Hải Dương

Trường Đại học Sao Đỏ: Đào tạo theo định hướng ứng dụng

1:57 sáng | 17/08/2017

Trường Đại học Sao Đỏ (SDU) được thành lập năm 2010 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ. Theo định hướng đến năm 2020, Trường đang chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học, gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng chuyển giao công nghệ… để trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn với NGƯT.TS Phí Đăng Tuệ – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng SDU.

Với vai trò là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao cho tỉnh và các tỉnh lân cận, xin ông cho biết SDU đang thực hiện những giải pháp nào nhằm thực hiện trọng trách này?

Nhằm thực hiện trọng trách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, SDU tập trung thực hiện các giải pháp sau:

– Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo. Tăng thời lượng trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập kỹ năng nghề nghiệp lên 50%. Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng năng lực thực hiện, có sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này.

– Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất dịch vụ.

– Tăng cường kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới chương trình, hợp tác trong đào tạo, đưa sinh viên trải nghiệm, thực tập tại các doanh nghiệp, thành lập trung tâm đào tạo của doanh nghiệp trong nhà trường.

– Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, hàng năm chọn cử giảng viên học tập nâng cao trình độ.

– Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo các ngành mũi nhọn: Điện, Điện tử, Cơ khí, Ô tô, May.

– Đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phẩm chất, kỹ năng sống cho sinh viên. Tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, tham gia xuất khẩu lao động, tổ chức du học cho học sinh sinh viên (HSSV) và cho các đơn vị có nhu cầu.

– Thực hiện quan hệ hợp tác quốc tế, liên kết, liên thông về đào tạo – bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, triển khai khoa học – công nghệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.

Vấn đề hợp tác quốc tế đã và đang được SDU triển khai ra sao, thưa ông?

Một số vấn đề hợp tác quốc tế đã và đang được Trường Đại học Sao Đỏ triển khai là:

Hợp tác trong công tác bồi dưỡng giảng viên: Hàng năm, nhà trường đã chọn cử nhiều giảng viên tham gia các khoá đào tạo tiến sĩ, đến nay có 41 giảng viên đang học tập và nghiên cứu sinh (NCS) tại các trường đại học trên thế giới: Đại học Bách khoa miền Nam nước Nga, Đại học Tổng hợp Kỹ thuật lâm nghiệp S.M.Kirov, Đại học Kỹ thuật giao thông đường bộ Moscow (Liên bang Nga), Trường Hóa học quốc gia Rennes, Đại học Frenche – Comte, Đại học Grenoble Alpes, Viện Khoa học ứng dụng quốc gia trung tâm Val de Loire (CH Pháp), Đại học Dân tộc Vân Nam, Học viện Kỹ thuật thông tin và điện khí, Đại học Tài chính và kinh tế Đông Bắc, Đại học Hoa Bắc, Đại học Giao thông Tây An, Học viện Cơ khí và kỹ thuật ô tô (Trung Quốc),…

Hợp tác trong lĩnh vực cho sinh viên thực tập, trải nghiệm: Mỗi năm nhà trường cử từ 30-50 sinh viên đi thực tập nghề nghiệp và trải nghiệm thực tế ở Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaixia

Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: nhà trường đã hợp tác với Trường Đại học Hankok Hàn Quốc để xây dựng chương trình đào tạo gắn nhà trường với doanh nghiệp; chương trình hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Phối hợp với Tyota Nhật Bản xây dựng trung tâm đào tạo T-TEP nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.

Một trong những chủ trương lớn của Chính phủ là gắn việc đào tạo với sử dụng lao động. Vậy để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm và làm việc được ngay, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, SDU có đổi mới gì trong công tác quản lý để gắn kết nhà trường với doanh nghiệp và thị trường lao động?

Để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm và làm việc được ngay, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, Đại học Sao Đỏ có những biện pháp đổi mới trong công tác quản lý để gắn kết nhà trường với doanh nghiệp và thị trường lao động, cụ thể như sau:

– Định hướng tư vấn hướng nghiệp: Ngay khi sinh viên vào trường học tập, nhà trường đã tổ chức định hướng nghề nghiệp để sinh viên thấy được mình cần phải học gì, học như thế nào, vị trí công tác sau khi tốt nghiệp, khả năng làm việc và tính sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khả năng tiến thân cũng như phát triển năng lực và các phẩm chất nghề nghiệp của bản thân.

– Xây dựng mối quan hệ hợp tác với trên 50 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trong cả nước là các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn thuộc các khu công nghiệp: SUMORA (thành phố Hải Phòng); Phúc Điền, Nam Sách (tỉnh Hải Dương); Phố Nối, Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên); Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); Đông Anh, Sóc Sơn (thành phố Hà Nội)…tạo môi trường cho sinh viên thực tập, trải nghiệm và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

– Mỗi quý một lần tổ chức sàn giao dịch tư vấn giới thiệu việc làm cho sinh viên; hỗ trợ sinh viên kết nối với doanh nghiệp thông qua chương trình “job café”. Đây là không gian mở nhằm kết nối sinh viên với doanh nghiệp.

– Thành lập Hội Cựu sinh viên, Ban Liên lạc với sinh viên đã ra trường để nắm bắt nguyên vọng của sinh viên và các thông tin thị trường lao động, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho sinh viên đã ra trường

– Đưa học sinh, sinh viên ra doanh nghiệp trải nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo, thực tập cuối khoá, giúp cho học sinh, sinh viên tiếp cận được với công nghệ mới của sản xuất và học tập được tác phong làm việc công nghiệp, làm việc nhóm theo yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

– Ký kết các thoả thuận hợp tác đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt đối với sinh viên cuối khoá. Trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho sinh viên giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông có thể cho biết để xây dựng uy tín cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, nhà trường đã và đang triển khai kế hoạch cụ thể nào nhằm xây dựng thương hiệu?

Quan điểm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường là: uy tín và thương hiệu được khẳng định từ chất lượng đào tạo. Bởi vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo và để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, nhà trường đã triển khai các kế hoạch cụ thể:

– Tập trung đào tạo các ngành kỹ thuật có nhu cầu xã hội lớn: Điện, Điện tử, Cơ khí, Ô tô, May thời trang. Luôn tích cực đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra đánh giá năng lực thực hiện của sinh viên, gắn chương trình đào tạo với thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp. Tích cực bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trang thiết bị, phương tiện dạy học…

– Xây dựng đề án vay vốn ODA để đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo của nhà trường, đặc biệt là các ngành mũi nhọn.

– Xây dựng và đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch kết nối nhà trường và doanh nghiệp để thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ hoạt động đào tạo của nhà trường. Nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia đào tạo cùng nhà trường, qua đó tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến và tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.