Kinh tế thị trường

Bất bình với việc tận thu cả người dùng lẫn “đối tác” của hãng xe công nghệ

6:25 sáng | 01/08/2022

VHDN – Lựa chọn lộ trình di chuyển bằng các app công nghệ đang được người tiêu dùng Việt Nam thông dụng hiện nay. Các loại hình xe truyền thống còn với số lượng rất ít. Với ưu thế vừa tiện dụng vừa không phải mặc cả chi phí trong mỗi chuyến đi. Đây là sự lựa chọn tối ưu đối với khách hàng. Sẽ không có gì để bàn tới nếu như trong thời gian gần đây, các hãng xe công nghệ đồng loạt áp dụng các khoản thu phụ phí gây bất bình cho người sử dụng dịch vụ.

Grab tiến hành thu thêm loại phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” đối với các dịch vụ xe 2 bánh tại nhiều địa phương từ ngày. Ảnh: Thế Lâm.

Thử vào ứng dụng đặt một chuyến Grab bike như thông dụng, vào các khung giờ khác nhau, chúng ta sẽ thấy mức cước là hoàn toàn khác. Vào khung giờ cao điểm, mức cước cao gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần. Đỉnh điểm trong đợt nắng nóng, hãng này còn áp dụng mức phụ thu theo thời tiết. Khi áp dụng thu các khoản này, người sử dụng phải bỏ tiền ra là điều đương nhiên, nhưng điều đáng đề bàn là ai là được hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản thu này?

Anh Võ Văn Võ là tài xế được hơn 5 năm. Khi loại hình công nghệ phủ sóng ở thị trường Việt Nam, anh Võ cũng ra nhập đội ngũ tài xế công nghệ. Thời gian gần đây, anh nhận thấy, các khoản thu phụ phí nhiều lên trong khi đó thu nhập của tài xế như anh không hề tăng. Các phí đó như: phí thay lộ trình, phí ban đêm, phí khi mưa từ 5.000 – 10.000 đồng… Bên cạnh đó là loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng mức 1.000 – 3.000 đồng/cuốc xe. Tổng tiền cước trong một chuyến xe tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba, nhưng tài xế chỉ nhận được một phần rất ít từ đó.

Thời tiết, nhận điểm đón khách xa, thời gian chờ khách, khung giờ cao điểm, khung giờ ban đêm… là danh mục các khoản phụ thu. Chưa kể đến người phải chịu các khoản phụ phí đó là người sử dụng dịch vụ, thì tài xế công nghệ là người trực tiếp thực hiện chuyến đi, trực tiếp chịu tác động bởi thời tiết, bởi đoạn đường đón khách… thế nhưng người hưởng lợi từ các khoản này lại là hãng chứ không phải là tài xế!

Trong tất cả các phí thu được của khách, có một loại phí hủy chuyến của khách, mỗi lần là 10 nghìn đồng là tài xế được nhận đầy đủ. Các loại thu phụ phí khác đều được cộng vào giá cước chung rồi chia theo tỉ lệ nhưng cũng chẳng là bao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng đã đặt ra câu hỏi đối với các hãng rằng: “Trời nắng nóng thì điều chỉnh giá thu lên, vậy trời mát thì hãng có điều chỉnh xuống cho người khách hàng? Cũng theo đó, mùa đông có những đợt rét đậm rét hại thì sẽ thu như thế nào?  Nếu cứ thu theo thời tiết thì hoàn toàn không ổn.”

Tuy sự lựa chọn phương thức di chuyển là quyền của người tiêu dùng. Song, trong những tình huống gấp thì việc sử dụng các app công nghệ là thông dụng và tiện lợi hơn cả và người tiêu dùng vẫn chưa có phương thức nào khác để lựa chọn.

Việc các hãng vận tải sử dụng nền tảng số tự đặt ra luật riêng của mình, người tiêu dùng thì bị “móc túi” vì chưa có nhiều sự lựa chọn. Đây là một vấn đề mà Cục quản lý Cạnh tranh của Bộ Công Thương cần phải vào cuộc làm rõ. Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương hiện cũng đang yêu cầu hãng Grab phải giải thích rõ về việc thu thêm các khoản phụ phí.

Trả lời VTV về việc thu phụ phí của hãng xe công nghệ, ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin liên quan đến việc các hãng xe công nghệ thu thêm các khoản phụ phí, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã có một văn bản gửi cho Grab yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến việc áp dụng thu các phụ phí. Không chỉ cung cấp các thông tin liên quan đến phụ phí trong thời gian nắng nóng như phản ánh mà còn các phụ phí trước đây Grab đã và đang áp dụng. Trên cơ sở các thông tin đó kết hợp cùng với các bên liên quan, Cục sẽ có những đánh giá để đưa ra các kiến nghị và giải pháp”.

Các hãng xe công nghệ đang tận thu cả người dùng lẫn “đối tác” của chính họ. Ảnh Internet

Theo luật cạnh tranh năm 2018 quy định, trường hợp doanh nghiệp có vị trí độc quyền trên thị trường hay chiếm thị phần lớn không được áp đặt các mức giá bất hợp lý để gây bất lợi cho khách hàng. Ở đây, Grab tự ý thu các khoản phụ phí như hiện nay, thì Grab phải có trách nhiệm công khai một cách minh bạch về các tiêu chí, căn cứ và các điều kiện áp dụng trong các trường hợp áp dụng cụ thể.

Người tiêu dùng không chỉ chịu mức tăng giá chóng mặt của mặt hàng xăng dầu trong thời gian gần đây, mà còn chịu hệ lụy bởi tất cả các mặt hàng tiêu dùng cũng đồng loạt tăng giá theo. Sự biến động đó là dễ hiểu và họ chấp nhận thực tế đó. Song, việc hãng xe công nghệ ‘té nước theo mưa’, tận thu khách hàng lẫn tài xế, tăng giá cước vận chuyển bằng các khoản thu phụ phí không hợp lý là điều cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Có như vậy thì quyền lợi của người tiêu dùng mới được bảo vệ một cách chính đáng.

Phạm Anh