đồng địa phương?

Ngay sau khi Tập đoàn YTL trở thành đối tác chiến lược vào năm 2019, chúng tôi công bố các mục tiêu phát triển bền vững 2025 theo mô hình Kinh tế – Xã hội – Môi trường. Ngành xi măng có đặc thù công nghệ là thâm dụng tài nguyên (đá vôi, than đá, điện, v.v.) và tác động mạnh đến môi trường (phát thải CO2, bụi v.v.). Xi măng Fico-YTL nhận thức rõ là ngành xi măng nói chung và chúng tôi nói riêng cần có một chiến lược dài hạn theo đuổi sự phát triển bền vững thì mới có cơ hội tồn tại trong tương lai. Năm 2022, chúng tôi quyết định triển khai báo cáo bền vững theo mô hình ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) và có báo cáo ESG đầu tiên cho năm tài chính 2023 (kết thúc vào 30/06/2023) vào cuối tháng 10 vừa qua. Báo cáo này ghi nhận những cam kết và nỗ lực của Fico-YTL trong việc triển khai 4 trụ cột của chiến lược cty về phát triển bền vững bao gồm: góp phần xây dựng Việt Nam xanh hơn, hoạt động bền vững, hoạt động trách nhiệm, xây dựng năng lực và cộng đồng.

Năm 2023 được xem là năm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử ngành xi măng Việt Nam, Fico-YTL có những giải pháp nào để duy trì hoạt động?

Có thể nói ngành xi măng Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng do mất cân đối cung cầu và cơ cấu ngành quá phân mảnh. Ngay từ năm 2019, Fico-YTL triển khai chiến lược phù hợp vừa nghiên cứu phát triển các sản phẩm xanh đặc biệt cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh và tài chính công ty. Nhờ đó, xi măng Fico-YTL hiện vẫn vững vàng và sẵn sàng cho việc đầu tư mở rộng sản xuất cũng như nắm bắt các cơ hội mua bán sáp nhập.

Theo ông, chính phủ cần có những sự hỗ trợ nào nhằm giúp doanh nghiệp xi măng tăng trưởng cũng như duy trì sức cạnh tranh của ngành xi măng trong nước?

Theo tôi Chính phủ có thể cân nhắc một số giải pháp chính như sau: (i) quyết định chiến lược về nhu cầu xuất khẩu và cơ cấu ngành. Do đặc thù ngành xi măng thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, theo cá nhân tôi xuất khẩu chỉ nên là giải pháp tạm. Chính phủ xem xét từng bước cân đối cung cầu với mục tiêu phục vụ chủ đạo thị trường nội địa thông qua đóng cửa hoặc sát nhập nhà máy không đạt yêu cầu môi trường, không hiệu quả, hình thành các công ty xi măng có quy mô đủ lớn với công suất 8-10 triệu tấn/năm. Điều này giúp cải thiện cơ cấu ngành và tạo sự bền vững trong hiệu quả hoạt động và đầu tư; (ii) tiếp tục tháo gỡ khó khăn ngành bất động sản đặc biệt định giá đất phù hợp và cải tiến thủ tục pháp lý để giảm giá thành xây dựng nhà ở phù hợp với thu nhập người dân; (iii) -tiếp tục cải tiến thể chế, thu hút đầu tư và giải ngân các dự án cơ sở hạ tầng; (iv) tạo điều kiện đồng xử lý trong lò nung clinker, kết hợp xử lý các loại chất thải trong lò nung clinker. Với nhiệt độ lên đến 1.800 độ C, môi trường kiềm cao (do nguyên liệu chủ yếu là đá vôi) và kích thước lò rất lớn (dài khoảng 70 mét), lò nung clinker đảm bảo khả năng xử lý an toàn rất nhiều loại chất thải với công suất lớn.

Đức Quân