Thừa Thiên Huế

Huyện Quảng Điền: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch

1:46 sáng | 17/08/2017

Thời gian qua, xác định được vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, huyện Quảng Điền đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền sản phẩm du lịch nhằm giới thiệu nét đặc sắc về thế mạnh du lịch của địa phương.

Quảng Điền là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa và các làng nghề truyền thống của địa phương như: khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đình làng Thủ Lễ, Thành Hóa Châu, làng nghề đan lát truyền thống mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, làng nghề mây tre đan Thủy Lập, xã Quảng Lợi… Đặc biệt là hệ sinh thái đầm phá với trên 3.500 ha mặt nước đầm phá Tam Giang, hơn 12 km bờ biển dọc 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn là điều kiện thuận lợi để Quảng Điền phát triển du lịch, dịch vụ với nhiều loại hình du lịch đa dạng như: du lịch cộng đồng sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái ven biển và đầm phá; tham quan di tích lịch sử và du lịch làng nghề văn hóa lễ hội; điểm nhấn du lịch Quảng Điền là tuyến du lịch Tam Giang.

Trong những năm qua, trên cơ sở Quyết định số 1.955/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2020”, huyện Quảng Điền đã tổ chức các hoạt động để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tổ chức các hội thảo du lịch đã thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Điền. Đồng thời, đã có sự đầu tư trong phát triển du lịch, tăng cường công tác kết nối các tour tuyến du lịch với các doanh nghiệp du lịch như: du lịch đầm phá, du lịch trải nghiệm. Tour du lịch cộng đồng trên phá Tam Giang thu hút được sự quan tâm của du khách với các hoạt động tham quan chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh, thăm làng nghề Mây tre đan Thủy Lập bằng xe đạp, trải nghiệm làm ngư dân trên phá. Năm 2016, huyện Quảng Điền đón 82 đoàn khách tham quan. Riêng tour du lịch cộng đồng sóng nước Tam Giang, ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi đón 28 đoàn với 269 khách, trong đó có 73 khách nước ngoài; tour du lịch “Một ngày trên phá Tam Giang” đón hơn 25 đoàn với hơn 100 du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan phá Tam Giang và hàng nghìn du khách đến vui chơi và tắm biển. Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đón 29 đoàn với 1.780 lượt khách từ các tỉnh, thành trong cả nước đến dâng hương, dâng hoa và tham quan.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII xác định: Phát triển du lịch dịch vụ là một trong những lĩnh vực để huyện Quảng Điền khai thác thế mạnh, tiềm năng, đưa nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển. Các giải pháp phát triển du lịch dịch vụ năm 2017 và những năm tiếp theo được xây dựng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về dịch vụ, du lịch của địa phương như: tập trung hoàn chỉnh việc quy hoạch chi tiết khu du lịch – dịch vụ Đông Quảng Lợi, khảo sát và dự kiến sẽ tổ chức một tour du lịch tại khu vực Tràm Chim, ở khu vực Cửa Lác, xã Quảng Thái, quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch như: các bãi tắm và khu nghỉ dưỡng ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn để thu hút đầu tư các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các điểm vui chơi giải trí… Đồng thời, không ngừng đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách tham quan; hợp tác với các công ty lữ hành, hình thành các doanh nghiệp du lịch để giới thiệu các sản phẩm du lịch vùng đầm phá Tam Giang – Quảng Điền. Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch của nhân dân, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch. Huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh doanh dịch vụ du lịch; tăng cường công tác giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái trên phá và ven phá Tam Giang nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần sớm đưa du lịch dịch vụ trở thành động lực mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội.