Pháp luật

Vụ siết nợ tòa nhà cao thứ 3 Sài Gòn: Quyền lợi người mua nhà sẽ được bảo đảm?

2:54 sáng | 25/08/2017
Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Cty CP Sài Gòn One Tower – dự án phức hợp Saigon One Tower. Đây là trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm đầu tiên thực thi theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, những người mua nhà dự án này đang lo lắng về quyền lợi của mình.

Thu hồi để bán đấu giá

Theo đại diện của VAMC, với tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42), các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua sẽ được xử lý tích cực nhất, giải phóng nợ xấu để gia tăng nguồn vốn cho vay ra của các ngân hàng đối với nền kinh tế, dự án Saigon One Tower (tọa lạc tại vị trí 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), đã được VAMC xây dựng phương án thu giữ tài sản đảm bảo hiệu quả nhất, theo đúng quy định pháp luật.

Sau khi thu giữ xong sẽ thuê thẩm định giá xác định giá trị tài sản đảm bảo là dự án này đối với khoản vay 7.000 tỷ đồng (gốc và lãi), sau đó, Công ty Quản lý Tài sản của Các Tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ tổ chức đấu giá. Dự án Saigon One Tower đã được thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng TMCP: Hàng hải (MaritimeBank) và Đông Á (DongABank). Do đó, các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến dự án này đã được chuyển giao cho tổ chức xử lý nợ là VAMC.

VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa Ốc Sài Gòn M&C); CTCP Đầu tư Liên Phát; CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Minh Quân; CTCP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng.

VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu nhóm khách hàng trên thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, khách hàng không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi.

VAMC đã yêu cầu CTCP Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ nghĩa vụ của các khách hàng nêu trên, nhưng CTCP Sài Gòn One Tower vẫn không thực hiện bàn giao tài sản. Vì vậy, VAMC đã triển khai thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh để xử lý nhằm thu hồi nợ.

Khách hàng sẽ được bảo đảm quyền lợi?

Trong bối cảnh hiện nay của tòa nhà, khoảng 100 khách hàng mua căn hộ tại dự án Saigon One Tower, phần lớn đã đóng trên 70% tổng giá trị hợp đồng. Với số tiền mỗi người góp lên trên chục tỷ đồng, nên họ đang như ngồi trên đống lửa khi tòa cao ốc này bị VAMC thu giữ để xử lý các khoản nợ 7.000 tỷ của chủ đầu tư.

Ông Đoàn Việt – đại diện cho một khách hàng mua căn hộ ở dự án này – cho biết, sau khi có thông tin, các khách hàng liên hệ với phía chủ đầu tư dự án này là Công ty M&C thì chỉ nhận được câu trả lời suông của phía các nhân viên là bên công ty sẽ trả lại tiền cho khách hàng. Nhiều năm nay, dự án không triển khai, chúng tôi đã nhiều lần tìm chủ đầu tư để tính phương án giải quyết nhưng họ né tránh. 

Chúng tôi là những khách hàng mua nhà dự án nhưng thông tin tòa nhà bị thu giữ để bán đấu giá xử lý các khoản nợ lại chỉ được biết qua báo đài, không ai thông báo cho chúng tôi. Không ai cho chúng tôi được câu trả lời là quyền lợi của chúng tôi sẽ được đảm bảo như thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM – cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi khách hàng tại dự án phải được tiến hành nhanh chóng, tránh bỏ khách hàng bơ vơ như hiện nay. Trong nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội có điều khoản thể hiện các bên phải bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án bị thu hồi xử lý nợ. Đây là dự án đầu tiên mà VAMC thực hiện thu hồi để xử lý nợ, nên càng phải chặt chẽ trong khâu này.

“Khi thu giữ thì đương nhiên ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm nhưng phải cân đối xem xét để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. VAMC cũng chỉ được thu giữ và bán phần tài sản bảo đảm chưa bán cho ai, còn là của chủ đầu tư.

Trong trường hợp tài sản chưa giải chấp mà ngân hàng do chủ quan hay sơ hở để chủ đầu tư bán thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm thu hồi từ chủ đầu tư, còn người mua sẽ được bảo vệ” – luật sư Nguyễn Thanh Nhã – Công ty Luật DBS – cho biết.

Trường hợp ngân hàng chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư mới thì tại Điều 8 Nghị quyết 42 quy định, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. Vì vậy, kể cả khi dự án bị ngân hàng thu nợ thì quyền lợi của khách hàng mua dự án vẫn được luật pháp bảo vệ.

Dự án Saigon One Tower có diện tích 6.672m2. Tổng mức đầu tư ban đầu hơn 5.000 tỷ đồng (256 triệu USD), gồm một tòa tháp đôi, 5 tầng hầm và 41 tầng cao, trong đó, sáu tầng khối đế dành cho bán lẻ có diện tích 23.000m2

Khu văn phòng hạng A gồm 34 tầng, còn lại là khu căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế 133 căn. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được khoảng 80% (xong phần thô) thì công trình này ngưng thi công từ năm 2011 đến nay. 

Chủ đầu tư dự án là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C (nay là CTCP Sài Gòn One Tower), gồm các cổ đông sáng lập: CTCP M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (5%).

                                                                                                                                 Theo vcci.com.vn