Tin nổi bật

Y tế Đồng Nai: Tăng cường đào tạo nguồn lực tại chỗ

8:17 sáng | 17/07/2020

Dù đạt được một số kết quả nổi bậc sau 10 năm thực hiện đề án 1816, nhưng ngành y tế Đồng Nai vẫn còn tồn tại một số hạn chế về cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, công tác chi trả bảo hiểm y tế…

Nâng cao năng lực cơ sở y tế tuyến dưới

Kết quả nổi bật nhất của ngành Y tế Đồng Nai sau 10 năm (2009-2019) thực hiện đề án 18 16 của Bộ Y tế là cải thiện rõ rệt chất lượng khám, chữa bệnh của các đơn vị tuyến dưới. Một số bệnh lý, kỹ thuật trước đây phải chuyển lên tuyến trên thì nay đã được chuyển giao cho các đơn vị tại địa phương, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Hầu hết các đơn vị tại địa phương đã tiếp nhận và triển khai đựợc hầu hết các kỹ thuật được chuyển giao từ tuyến trên, giúp cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh tại vùng sâu, vùng xa. Ngành Y tế Đồng Nai cũng đã tạm thời khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn có trình độ cao, đã chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ, nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Nhiều bệnh viện tuyến dưới đã triển khai thành công các kỹ thuật mới; năng lực chẩn đoán, xử lý cấp cứu ban đầu cũng được nâng lên đáng kể; nâng cao công tác dự phòng và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Đồng Nai, ngoài các kết quả trên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác thực hiện đề án 1816 như: thời gian chỉ đạo chưa thường xuyên do thiếu cán bộ y tế tại địa phương; cơ sở vật chất thiếu đồng bộ; cán bộ chuyển công tác hoặc nghỉ việc sau khi được đào tạo; việc chi trả bảo hiểm vẫn còn khó khăn; danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế chưa được thực hiện nhiều do vượt tuyến…

Tiêm ngừa vắc xin tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

Tăng cường đào tạo nguồn lực tại chỗ

Trước các hạn chế còn tồn tại, Sở Y tế Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Y tế thống nhất cụ thể với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao.

Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn lực tại chỗ cho các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết. Các đơn vị y tế địa phương hiện đang rất cần đội ngũ bác sĩ có khả năng tiếp nhận kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên.

Đối với các bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế Đồng Nai đề nghị các bệnh viện này cần có giải pháp hướng dẫn người bệnh và chuyển người bệnh về tuyến huyện điều trị đối với những bệnh có thể điều trị tại tuyến huyện.

Đối với các bệnh viện nhận chuyển giao kỹ thuật thì phải có kế hoạch chuẩn bị thiết bị, nhân sự bởi trang thiết bị không đồng bộ sẽ làm ảnh hưởng đến công tác chuyển giao kỹ thuật.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ và ứng dụng

Trên cơ sở hàng năm, Sở Y tế Đồng Nai đều triển khai công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc và điều trị.

Sở Y tế Đồng Nai cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học, dự án khoa học và công nghệ. Tất cả các đề tài sau khi nghiệm thu đều được triển khai ứng dụng phục vụ công tác y khoa.

Về công tác triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu, Sở Y tế và Sở Khoa học và Công nghệ luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai nghiên cứu khoa học và công nghệ, phối hợp tổ chức thành lập Hội đồng để xác định danh mục kết quả các đề tài, sáng kiến cải tiến; các đề tài được triển khai thực hiện theo cơ chế 70/30.

Đến nay, số lượng đề tài được hội đồng phê duyệt đạt hơn 40 đề tài cấp ngành, 05 đề tài cấp tỉnh. Hàng năm, các đơn vị cũng có nhiều đề tài nghiên cứu với nhiều lĩnh vực hoạt động chuyên môn: điều trị, dự phòng, dược, chăm sóc điều dưỡng…