Kiên Giang

Công nghiệp hỗ trợ mắc xích tăng trưởng sức cạnh tranh kinh tế Kiên Giang

8:29 sáng | 18/06/2019

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tăng trưởng bền vững của Kiên Giang.

 

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Dù ngành công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển trong thời gian qua nhưng tiến độ còn chậm. Theo lãnh đạo Sở Công thương Kiên Giang, năng lực và quy mô của các doanh nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, năng lực thấp, thiếu cả nguồn lực và công nghệ. Hiện sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh chủ yếu sản xuất thủ công các chi tiết đơn giản, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Hầu hết chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển tại địa phương với các mặt hàng như như cơ khí chế tạo, sản xuất bao bì, sản xuất linh kiện điện tử, gỗ MDF, da giày.

Cụ thể, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản phẩm chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, thuyền, phục vụ sản xuất các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, nông nghiệp, thương mại. Đa số các sản phẩm này còn làm thủ công, hàm lượng công nghệ chưa cao.

Lĩnh vực sản xuất bao bì có bước phát triển nhất định phục vụ công nghiệp chế biến nông -thuỷ sản, vật liệu xây dựng, du lịch. Lĩnh vực này có điều kiện thuận lợi để phát triển.

Về linh kiện điện tử, hiện dự án FDI duy nhất sản xuất linh kiện điện tử đã ngừng hoạt động do không có đơn đặt hàng.

Đối với ngành sản xuất gỗ MDF, hiện tỉnh đã thu hút được một dự án sản xuất đồ gỗ MDF (công suất 75.000000m3/năm), dự án đang nâng công suất lên 100.000m3/năm, sản phẩm của nhà máy này đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài nước.

Về da giày, hiện tỉnh có 2 dự án sản xuất da giày công suất 30 triệu đôi/năm, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, hiện dự án đang trong giai đoạn mở rộng công suất thiết kế, nâng công suất của các ngành phụ trợ như sản xuất đế, phom, khuôn, in, ép…

Rào cản công nghệ và sự gắn kết

Nhận định về hạn chế trong công tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, lãnh đạo Sở Công thương Kiên Giang cho biết ngoài nguyên nhân khách quan đến từ quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung, hiện sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của Kiên Giang còn nhỏ lẻ, tỷ trọng thấp, quy mô và năng lực vốn cũng như công nghệ còn hạn chế. Việc này dẫn đến giá trị tăng ngành công nghiệp hỗ trợ thấp.

Một nguyên nhân khác đến từ rào cản công nghệ, chi phí và cả sự kết nối thị trường giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật; năng lực cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh còn rất hạn chế và chưa liên kết được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp nguyên liệu linh kiện phụ tùng; Nguồn vốn đầu tư chưa tập trung hướng vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhất là về công nghệ, lao động để tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển; Các sản phẩm công nghiệp chính của tỉnh hầu hết sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu hoặc phải mua từ các doanh nghiệp khác trong nước do các sản phẩm trong tỉnh chưa cung cấp được hoặc chỉ có khả năng cung cấp các chi tiết có yêu cầu kỹ thuật thấp. Cùng với đó, Kiên Giang đang thiếu các doanh nghiệp lớn, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh phát triển.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020

Trong thời gian tới, Kiên Giang tích cực đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Thông tư 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 21/8/2017 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ triển khai 23 nhiệm vụ về phát triển hoạt động công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 16,77 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định Thông tư 29/2018/TT-BTC, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.

Anh Thy