A Lưới là huyện miền núi biên giới phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế, có hơn 48 nghìn người, gồm nhiều dân tộc sinh sống như Pa Kô, Tà Ôi, Vân Kiều, Kinh… A Lưới nằm trên trục đường Hồ Chí Minh xuyên suốt bắc – nam, có Quốc lộ 49 nối tỉnh Salavan (Lào) với A Lưới qua cửa khẩu Hồng Vân thông thương với Quốc lộ 1A, có Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt. Với lợi thế về tài nguyên đa dạng phong phú về đất rừng, thủy điện, khoáng sản…, tiềm năng về phát triển du lịch cùng nguồn nhân lực dồi dào, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc anh em huyện A Lưới đã và đang phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung đồng bộ các giải pháp để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn.
Huyện A Lưới có xuất phát điểm để phát triển kinh tế – xã hội thấp, mặt bằng dân trí không đồng đều. Các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; nguồn vốn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư chưa đúng mức; địa hình đi lại còn khó khăn; đất đai bạc màu,… Thêm vào đó tư tưởng trông chờ ỷ lại trong một bộ phận nhân dân chưa được khắc phục triệt để, chưa mạnh dạn đầu tư làm ăn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất hàng hóa. Song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân trong huyện, tình hình phát triển kinh tế của huyện có những bước chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét, tốc độ đô thị hóa nhanh, hoạt động dịch vụ thương mại phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư không ngừng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 – 2016 đạt 13,2%/năm, riêng năm 2016 đạt 14,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Huyện đã thu hút nhiều công trình, dự án quan trọng đi vào hoạt động mang lại hiệu quả như: hoàn thành công trình thủy điện A Lưới với công suất 170 MW, công trình thủy điện A Roàng với công suất 7,2MW; công trình thủy điện A Lin-B1 triển khai đúng tiến độ; nhà máy gạch tuynel (công suất 10 triệu viên/năm), dây chuyền sản xuất gạch không nung (gạch Bloc) hoạt động tốt…Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, đã tiến hành trao Chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy tinh bột sắn A Lưới tại thôn Tà Ay, xã Hồng Trung với tổng vốn đầu tư 92 tỷ đồng; đồng thời trao văn bản chấp thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư cho 4 dự án (dự án khu du lịch sinh thái suối Parle; dự án trồng cây dược liệu, dự án nhà máy sản xuất dăm gỗ, dự án trang trại chăn nuôi gia súc công nghệ cao) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Với tiềm năng lớn về du lịch, khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp là lợi thế lớn cho phép A Lưới phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Thực hiện Chương trình phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là 1 trong 4 chương trình kinh tế – xã hội trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện A Lưới giai đoạn 2016 – 2020. UBND huyện cụ thể hóa bằng việc xây dựng Đề án phát triển du lịch 2017-2020 định hướng đến năm 2025 trình HĐND huyện thông qua trong năm 2017. Hiện nay, huyện đã phê duyệt tổng thể quy hoạch các du lịch sinh thái: A Nôr, xã Hồng Kim; suối nước nóng xã A Roàng; Parle xã Hồng Hạ và đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020.
Ngoài ra, sử dụng có hiệu quả Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới; khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc. Đa dạng hóa các loại hình du lịch; xúc tiến, kêu gọi đầu tư một số trọng điểm du lịch như khu du lịch sinh thái thác A Nôr, xã Hồng Kim, điểm du lịch khoáng nóng A Roàng,… Phát triển du lịch văn hóa truyền thống dân tộc, du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử. Tổ chức các hoạt động du lịch lễ hội dân tộc đặc sắc, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho A Lưới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020, đã chỉ rõ quan điểm phát triển kinh tế – xã hội của huyện A Lưới trong thời kỳ 2016 – 2020 xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế của huyện. Tiếp tục phát triển nông nghiệp giữ vai trò kinh tế chủ đạo, đầu tư theo hướng thâm canh chiều sâu, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, tăng hiệu quả kinh tế; phát triển các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế theo quy mô tập trung, sản xuất hàng hóa gắn với tìm thị trường tiêu thụ trong nước. Gắn phát triển kinh tế với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc; bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, các di tích gắn với các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.