Hải Dương

Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Dương: Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng

1:59 sáng | 17/08/2017

Kể từ khi có chủ trương thành lập, trải qua 21 năm xây dựng, Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) Hải Dương hoàn thành xuất sắc công tác giáo dục đào tạo ngoài trường lớp chính quy, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Nổi bật, trong giai đoạn từ năm 2007 – 2013, Trung tâm GDTX tỉnh Hải Dương là địa chỉ có uy tín và tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh thông qua hình thức liên kết với các trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu. Hằng năm, hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức đã được đào tạo, đào tạo lại, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế – xã hội và khoa học, công nghệ, nhu cầu và phương thức học tập đã thay đổi. Cùng với đó, các cơ sở đơn vị, đào tạo trên địa bàn tỉnh được thành lập và hoạt động rất sôi động với nhiều hình thức đào tạo. Người học có nhiều sự lựa chọn để theo học các chương trình, khóa học. Trong khi đó, lượng cán bộ, công chức viên chức của tỉnh đã được chuẩn hóa nên nhu cầu đào tạo không còn nhiều. Do đó, kể từ năm 2013, công tác tuyển sinh theo hình thức liên kết đào tạo của Trung tâm GDTX tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, ban lãnh đạo Trung tâm GDTX tỉnh xác định phải đa dạng hóa các hoạt động giáo dục trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình. Nói cách khác, Trung tâm phải tìm hiểu nhu cầu học tập mới của người dân để tổ chức các lớp học, chương trình đào tạo cho phù hợp.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã chỉ ra mục tiêu với GDTX là bảo đảm cơ hội cho mọi người được học tập nâng cao kiến thức trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống, với các hình thức học tập đa dạng… Đây chính là cơ sở để Trung tâm GDTX Hải Dương thực hiện đa dạng hóa các hoạt động giáo dục đào tạo theo hướng hỗ trợ cho giáo dục chính quy.

Cụ thể, từ năm 2014, ngoài việc liên kết mở lớp đào tạo với nhiều hình phong phú như: vừa học vừa làm, từ xa, văn bằng hai, liên thông… Trung tâm phải tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như: ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thành lập tổ chức doanh nghiệp, kế toán, giáo dục khởi nghiệp, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cho thiếu nhi… Ưu điểm của hình thức đào tạo bồi dưỡng đó chính là khả năng thích ứng nhanh với nhu cầu sử dụng lao động, thời gian học ngắn và có thể phục vụ ngay cho công việc. Bởi bồi dưỡng bản chất là trang bị những kỹ năng trong lĩnh vực chuyên môn hẹp, bổ sung kiến thức mà người học chưa có hoặc đang thiếu. Đối tượng người học bồi dưỡng rất đa dạng từ cán bộ, công chức, tới người lao động tới học sinh sinh viên đang theo học hệ chính quy dài hạn….

Từ năm học 2016, Trung tâm GDTX tỉnh đã phối hợp với Hội khuyến học phường Thanh Bình tổ chức các lớp học miễn phí cho học sinh trong phường bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và tin học trong thời gian học hè. Đây vừa là nhiệm vụ khuyến học góp phần xây dựng xã hội học tập vừa là cơ hội để Trung tâm GDTX giới thiệu về mô hình bồi dưỡng ngoại ngữ tin học với phương pháp học tập, phương tiện học tập hiện đại.

Tính trong 3 năm gần đây từ năm 2015, 2016 và 3 tháng năm 2017, Trung tâm GDTX tỉnh Hải Dương tổ chức bồi dưỡng cho bình quân khoảng 3.000 lượt học viên là giáo viên, người lao động, học sinh, sinh viên mỗi năm. Việc tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng đã khẳng định năng lực tổ chức của Trung tâm GDTX tỉnh Hải Dương đồng thời góp phần phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Trong thời gian tới, Trung tâm GDTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng. Để làm tốt nhiệm vụ trọng tâm này, Trung tâm bám sát chủ trương, nhiệm vụ của tỉnh, ngành giáo dục; tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, tuyển sinh; tăng cường thăm dò, đánh giá đúng nhu cầu của người học, mạnh dạn đầu tư cho cơ sở vật chất đáp ứng nhiều lĩnh vực bồi dưỡng.