Ảnh minh họa. Nguồn: VOV.

Vì vậy mà trong thời gian vừa qua, lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có nhiều cải cách mạnh mẽ; trong đó có việc hoàn thiện Bộ thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Hiện tại, 7 Bộ thủ tục với 35 thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh Cà Mau công bố và được Sở Xây dựng đưa lên trang thông tin điện tử của Sở và trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh.

Kết quả, Sở Xây dựng đã xây dựng quy trình rút ngắn thời gian giải quyết 18 thủ tục hành chính. Thời gian rút ngắn từ 20% – 50% so với thời gian quy định. Hiện nay, Sở tiếp tục đề xuất UBND tỉnh tiếp tục rút ngắn 20% thời gian giải quyết cho mỗi thủ tục hành chính.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đã hoàn thành công bố Bộ thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng cấp huyện, cấp xã và công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực xây dựng áp dụng chung tại cấp xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Là một trong những địa phương có mật độ xây dựng cao nhất tỉnh, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) trong thời gian qua đã cùng với ngành xây dựng triển khai những thủ tục ở lĩnh vực này một cách hiệu quả. Qua đó đã góp phần nâng cao việc quản lý hoạt động xây dựng tại địa phương.

Ông Bùi Tứ Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Cà Mau cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã cấp được 670 giấy phép xây dựng đúng hạn định. Thời gian cấp giấy phép xây dựng theo Bộ thủ tục hành chính được công bố là 15 ngày làm việc. Tuy nhiên, thành phố đã giảm 50% thời gian giải quyết, tương đương với hơn 7 ngày.

 “Tuy nhiên, theo ông Hải, khó khăn của người dân khi đi làm giấy phép xây dựng nhà ở là phải có bản vẽ xin phép xây dựng. Đây là lĩnh vực chuyên môn, người dân không tự thực hiện được mà phải thuê cá nhân, đơn vị tư vấn có chuyên môn để thực hiện. Một khó khăn khác nữa là đơn vị tư vấn không biết được quy hoạch đô thị được duyệt, không có họa đồ vị trí xây dựng công trình, không nắm rõ quy chuẩn xây dựng nên bản vẽ xin phép xây dựng không đạt yêu cầu phải trả hồ sơ để điều chỉnh lại đúng theo quy định.

“Do đó để góp phần giải quyết khó khăn cho người dân, Phòng Quản lý đô thị sẵn sàng cung cấp các thông tin cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Đồng thời đơn vị sẽ hướng dẫn lập bản vẽ xin phép xây dựng đúng quy định để hồ sơ không bị trả, làm mất thời gian của người dân”, ông Bùi Tứ Hải cho biết thêm.

Dù kết quả đạt được rất khả quan, tuy nhiên trên thực tế đã qua, thủ tục hành chính đối với lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để thực hiện một dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải làm rất nhiều các loại thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà như xin chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thẩm duyệt thiết kế cơ sở, xin giấy phép xây dựng, xác định giá đất và nộp tiền sử dụng đất, xin giấy chứng nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, thông báo với Sở Xây dựng trước khi bán nhà… Nhiều dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng lên tới vài năm.

Ngoài ra, theo ý kiến của các ngành chức năng, việc quy hoạch xây dựng hiện còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dù việc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước. Việc lập và quản lý quy hoạch mới chỉ được chú trọng tại khu vực đô thị và các khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế – xã hội, các khu vực khác chưa được quan tâm đúng mức… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng nhà ở không phép vẫn còn phổ biến.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng mà nhất là dự án nhà cho người có thu nhập thấp hiện nay tiến độ còn chậm. Năng lực một số đơn vị tư vấn thiết kế dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm.

Đồng thời, việc triển khai đầu tư theo quy hoạch còn hạn chế vì khối lượng và kinh phí thực hiện quy hoạch đề ra lớn, điều kiện ngân sách của địa phương chưa đáp ứng được. Song song với đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, cấp giấy phép xây dựng.

Hiện nay, người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhiều nhất mà theo đánh giá của cơ quan chuyên môn là khi xin phép xây dựng đối với công trình để sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp trước khi được cấp giấy phép xây dựng sẽ phải lập các thủ tục như: xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, lập thủ tục xin giấy phép quy hoạch (nếu không phù hợp quy hoạch), lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh, ngoài ra tùy theo tính chất, quy mô công trình sẽ phải lập dự án đầu tư, thẩm định bản vẽ thiết kế thi công, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường… để hoàn thành được hết các thủ tục này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí.

Như vậy, còn rất nhiều việc phải làm để thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng không là “rào cản” đối với sự đóng góp từ người dân, doanh nghiệp vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương./.

                                                                                                                  Theo dangcongsan.vn