Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương có nhiều nỗ lực trong việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Từ 4-5 thửa ruộng dồn đổi còn 1-2, đã tạo thuận lợi để đưa cơ giới, khoa học công nghệ, cây trồng mới,… gắn nuôi trồng với chế biến, giữa sản xuất với thị trường. Để tìm hiểu thêm về quá trình tài cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương. Ngô Khuyến thực hiện.
Những năm gần đây, Hải Dương đang đẩy mạnh quá trình dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; một vài chia sẻ của ông về quá trình triển khai và kết quả đạt được?
Từ năm 1993, tỉnh Hải Dương đã cơ bản hoàn thành việc giao ruộng ổn định, lâu dài cho nông dân song mỗi hộ có 13-15 thửa với diện tích mỗi thửa chỉ từ 170-250 m2. Qua nhiều năm thúc đẩy dồn đổi, đến năm 2013, mỗi hộ vẫn 4-5 thửa, diện tích mỗi thửa 300-400 m2… Trước thực trạng ruộng đất manh mún, phân tán gây khó khăn cho việc cơ giới hoá và phát triển sản xuất qui mô lớn, ngày 13/9/2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1704/KH-UBND thực hiện dồn điền, đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2013-2015. Mục tiêu đặt ra mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa ruộng.
Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, tuyên truyền và thực hiện: Liên sở NN& PTNT và Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn thực hiện; Sở NN&PTNT xây dựng đề án mẫu cho xã và phương án mẫu cho thôn tham khảo; Sở Tài chính ban hành hướng dẫn về qui trình thẩm định, phê duyệt dự toán, chế độ chi tiêu và thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện. Các huyện, TP, thị xã cũng ban hành kế hoạch thực hiện, đồng thời xây dựng hướng dẫn riêng phù hợp địa phương. UBND các xã đều xây dựng đề án dồn điền, đổi thửa trình UBND cấp huyện phê duyệt; cấp thôn xây dựng phương án dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng của thôn, trình UBND xã phê duyệt để triển khai thực hiện…
Cho đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 908 thôn ở 196 xã đã tổ chức triển khai dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng với tổng diện tích 53.800 ha, đạt 94,9% diện tích cần dồn đổi. Những huyện hoàn thành sớm như: Ninh Giang, Bình Giang, Kinh Môn, Thanh Miện… Cơ bản chỉ còn 1-2 thửa/hộ với diện tích mỗi thửa trên 500 m2, chiều dài mỗi lô 40-50m, tăng 25-30m so trước đây. Qua đó, các địa phương đã quy hoạch, chỉnh trang lại đồng ruộng, nhất là hệ thống đường nội đồng, kênh mương thủy lợi; quy vùng được các diện tích công điền, đất cho mục đích phi NN, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng hàng hoá, góp phần hạn chế việc nông dân bỏ ruộng và tạo thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đã thông qua đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”. Là cơ quan tham mưu chính trong việc ban hành Đề án, theo ông đâu là điểm nhấn phát triển ngành NN tỉnh nhà trong những năm tới?
Để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, ngày 21/9/2016, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định 2576/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện “Tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu tổng thể của Đề án: Phát triển NN-NT toàn diện, hiệu quả, bền vững, trên cơ sở chuyển mục tiêu sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng cao hiệu quả và bền vững; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, năng suất, khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; thực hiện chuyển dịch cơ cấu NN theo hướng phát triển mạnh chăn nuôi, thủy sản tập trung gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, giảm dần tỷ lệ lao động NN trong NT, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Đề án cũng đề ra các tiêu chí cụ thể như: Tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 từ 1,7-2,0% (công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm 18,8%, kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm 10,4%); đến năm 2020, trồng trọt – lâm nghiệp chiếm 49%, chăn nuôi – thủy sản 45% và dịch vụ chiếm 6%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực 745.000 tấn; sản lượng thịt hơi các loại 150.000 tấn; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 1,5 lần năm 2015; tỷ lệ xã đạt tiêu chí NTM trên 50%…
Trong thời gian tới, Hải Dương phát huy tối đa lợi thế từng vùng, địa phương; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hình thức trang trại, gia trại, khu NN công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Song hành là đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến gắn với thị trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sản xuất NN hoặc liên kết với nông dân trong quá trình tái cơ cấu ngành NN vừa đảm bảo theo cơ chế thị trường vừa đảm bảo các mục tiêu về phúc lợi xã hội cho người dân. Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả, kịp thời chính sách hỗ trợ sản xuất NN và đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động NT, giúp người dân tổ chức sản xuất và ổn định việc làm… Đặc biệt là việc khuyến khích mở rộng diện tích áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm như quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, AseanGap, GlobalGap) và nông nghiệp hữu cơ.
Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương tích cực triển khai bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Tại nhiều huyện xã, nông dân đã tích cực hưởng ứng thông qua việc chuyển đổi các loại giống cây, con mới; thành lập các trang trại, gia trại, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất đem lại hiệu qủa kinh tế cao,…